Thứ Sáu, 04/01/2019, 16:07 (GMT+7)
.

Không nên "xóa" các trường cao đẳng sư phạm?

Cả nước hiện có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và còn khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường có nguy cơ thất nghiệp.
 
Sư phạm đứng đầu danh sách những ngành có nguy cơ thất nghiệp. Nhưng cả nước cũng thiếu 76.000 giáo viên so với nhu cầu sử dụng theo định mức...

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) Việt Nam vừa gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên và sắp xếp hợp lý các trường cao đẳng sư phạm.

Giáo viên mầm non đang giảng dạy tại Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5, TPHCM)
Giáo viên mầm non đang giảng dạy tại Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5, TP.Hồ Chí Minh)

Việc đào tạo giáo viên còn “trôi nổi”

Nhìn lại công tác đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông, kiến nghị của Hiệp hội do GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ cho hay, vấn đề này có nhiều nổi cộm. Có khá nhiều vấn đề bức xúc đối với công tác đào tạo giáo viên phổ thông.

Đơn cử như hiện tượng thừa - thiếu giáo viên. Giáo viên thiếu ở một số nơi nhưng lại thừa ở những nơi khác, thừa đối một số môn học nhưng lại thiếu ở những môn khác.

Tuy nhiên, giáo viên dạy môn này không thể chuyển sang dạy môn khác; giáo viên cấp này không thể chuyên sang cấp khác và địa phương này cũng không thể chuyển sang địa phương khác.

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và còn khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường có nguy cơ thất nghiệp. Sư phạm đứng đầu danh sách những ngành có nguy cơ thất nghiệp.

Nhưng cả nước cũng thiếu 76.000 giáo viên so với nhu cầu sử dụng theo định mức. Thiếu nhiều nhất là ở bậc mầm non, hơn 43.000 người; tiếp đến là bậc tiểu học, thiếu gần 19.000 người; trung học cơ sở (THCS) thiếu hơn 10.000 người và trung học phổ thông thiếu hơn 3.000 người.

Năm học 2018 – 2019, có 28 tỉnh, thành cần tuyển dụng giáo viên nhưng không được giao chỉ tiêu tuyển mới. Đơn cử, Hà Nội thiếu 12.681 giáo viên nhưng chỉ cho 8.211 chỉ tiêu.

“Chúng ta sắp đưa chương trình sách giáo khoa mới vào giảng dạy, triển khai giáo dục toàn diện: nhạc, họa, ngoại ngữ… nỗ lực giảm quy mô học sinh trong một lớp học và thực hiện học hai buổi một ngày.
 
Điều này đòi hỏi nhiều giáo viên hơn, đa dạng hơn, nên thực tế thừa - thiếu giáo viên là đáng lo ngại”, kiến nghị của Hiệp hội nêu rõ.

Cùng với đó là hiện tượng người học không muốn vào các ngành sư phạm. Hiệp hội dẫn chứng, cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Trong đó, có 14 trường đại học sư phạm, 40 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.

Mùa tuyển sinh 2018, Bộ GD-ĐT giảm 33% chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm (từ 52.000 xuống 35.000). Tuy vậy,  trừ một vài trường sư phạm có bề dày chuyên môn đang trụ ở thành phố lớn, số còn lại rất khó khăn tuyển đủ chỉ tiêu.

Chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, GS Trần Hồng Quân cho rằng, thứ nhất, là do quản lý nhà nước về giáo dục bị cắt khúc, chồng chéo.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành phố đều là chủ thể tổ chức đào tạo giáo viên, nay lại thêm cả Bộ LĐ-TB-XH (do sáp nhập các trường sư phạm vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp). Trong khi đó Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ mới có quyền bố trí chỉ tiêu và tuyển dụng giáo viên.  

Thứ hai là do công tác quy hoạch, dự báo từ trung ương đến các địa phương rất hạn chế, thiếu chính xác khi có quá nhiều (155) cơ sở giáo dục tham gia đào tạo giáo viên; các nhà trường đều tăng quy mô để có nguồn thu cho hoạt động của trường, ít quan tâm đến năng lực và cơ hội việc làm của người học; con số 33% chỉ tiêu ngành sư phạm bị cắt giảm năm 2018 không theo một quy luật nào minh chứng sự “trôi nổi” của việc đào tạo giáo viên.

Mạng lưới đào tạo giáo viên phải được chỉ đạo xuyên suốt

Đối chiếu với các chỉ đạo của Đảng để kiện toàn mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho rằng, quy định về chuẩn đội ngũ giáo viên cần mềm dẻo.

Bởi vì Trung ương chỉ đạo “tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, THCS.. có trình độ từ đại học trở lên”, chứ không bắt buộc tất cả giáo viên tiểu học và THCS phải có ngay trình độ đại học.

Do đó, sự đan xen trình độ cao đẳng, đại học ở đội ngũ giáo viên tiểu học THCS là tất yếu trong điều kiện hiện nay của đất nước. Cách làm này một số nước phát triển cũng đang áp dụng.  

Như vậy, các cơ sở cao đẳng sư phạm không chỉ đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non mà vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học và THCS một khi các đơn vị này vẫn đủ điều kiện.

Các trường đại học sư phạm có thể đào tạo một tỷ lệ nhất định giáo viên THCS và tiểu học có trình độ đại học, còn nhiệm vụ chính là đào tạo trên đại học, nghiên cứu, đào tạo giáo viên THPT.

Hiệp hội cũng cho rằng, đang có những “vùng trũng” về giáo dục. Đó là các tỉnh vùng có đông đồng bào dân tộc ít người vùng biên giới, vùng núi, ở vùng ĐBSCL, nên sự có mặt của một đơn vị giáo dục công (ví dụ Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng y tế) là gián tiếp hỗ trợ cho vùng kinh tế xã hội khó khăn.

Việc giảm đi một cơ sở giáo dục công ở các địa bàn trên sẽ hoàn tất rất nhanh “theo quy trình”, nhưng để xây dựng đội ngũ giảng viên cho mỗi cơ sở đào tạo giáo viên chúng ta mất vài chục năm.

Hiện cả nước còn hơn 30 trường cao đẳng sư phạm đứng độc lập chiếm chưa đầy 0,0006% tổng số đơn vị sự nghiệp công (57.995).

"Con số ít ỏi đó chủ yếu thuộc các địa bàn khó khăn đã nêu, xứng đáng được Đảng và Nhà nước ưu tiên đầu tư trước”, GS Trần Hồng Quân nêu quan điểm của Hiệp hội.

Hiệp hội cũng kiến nghị mạng lưới đào tạo giáo viên phải được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ, về tài chính và nhân sự. Quản lý nhà nước về đào tạo giáo viên chỉ hiệu quả nhất khi thống nhất vào một đầu mối.

Nhà nước cũng tiếp tục tập trung đầu tư cho đào tạo giáo viên, đặc biệt tăng cường tiềm lực cho các trường sư phạm thuộc các vùng miền khó khăn để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT sớm hoàn thành Quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông, có lấy ý kiến giới chuyên môn, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong khi chưa phê duyệt mạng lưới, đề nghị chưa sáp nhập các trường sư phạm với các đơn vị khác thuộc thẩm quyền. Nên khuyến khích các trường sư phạm thành lập trường phổ thông liên cấp thực hành và tự chủ về tài chính.

Đơn vị sư phạm có đề án chuyển đổi sang mô hình tự chủ theo NĐ-16 của Chính phủ có tính khả thi thì không thuộc đối tượng sáp nhập.

Bộ nên điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dành phần lớn chỉ tiêu đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học cho các trường cao đẳng sư phạm.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.