Chủ Nhật, 06/01/2019, 20:16 (GMT+7)
.

Chủ động thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới

Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) của tỉnh đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết, chủ động khắc phục khó khăn để đáp ứng công tác giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngành GD-ĐT của tỉnh đang chuẩn bị mọi điều kiện cho công tác giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngành GD-ĐT của tỉnh đang chuẩn bị mọi điều kiện cho công tác giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới.

TRIỂN KHAI ÁP DỤNG TỪ NĂM HỌC 2019 - 2020

Có thể nói, sự thay đổi chương trình giáo dục phổ thông sắp tới của Bộ GD-ĐT đang nhận được sự quan tâm, đồng tình của dư luận. Đây được xem là bước bứt phá, thay đổi mạnh mẽ của toàn ngành GD-ĐT.

Theo thông báo Kết luận 1013 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc triển khai xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc.

Trong đó, đối với cấp tiểu học từ năm 2019 - 2020, cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và cấp THPT năm học 2021 - 2022.
Lộ trình cụ thể đối với từng cấp học/lớp học như sau: Năm học 2019 - 2020 triển khai ở lớp 1; 2020 - 2021 triển khai ở lớp 2 và lớp 6; năm học 2021 - 2022 triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm 2022 - 2023 triển khai ở lớp 4, lớp 8, lớp 11; năm 2023 - 2024 triển khai ở lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, so với chương trình giáo dục trước đây, Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm mới, cải tiến để phù hợp với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phát huy tính năng động, sáng tạo của học sinh, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam.

Học sinh sẽ là nhân vật trung tâm của quá trình giáo dục, còn giáo viên chỉ đáp ứng vai trò là người gợi mở. Các môn học trong chương trình mới sẽ không còn rời rạt như trước đây nữa, mà có sự thống nhất, tích hợp liên môn với nhau.

CHỦ ĐỘNG CÁC ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN

Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã tích cực triển khai nhiều nội dung nhằm chuẩn bị điều kiện đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới mà trước hết là cấp tiểu học. Theo đó, sở đã chỉ đạo các Phòng GD-ĐT, đơn vị trường học tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trường lớp và đội ngũ cán bộ, giáo viên; qua đó, kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Đồng thời, khuyến khích giáo viên, cán bộ quản lý tự tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới kiểm tra đánh giá; đẩy mạnh công tác định hướng, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học nhằm phát huy năng lực sáng tạo của học sinh và giáo viên…

Theo Sở GD-ĐT, năm 2018, tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất trường học, với tổng kinh phí 565,9 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây mới 615 phòng học, phòng hành chính quản trị, phòng phục vụ học tập; sửa chữa 726 phòng học. Bên cạnh đó, mô hình trường học mới được triển khai, duy trì và phát huy hiệu quả ở một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Trong năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 84/218 trường tiểu học tham gia giảng dạy theo mô hình trường học mới cho học sinh từ khối lớp 2 đến khối lớp 5; có 212/218 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, với tổng số học sinh theo học là 113.279/138.160 học sinh, đạt tỷ lệ 82%.

Theo Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) Trần Văn Dũng, nhằm thích ứng với việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mới, ở cấp tiểu học sẽ đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và giáo viên.

Bên cạnh đó, thực hiện quy hoạch phát triển, sắp xếp đội ngũ đảm bảo đúng vị trí việc làm và yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư, nâng cấp các cơ sở giáo dục. Tất cả nội dung trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi để ngành GD-ĐT triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, các địa phương trong tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, một vài địa phương tỷ lệ học sinh cấp tiểu học được học 2 buổi/ngày còn thấp. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại nhiều cơ sở giáo dục còn hạn chế.

Theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tân Phú Đông Phạm Minh Tâm, hiện nay, trên địa bàn huyện còn một vài điểm trường lẻ, phân tán gây khó khăn trong công tác đầu tư cơ sở vật chất và dạy học. Một số trường chưa đảm bảo 1 phòng/lớp, trong khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày.

Ngoài ra, số lượng trường bán trú của tỉnh còn khá thấp; vấn đề thừa, thiếu giáo viên… cũng sẽ là những trở ngại gây khó khăn trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Theo Sở GD-ĐT, hiện tại, sở đang chờ những chỉ đạo mới nhất về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới từ Bộ GD-ĐT để thực hiện các bước tiếp theo. Trong thời gian này, sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng của mỗi cán bộ, giáo viên nhằm vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

Đ. PHI

.
.
.