.

Vai trò người thầy trong xã hội hiện đại

Cập nhật: 14:27, 15/11/2019 (GMT+7)

Tôn sư trọng đạo được xem là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Dù trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử thì ở bất kỳ thời đại nào, vai trò của người thầy cũng được xem là vô cùng quan trọng.

Theo đó, người thầy được biết đến không chỉ là người truyền dạy tri thức cho học trò, mà còn là người bạn đồng hành, người soi đường chỉ bảo biết bao điều hay, lẽ phải cho học sinh. Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, đòi hỏi người thầy phải biết bắt nhịp, điều chỉnh sao cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của nghề giáo. Để hiểu hơn về vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại ngày nay, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hồng Oanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang.

* PV: Theo đồng chí, vai trò của người thầy trong xã hội hiện nay có gì khác so với trước đây?

* Đồng chí Nguyễn Hồng Oanh: Nếu như trước đây xã hội biết đến người thầy với vai trò là người truyền đạt tri thức, thì hiện nay người thầy được biết đến với vai trò, trọng trách vô cùng to lớn, không chỉ dừng lại ở truyền đạt tri thức cho học trò.

Theo đó, trong xã hội hiện nay mà nhiều người vẫn thường hay gọi là “xã hội 4.0”, đòi hỏi người thầy không chỉ dạy chữ, truyền đạt tri thức, mà phải biết quan tâm, chăm sóc, tìm hiểu học sinh bằng cả trái tim, lòng bao dung, biết khơi dậy và phát triển nội lực của học sinh.

Việc truyền thụ tri thức của người thầy trong xã hội hiện nay không còn là việc truyền dạy “một chiều” như trước, mà người thầy phải chủ động, hỗ trợ, dẫn dắt, truyền dạy kỹ năng cho học sinh, nghĩa là hướng đến yêu cầu thực hành chứ không phải lý thuyết suông như trước đây.

* PV: Theo đồng chí, người thầy cần phải làm gì để thích ứng trước bối cảnh đổi mới của ngành GD-ĐT hiện nay?

* Đồng chí Nguyễn Hồng Oanh: Có thể nói, trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, đòi hỏi sự nghiệp giáo dục cũng như vai trò của người thầy phải luôn tự vận động để làm mới mình, có nghĩa là ai không vận động sẽ dễ bị tụt hậu ở phía sau. Thực tế cho thấy, có rất nhiều cách để thích ứng với yêu cầu đổi mới nhưng tựu trung lại có một vài vấn đề thiết nghĩ người thầy cần lưu tâm.

Thứ nhất, người thầy phải gương mẫu trong lời nói và hành động. Thứ hai, không ngừng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Thứ ba, tinh thần lao động của người thầy không chỉ dừng lại ở tinh thần trách nhiệm, mà đòi hỏi phải có sự phấn đấu, lòng yêu nghề, luôn gắn bó và trăn trở với nghề.

Người thầy phải hiểu sâu sắc và sống có trách nhiệm với sự tôn vinh cao quý mà xã hội đã tin tưởng. Hơn ai hết, người thầy phải là nhà giáo dục biết lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ đối với những người xung quanh, nhất là đối với học sinh.

 Giáo viên  không ngừng  đổi mới,  sáng tạo  để thích ứng  với những  đổi mới của ngành GD-ĐT hiện nay.
Giáo viên không ngừng đổi mới, sáng tạo để thích ứng với những đổi mới của ngành GD-ĐT hiện nay.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 là một trong những thực tế đòi hỏi người thầy không ngừng đổi mới, sáng tạo để thích ứng những đổi mới của ngành GD-ĐT hiện nay. Để chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng trong thực tế thành công như kỳ vọng, đội ngũ giáo viên cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học, sư phạm vững vàng, vốn sống phong phú…

* PV: Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm nay, đồng chí có điều gì nhắn nhủ đến các thầy, cô giáo?

* Đồng chí Nguyễn Hồng Oanh: Nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2019), tôi mong rằng đội ngũ nhà giáo trong tỉnh nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải năng động, sáng tạo, vượt lên những khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin, sự kính trọng, tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà hiện có 19.573 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Trong đó có 18.529 cán bộ, giáo viên và 1.044 nhân viên; 94,1% giáo viên mầm non đạt chuẩn trở lên và trên chuẩn là 70,6%; giáo dục phổ thông có 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn cấp tiểu học là 71,3%, THCS 51,6 và THPT 12,2%. Toàn ngành GD-ĐT hiện có 3 tiến sĩ,  341 thạc sĩ và 9.565 cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ đại học.

ĐỖ PHI (thực hiện)

.
.
.