Tiền Giang: Tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm
Dạy thêm, học thêm (DTHT) từ nhiều năm nay được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, có rất nhiều ý kiến trái chiều với các góc độ khác nhau. Trong khi đó, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thì tăng cường các giải pháp quản lý để việc DTHT ngày càng đi vào ổn định, nền nếp và tránh xảy ra tiêu cực.
Việc DTHT đang được ngành GD-ĐT tăng cường quản lý. |
HỌC THÊM, CẤP NÀO CŨNG CÓ
Chị Nguyễn Khánh Chi, một phụ huynh có con trai đang học lớp 11 Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Mỹ Tho) cho biết, trước đây, con chị học yếu 2 môn Toán và Hóa học. Chị muốn con học khá hơn nên đã tìm giáo viên cho con học thêm khi đang học giữa năm lớp 10. Từ đó, việc học thêm của con được chị Chi duy trì thường xuyên. Đến nay, con chị học tập có nhiều tiến bộ hơn, điểm số những lần kiểm tra các môn học đã được nâng lên.
Còn theo anh Lâm Văn Bình (ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho) có con trai đang học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, nhờ đi học thêm mà con trai anh có học lực khá hơn những năm học THCS rất nhiều. Anh Bình cho rằng, số tiết học trong lớp khá ít, trong khi học sinh thì lại đông nên giáo viên khó có thể hướng dẫn từng học sinh như ở lớp học thêm.
Để con học thêm có hiệu quả thì việc chọn giáo viên cho con học thêm cũng rất quan trọng, phải là những giáo viên có kinh nghiệm, nhiệt tình với học sinh.
Rõ ràng việc học thêm đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc giúp học sinh củng cố kiến thức, cải thiện điểm số và cả kết quả học tập. Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế là không ít phụ huynh vừa muốn con em mình học giỏi, với điểm số cao vừa không muốn làm mất lòng giáo viên đứng lớp.
Do đó, nhiều phụ huynh không chỉ cho con học thêm mỗi môn là 1 giáo viên mà có khi 2 đến 3 giáo viên. Điều này làm cho học sinh phải mất nhiều thời gian cho học thêm mà không còn thời gian đầu tư cho học chính khóa.
Thực tế hiện nay, DTHT đang là vấn đề chi phối, tạo thành áp lực đối với cả phụ huynh và học sinh ở tất cả các bậc học từ tiểu học, THCS cho đến THPT. Bởi theo chủ trương của ngành GD-ĐT, việc DTHT chỉ được cấp phép ở bậc học THCS, THPT.
Tuy nhiên, ở bậc tiểu học cũng đang xảy ra tình trạng DTHT tràn lan. Chị T.T.L., một phụ huynh có con gái mới chỉ học lớp 1 nhưng 1 tuần 3 buổi chị phải đưa con đến học thêm môn Toán và Tiếng Việt do cô giáo chủ nhiệm lớp trong trường mở tại nhà. “Cả lớp, học sinh đứa nào cũng được phụ huynh đưa đến lớp học thêm do cô dạy nên mình cũng phải đưa con đến học để theo kịp bạn bè” - Chị L. lý giải việc cho con học thêm.
Tính đến tháng 10-2018, Sở GD-ĐT đã cấp phép tổ chức DTHT trong nhà trường cho 37 trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Mỹ Tho và Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghệ Cai Lậy. Số cơ sở DTHT ngoài nhà trường đã được cấp phép là 45 cơ sở, với 144 điểm dạy thêm. Số phòng học thêm đạt chuẩn là 189 phòng. Số giáo viên đăng ký tham gia dạy thêm là 322 giáo viên. Riêng các cơ sở DTHT chương trình cấp THCS trở xuống do UBND các huyện, thành phố, thị xã cấp phép. |
Không chỉ có trường hợp của chị L. mà hiện tượng phụ huynh cho con học thêm ngay sau khi học xong mẫu giáo hay từ những năm học tiểu học hiện đang diễn ra khá phổ biến.
QUẢN LÝ ĐƯỢC KHÔNG?
Hiệu trưởng Trường THPT Phan Việt Thống (huyện Cai Lậy) Võ Văn Hiếu cho biết, vào đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường phổ biến đến giáo viên, phụ huynh và học sinh những quy định cụ thể về DTHT.
Theo đó, giáo viên chỉ được dạy thêm ở những nơi có giấy phép và được sự đồng ý của nhà trường. Trường cũng đã thành lập Ban Quản lý DTHT nhằm kiểm tra, giám sát việc DTHT của giáo viên và học sinh. Do có những quy định và tổ chức giám sát chặt chẽ việc DTHT nên trường vẫn chưa phát hiện những tiêu cực xung quanh việc DTHT.
Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước về giáo dục, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn nhìn nhận, hiện nay, việc DTHT không đăng ký, xin cấp phép hay dùng những thủ thuật “phi giáo dục” để o ép học sinh phải học thêm, học trước chương trình, thu tiền dạy thêm quá cao... vẫn còn xảy ra ở một số nơi.
Bên cạnh đó, việc DTHT cũng bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại như: Các lớp học thêm còn tổ chức với quy mô lớn; một số đơn vị bố trí học sinh học thêm theo lớp chính khóa; tổ chức giờ học, tiết học thêm còn có tính nhồi nhét, gây hiện tượng quá tải và làm mất dần tính chủ động, sáng tạo và ý thức tự học của học sinh; chưa chú trọng đến chất lượng giáo viên DTHT; việc kiểm tra, quản lý còn lỏng lẻo...
Theo Sở GD-ĐT, mỗi năm học, sở đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra về DTHT tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm học gần đây, qua thanh tra, kiểm tra, Sở GD-ĐT đã phát hiện và xử lý 29 trường hợp vi phạm về DTHT.
Để việc DHTH ngày càng đi vào nền nếp, ổn định, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn cho biết, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT sẽ tăng cường các biện pháp quản lý việc DTHT ở ngoài các trường học; kiên quyết không thẩm định và cấp phép cho cá nhân, tổ chức đăng ký DTHT khi không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng DTHT.
Bên cạnh đó, sở cũng sẽ tiếp tục tăng cường cơ chế giám sát các địa phương trong việc thực hiện chính sách giáo dục nói chung và quản lý hoạt động DTHT nói riêng. Đặc biệt, UBND cấp xã cần đẩy mạnh việc kiểm tra, xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về DTHT.
ĐỖ PHI