.

"Khai thông" vốn vay, mở hướng xuất khẩu lao động

Cập nhật: 16:02, 17/12/2018 (GMT+7)

Việc mở rộng đối tượng vay vốn nhằm hỗ trợ cho người lao động Tiền Giang làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài được kỳ vọng sẽ mở thêm hướng ra đối với việc giải quyết việc làm.

Một khóa huấn luyện về kỹ năng đi làm việc tại Nhật Bản.
Một khóa huấn luyện về kỹ năng đi làm việc tại Nhật Bản.

Thật ra, Chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã được triển khai nhiều năm qua nhưng dường như chưa đạt được như mong đợi. Một trong những nguyên nhân chính là chính sách tài chính, đối tượng được vay nhằm hỗ trợ cho người lao động làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài còn hạn chế, nhất là đối tượng được vay vốn. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay cơ bản đã được “khai thông” thông qua việc bổ sung, mở rộng đối tượng được vay vốn.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Tiền Giang Dương Văn Hoàng, hiện nay nguồn vốn cho vay sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vay đi xuất khẩu lao động theo các đối tượng vay, kể cả là các đối tượng mới được bổ sung theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh thông qua ngày 13-7-2018, với thủ tục không quá khó khăn và lãi suất vay bằng với lãi suất cho vay hộ nghèo hiện nay (0,55%/tháng).

“Với việc mở rộng đối tượng vay và đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn cho vay từ UBND tỉnh ủy thác sang, dự báo số lượng lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài của Tiền Giang sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2018, Tiền Giang có khoảng 20 - 30 lao động đi nước ngoài làm việc”- Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tiền Giang Dương Văn Hoàng cho biết.

Chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn Tiền Giang đã được triển khai gần 15 năm. Khởi đầu từ Đề án Xuất khẩu lao động tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2004 - 2010 với mục tiêu mỗi năm đưa 300 lao động ra nước ngoài làm việc. Thời gian đầu triển khai thực hiện đề án cũng đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, chỉ trong 2 năm (2005, 2006) trên địa bàn tỉnh đã có hơn 830 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, càng về sau số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm dần do nhiều nguyên nhân khác nhau, bình quân 3 năm (2007 - 2009), mỗi năm trên địa bàn tỉnh chỉ có 87 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Kế tiếp là từ năm 2012, tỉnh thực hiện Dự án Hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 theo hướng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đi vào chiều sâu, không chạy theo phong trào nhưng kết quả đạt được cũng rất khiêm tốn. Cụ thể, cả giai đoạn 2011 - 2016 toàn tỉnh chỉ có 836 lao động đi làm việc ở nước ngoài…
 

Một trong những điểm mới đối với chính sách đưa người lao động sang làm việc ở nước ngoài là đối tượng vay vốn đã được mở rộng hơn.

Trước đây, đối tượng vay vốn chỉ tập trung vào: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; lao động là người dân tộc thiểu số; lao động là thân nhân người có công với cách mạng.

Tuy nhiên, hiện nay, ngoài những đối tượng này, thực hiện theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh thông qua ngày 13-7-2018 và Quyết định 21 ngày 26-10-2018 của UBND tỉnh quy định về việc cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đối tượng vay vốn đã được mở rộng thêm, bao gồm: Người trong độ tuổi lao động thuộc diện mồ côi hoặc xuất thân từ các cơ sở bảo trợ xã hội; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an chưa có việc làm ổn định; học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học chưa có việc làm ổn định và thanh niên hiện chưa có việc làm ổn định.

Theo quy định hiện nay, những đối tượng đi làm việc ở nước ngoài thuộc diện chính sách được vay tối đa 100% chi phí theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp, trong đó 50 triệu đồng từ nguồn vốn Trung ương, phần còn lại từ nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tiền Giang.

Đối với những đối tượng còn lại cũng được vay tối đa 100% chi phí theo hợp đồng nhưng từ nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tiền Giang. Các đối tượng vay vốn được áp dụng lãi suất cho vay của Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tiền Giang với thời gian vay không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài và được vay theo hình thức không đảm bảo tài sản.

Xuất phát từ thực tiễn vừa qua, nhằm tạo sức bật mới trong công tác đưa người lao động của Tiền Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động và gia đình, giảm nghèo bền vững, mới đây UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 - 2020.

Mục tiêu đặt ra trong đề án lần này là giai đoạn 2018 - 2020 có 900 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bình quân mỗi năm là 300 lao động, theo hình thức thông qua các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc và thông qua Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo Chương trình phi lợi nhuận của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, một trong những giải pháp quan trọng được đặt ra trong đề án này, bên cạnh tuyên truyền, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài là các chính sách hỗ trợ cho người lao động.

Đề án cũng tập trung vào việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với tất cả người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; mở rộng đối tượng và mức vay đi làm việc ở nước ngoài ngoài đối tượng và mức vay theo quy định của Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tiền Giang và quy định từ Quỹ Quốc gia về việc làm…

Với những quyết tâm của tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành có liên quan, việc đưa người lao động sang làm việc ở nước ngoài được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kết quả hơn.

A.P

.
.
.