.

Hơn 30 năm cần mẫn mang trái ngọt cho đời

Cập nhật: 15:28, 23/08/2019 (GMT+7)

Ai sinh ra trên đời cũng mang trên mình một sứ mệnh rất riêng, điều này lại càng đúng hơn khi nói về những nhà giáo chân chính, tận tâm - những người đã và đang  đem chữ “Tài” và chữ “Tâm” của mình để sống và cống hiến hết mình cho cuộc đời, cho đất nước. Chúng tôi đã gặp một “bông hoa” như thế. Đó là cô giáo Nguyễn Thị No, người đã có hơn 30 năm góp sức thắp lên ngọn lửa tri thức, chắp cánh ước mơ cho nhiều lớp học sinh.

Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, cô Nguyễn Thị No - Tổ trưởng Tổ Sử - Giáo dục công dân (GDCD) Trường Trung học phổ thông (THPT) Dưỡng Điềm (huyện Châu Thành) được cô Nguyễn Thị Phúc Nga - Hiệu trưởng nhà trường cùng đồng nghiệp dành nhiều sự tin yêu, trân trọng.

Được một độc giả giới thiệu, trung tuần tháng 8, chúng tôi đến Trường THPT Dưỡng Điềm gặp cô No, khi chúng tôi hỏi về “mối lương duyên” giữa cô với “nghề lái đò” thầm lặng, cô No cười và chia sẻ: “Cô yêu nghề giáo từ bé. Lúc nhỏ đi học nhìn hình ảnh thầy cô giáo mẫu mực về nhân cách, uyên thâm về trí tuệ, đạo đức cao cả, luôn giữ gìn khí tiết thanh cao, cô thần tượng và mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo. Vậy là lớn lên, cô quyết tâm theo ngành Sư phạm và gắn bó đến nay cũng ngót hơn 30 năm”.

Cô Nguyễn Thị No
Cô Nguyễn Thị No trong giờ lên lớp.

Theo lời cô No kể, năm 1986 cô tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ngành Lịch sử Đảng và được Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang phân công về dạy tại Trường cấp 3 Vĩnh Kim (nay là Trường THPT Vĩnh Kim). Từ năm 1987, cô được phân công về dạy Trường THPT Dưỡng Điềm (trước đây là Trường PTTH Vĩnh Kim, Phân hiệu Dưỡng Điềm) cho đến nay.

33 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, trong đó có 32 năm gắn bó với Trường THPT Dưỡng Điềm, đây được xem là gia đình thứ hai của cô với bao kỷ niệm buồn vui trên bục giảng. Lúc mới về trường, cô đảm trách dạy 2 môn Sử và Đạo đức. Từ năm 2002 đến nay, cô phụ trách dạy môn GDCD. Từ năm 2009, cô được bầu làm Tổ trưởng Tổ Sử - GDCD cho đến nay. Dù ở cương vị nào, cô cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cô Nguyễn Thị No
Cô Nguyễn Thị No luôn sáng tạo trong tiết dạy qua việc thường tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm.

Chúng tôi còn nhớ, sinh thời, Bác Hồ đã nhận định: “Có thầy giỏi thì rồi sẽ có phương pháp hay, do đó sẽ có trò giỏi”. Song, để trở thành thầy giỏi là điều không dễ, đòi hỏi người giáo viên phải không ngại khó, không ngại khổ, tận tâm, tận tuỵ và giữ được lửa đam mê với nghề. Thật vậy, trao đổi với cô No, chúng tôi cảm nhận sâu sắc niềm đam mê với nghề của người phụ nữ đã dành gần cả cuộc đời theo nghiệp giảng dạy.

Cô No tâm niệm: “Yêu công việc mình làm, yêu bộ môn mình giảng dạy chính là niềm cảm hứng để giáo viên tìm tòi, học hỏi. Dạy học trò không chỉ dạy chữ, mà còn phải truyền cho các em lối sống có tâm, có đức. Muốn vậy, trước hết mình phải là tấm gương cho các em noi theo và phải luôn coi học trò như con, như cháu của mình và lắng nghe học trò nhiều hơn”.

