.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại và sách công nghệ giáo dục: 40 năm thăng trầm

Cập nhật: 15:40, 15/09/2019 (GMT+7)

Với việc bị loại, sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại sẽ không được dạy và trở về với vạch xuất phát ban đầu của chu trì thăng trầm hình sin, như đã thăng trầm suốt hơn 40 năm qua.

Hướng dẫn học sinh cách phân biệt tiếng theo chương trình công nghệ tại trường Tiểu học Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ /TTXVN
Hướng dẫn học sinh cách phân biệt tiếng theo chương trình công nghệ tại trường Tiểu học Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ /TTXVN

Hội đồng thẩm định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã kết luận sách giáo khoa công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại chưa đạt. Theo đó, bộ sách sẽ không được sử dụng trong các trường phổ thông trong năm học 2020-2021 tới đây.

Hồ Ngọc Đại có lẽ là vị giáo sư duy nhất ở Việt Nam cả đời chỉ đau đáu chuyện dạy học sinh lớp 1. Tốt nghiệp tiến sỹ khoa học ở Liên Xô năm 1976 với luận án về những vấn đề về tâm lý trong giảng dạy cho học sinh cấp 1, ông mang những tư tưởng mới của mình về Việt Nam, soạn bộ sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục.

Năm 1978, bộ sách của ông được thực nghiệm tại Trường Thực nghiệm Giảng Võ, nay là Trường Thực nghiệm Hà Nội.

Khác với cách dạy tiếng Việt thông thường, sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại chú trọng dạy học sinh về ngữ câu, cấu trúc của từ, từ đó giúp học sinh đọc thông viết thạo, hướng tới mục tiêu học đến đâu chắc đến đó, không tái mù chữ.

Năm 1986, trước tình trạng hàng trăm nghìn học sinh lưu ban mỗi năm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi đó là bà Nguyễn Thị Bình đã khuyến khích nhân rộng chương trình công nghệ giáo dục ra các trường. Đến thời điểm trước năm 2.000, bộ sách đã được áp dụng rộng rãi ở 43 tỉnh thành trên cả nước.

Tuy nhiên, năm 2.000, sau khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa với tinh thần cả nước thống nhất dùng chung một bộ sách, tất cả các địa phương phải dừng học sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Bộ sách lại trở về vị trí ban đầu, chỉ còn được giảng dạy ở trong Trường Thực nghiệm.

Giờ học tiếng Việt công nghệ của học sinh trường Tiểu học Quán hành, huyện Nghi Lộc. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Giờ học tiếng Việt công nghệ của học sinh trường Tiểu học Quán hành, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Năm 2006, sau hàng loạt vụ việc học sinh “ngồi nhầm lớp,” học xong vẫn không biết đọc, biết viết... bị phanh phui, giáo sư Hồ Ngọc Đại đã đưa bộ sách quay trở lại dưới đề tài cấp bộ về nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số. Lào Cai là địa phương đầu tiên sử dụng trở lại sách công nghệ giáo dục cho học sinh lớp một.

Năm 2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trực tiếp đi khảo sát ở một số địa phương và nhận thấy kết quả tích cực. Bộ trưởng quyết định đưa sách công nghệ giáo dục trở lại thí điểm ở một số địa phương, nhất là những vùng khó khăn. Năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ chữ “thí điểm,” sách công nghệ giáo dục sau đó tiếp tục được nhân rộng ở các tỉnh trên tinh thần tự nguyện.

Đến năm học 2018-2019, có đến 49 tỉnh thành trên cả nước với khoảng 900.000 học sinh lớp 1, chiếm 50% tổng số học sinh lớp 1 của cả nước học theo công nghệ giáo dục. Có tỉnh, hầu như tất cả các trường tiểu học đều dạy công nghệ giáo dục. Ví dụ ở Nghệ An, năm 2018, có 558 trên tổng số 559 trường sử dụng sách công nghệ giáo dục.

Những ưu điểm của sách công nghệ giáo dục được nhiều phụ huynh và cả các chuyên gia giáo dục thừa nhận, được các địa phương tự nguyện lựa chọn, nhưng những băn khoăn, tranh cãi về bộ sách vẫn rất nhiều. Trước câu hỏi được đặt ra về việc tại sao sau 40 năm thực nghiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không có nghiên cứu, đánh giá bài bản, khách quan, có kết luận chính thức về giá trị của bộ sách, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã tiến hành thẩm định quốc gia tài liệu này.

Năm 2018, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay, sau khi thẩm định, hội đồng đánh giá về cơ bản tài liệu đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hiện hành.

Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 1 mới để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Sách mới sẽ bắt đầu được sử dụng từ năm học 2020-2021. Bộ sách công nghệ giáo dục bị loại ngay từ vòng thẩm định đầu tiên. Hội đồng thẩm định yêu cầu phải sửa chữa để phù hợp với tiêu chí mới. Tuy nhiên, giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng khẳng định không sửa chỉ để đạt thẩm định.

Theo đó, bộ sách của ông sẽ lại bị dừng triển khai ở các trường từ năm học 2020-2021. Bộ sách quay lại với điểm khởi đầu của chu trì thăng trầm “hình sin” như đã thăng trầm suốt hơn 40 năm qua.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/giao-su-ho-ngoc-dai-va-sach-cong-nghe-giao-duc-hon-40-nam-thang-tram/595124.vnp)

.
.
.