Chọn ngành nghề thế nào để không bị thất nghiệp?
Đó là vấn đề đang được phụ huynh cũng như học sinh quan tâm, lo lắng trước ngưỡng cửa của mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay. Thực tế cho thấy, việc chọn được một ngành nghề vừa phù hợp với bản thân vừa không bị thất nghiệp là điều quá khó khăn.
Chính vì vậy, học sinh lớp 12 đang rất cần sự thông tin, phân tích cũng như định hướng từ phía nhà trường và gia đình để có thể có những lựa chọn đúng đắn hơn về nghề nghiệp.
Những năm qua, công tác đào tạo nghề được tỉnh đặc biệt quan tâm và đã có những bước phát triển đáng kể. Ảnh: PHI CÔNG |
BỐI RỐI TRONG LỰA CHỌN NGHỀ NGHIỆP
Có thể thấy từ sau Tết Nguyên đán 2019, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh ở hầu khắp các trường THPT. Theo nhiều giáo viên làm công tác tư vấn tuyển sinh, hiện nay, tâm lý chọn nghề nghiệp của học sinh còn khá mơ hồ, thậm chí là hoang mang lo lắng không biết chọn ngành nghề nào theo học để sau này ra trường không bị thất nghiệp.
Mặc dù cho đến nay đang bước vào giai đoạn đăng ký hồ sơ tuyển sinh ở các trường đại học, cao đẳng nhưng nhiều em vẫn chưa có định hướng gì về nghề nghiệp và không biết phải đăng ký học ngành nghề gì, ở trường nào. Do đó, vẫn còn xảy ra tình trạng chọn trường, ngành nghề học theo cảm tính, theo đám đông…
Theo Sở LĐ-TB&XH, năm 2019, 25 trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh sẽ tuyển sinh 12.090 chỉ tiêu cho các bậc đào tạo nghề. Trong đó, bậc cao đẳng 1.180 chỉ tiêu, trung cấp 1.910 chỉ tiêu, sơ cấp 2.325 chỉ tiêu) và đào tạo dưới 3 tháng là 6.675 chỉ tiêu. Trong đó, trường tuyển sinh nhiều nhất là Trường Trung cấp Nghề Giao thông Vận tải 2.200 chỉ tiêu, Cao đẳng Nghề Tiền Giang 1.200 chỉ tiêu, Đại học Tiền Giang 980 chỉ tiêu, Cao đẳng Y tế Tiền Giang 900 chỉ tiêu… |
Còn em Nguyễn Thị Trúc, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Mỹ Tho) vẫn không khỏi bối rối trong việc chọn trường đại học, cao đẳng cũng như nghề nghiệp để theo học.
“Cái khó lớn nhất của em hiện nay là chưa xác định rõ sở trường của mình, trong khi đó các trường đại học, cao đẳng cũng như ngành học thì rất nhiều. Và điều em quan tâm là liệu ngành học mình chọn sau này có dễ xin việc làm không” - em Trúc cho biết.
Theo cô Phan Thị Kim Hoa, phụ huynh của một học sinh lớp 12 ở huyện Gò Công Tây, trong xã hội ngày nay, có không ít người làm công việc không đúng với ngành mình đã từng theo học. Do đó, hãy để bản thân các em tự chọn ngành nghề mà các em cho là phù hợp và yêu thích, không nên gò ép hay bắt buộc.
Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho rằng, với sự bùng nổ thông tin về tư vấn tuyển sinh ở các mùa thi đã khiến cho không ít học sinh phải choáng ngợp và bối rối trong việc lựa chọn các trường đại học, cao đẳng hay ngành nghề để theo học.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nhiều học sinh đã chọn không đúng ngành nghề, sau khi vào học các em thấy không phù hợp, chán nản rồi lựa chọn sang ngả rẽ khác. Do đó, học sinh, nhất là học sinh lớp 12 cần cân nhắc để có những lựa chọn đúng đắn hơn về ngành nghề cho bản thân.
Những năm qua, công tác đào tạo nghề được tỉnh đặc biệt quan tâm và đã có những bước phát triển đáng kể. |
HỌC GÌ ĐỂ KHÔNG THẤT NGHIỆP?
Học gì để không thất nghiệp hay chọn trường nào học uy tín, học phí thấp nhưng chất lượng… Đó là tâm lý chung của đa số học sinh đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề nghiệp hiện nay.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Tiền Giang Lê Tiến Dũng, xu thế lựa chọn ngành nghề hiện nay đã có nhiều bước tiến bộ vượt bậc hơn trước. Trong xã hội hiện đại thì không phải có bằng cấp (đại học, cao đẳng) là có được việc làm tốt, mà còn đòi hỏi người làm việc phải có kỹ năng giao tiếp, năng lực ngoại ngữ, sở trường bản thân… Người xin việc phải chứng minh được năng lực của mình thông qua phỏng vấn xin việc hay trong quá trình thử việc, nếu không đáp ứng được thì việc đào thải cũng là chuyện tất yếu.
Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng tăng lên. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang, năm 2018, có 45,67% lao động có trình độ chuyên môn được đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên; nhu cầu tuyển dụng việc làm có trình độ đại học là 21,08%, cao đẳng 2,23%, trung cấp 7,52% và sơ cấp 10,29%.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang Nguyễn Ngọc Linh cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động năm 2019 là khoảng 12 ngàn lao động và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục tăng mạnh. Đối với nhu cầu tuyển dụng có trình độ chuyên môn tập trung vào các nhóm ngành, nghề như kinh tế, tài chính, kế toán, cơ khí, phiên dịch, du lịch, công nghệ thông tin, điện tử…
Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Phước Tân cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 25 trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề. Các trường này đã hình thành hệ thống đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, nhất là các ngành như kinh tế, kỹ thuật, ngoại ngữ... Đa số các học viên theo học tại trường nghề trên địa bàn tỉnh khi ra trường đều có việc làm và thu nhập ổn định. Do đó, để thuận tiện đi lại, giảm chi phí trong quá trình học tập, học sinh có thể lựa chọn ngành nghề và trường theo học ngay trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, hiện nay, có rất nhiều trường đại học, cao đẳng cũng như ngành nghề để theo học sau khi tốt nghiệp THPT. Do đó, học sinh cần phải xác định rõ sở trường, năng lực và điều kiện kinh tế gia đình để chọn cho bản thân ngành nghề theo học phù hợp. Cùng với đó, sự định hướng ngành nghề từ phía nhà trường và gia đình cũng rất cần thiết cho học sinh hiện nay.
Đ.PHI