Có lẽ, chính vì vậy, trong quá trình công tác cô không dao động trước mọi khó khăn, luôn đem hết khả năng và lòng nhiệt tình của mình để giảng dạy học sinh. Cô học hỏi những phương pháp giảng dạy hay. Cô còn có nhiều sáng kiến cải tiến áp dụng hiệu quả tại trường học. Trong đó có 2 đề tài được xếp loại B cấp tỉnh gồm: Đề tài tìm hiểu về ma tuý trong trường học và việc tổ chức thực hiện phòng, chống ma tuý trong trường học và Đề tài Đổi mới kiểm tra đánh giá môn GDCD bậc THPT; nhiều đề tài sáng kiến đạt loại C cấp tỉnh…

Cô Nguyễn Thị No
Luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến học sinh nên cô Nguyễn Thị No được nhiều học sinh quý mến.

Em Nguyễn Huỳnh Lan Vy, học lớp 12 Trường THPT Dưỡng Điềm, chia sẻ: “Em rất thích tiết dạy của cô No, cô luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến học sinh. Cô còn có nhiều cách dạy hay đúng với tâm lý học sinh, cho chúng em làm việc nhóm thảo luận, đặc biệt cô rất tâm lý, thường kể chuyện cho tụi em nghe, từ câu chuyện cô rút ra bài học nên tụi em rất thích tiết dạy của cô”.

Khi chúng tôi hỏi, được biết không lâu nữa cô sẽ rời bục giảng về nghỉ hưu, trong suốt quãng thời gian đi dạy có kỷ niệm nào khiến cô nhớ nhất? Cô No không kìm được xúc động và trả lời, đó là quãng thời gian cô vật vã với bạo bệnh, dành lại sự sống để được tiếp tục đứng trên bục giảng.

Theo lời cô No kể,  năm 2012,  trong một lần đi khám sức khoẻ thì tin dữ ập xuống như sét đánh ngang tai khi bác sĩ kết luận cô mắc bệnh ung thư vú. “Khi đó, cô hoang mang suy sụp và nghĩ rằng cuộc sống của mình sắp kết thúc, lo lắng cho các con đang tuổi ăn tuổi học. Ngày cô chuẩn bị phẫu thuật thì bé lớn con cô chuẩn bị bảo vệ luận văn đại học Y, còn bé nhỏ chuẩn bị thi vào đại học nên cô rất hoang mang, không biết là lần phẫu thuật này cô có quay trở lại được không?!” – cô No xúc động nói.

Cô Nguyễn Thị No
Cô Nguyễn Thị No thường kể cho học sinh nghe những câu chuyện về đối nhân xử thế.

Điều gì khiến cô vượt qua giai đoạn này - chúng tôi hỏi. Cô No trả lời là do nghị lực của một đứa trẻ mồ côi từ thuở bé. Rồi cô nói tiếp, cha cô là liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh, mẹ còn quá trẻ nên không thể ở vậy, cô sống với ông bà nội từ lúc mới 12 tháng tuổi. Có lẽ sống trong cơ cực, bất hạnh và tự hào về người cha đã dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc đã rèn cho cô nghị lực không dễ bị sụp đổ mà ngược lại tiếp thêm sức mạnh cho cô vượt qua nghịch cảnh.

Thời điểm đó nghèo khổ lắm tằn tiện từ đồng lo cho con ăn học, đi mổ mà không đủ tiền trả viện phí nhưng được sự giúp đỡ và yêu thương của nhiều người, nhất là các bác sĩ tận tình giúp đỡ nên ca phẫu thuật đã thành công. Bây giờ nghĩ lại cũng không hiểu tại sao mình có thể vượt qua giai đoạn đó.

Thật vậy, chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Phúc Nga cho rằng: “Cô No không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, một đảng viên gương mẫu, mà còn là người giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Dù lâm vào bạo bệnh nhưng cô luôn chủ động sắp xếp, đổi tiết dạy, vẫn lạc quan và cần mẫn lên lớp. Ở cương vị là Tổ trưởng chuyên môn cô No luôn là giáo viên dạy giỏi, quản lý tổ sâu sát, tham mưu cho trường nhiều ý kiến hay, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảy lần là chiến sĩ thi đua cơ sở, hai lần là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cô No xứng đáng là tấm gương để các giáo viên trẻ noi theo”.

HOÀI THU

.
.
.