.

Trường chính trị tỉnh Tiền Giang: Đổi mới phương pháp giảng dạy, bám sát thực tiễn

Cập nhật: 21:57, 06/12/2019 (GMT+7)

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, từ khi thành lập đến nay, Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trường Chính trị) đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức trong tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa trao Cờ thi đua của UBND tỉnh Tiền Giang cho Trường Chính trị. 			              				                                                                                                                               Ảnh: VĂN THẢO
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa trao Cờ thi đua của UBND tỉnh Tiền Giang cho Trường Chính trị. Ảnh: VĂN THẢO

ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Ngày 15-10-1994, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1224 về việc thành lập Trường Chính trị trên cơ sở hợp nhất Trường Đảng, Trường Hành chính và các trường đoàn thể của tỉnh. Để đảm bảo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn mới, nhà trường đã đề xuất UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất khang trang, sạch - đẹp.

Cuối năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt 14,7 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo sân đường, cảnh quan xung quanh; sửa chữa các khối giảng đường A1, A2, A3 và xây dựng nhà thi đấu có mái che nhằm phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy và nhu cầu học tập của học viên.

Đến nay, nhà trường có 1 hội trường với sức chứa 450 chỗ ngồi; 14 phòng học với sức chứa 310 chỗ ngồi. Tất cả hội trường, phòng học đều có trang bị máy chiếu, màn chiếu, âm ly, loa, hệ thống camera… để hỗ trợ tốt công tác giảng dạy, học tập và quản lý học viên.

Trường còn có phòng máy vi tính gồm 20 máy; phòng Hội thảo cấp trường; phòng Truyền thống; thư viện; 10 phòng nghỉ dành cho giảng viên thỉnh giảng; khu ký túc xá dành cho học viên gồm 128 phòng với 512 chỗ; khu hoạt động thể thao ngoài trời dành cho bộ môn bóng đá, bóng chuyền khá rộng rãi, kết nối đồng bộ với hạ tầng xung quanh, tạo cảnh quan chung và hài hòa với hạng mục công trình đã xây dựng.

Tiến sĩ Lê Tấn Lập, Hiệu trưởng Trường Chính trị cho biết: “Từ chỗ cơ sở vật chất phân tán, nhỏ lẻ, trang thiết bị thô sơ, thiếu thốn, trường đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng khá khang trang. Đây là niềm phấn khởi cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, là động lực để cán bộ, giảng viên của trường an tâm công tác, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, đảm đương được yêu cầu nhiệm vụ”.

Tôi có cơ hội học tập tại Trường Chính trị lớp Trung cấp chính trị khóa B29 và học tập được nhiều kiến thức, kinh nghiệm hay. Nội dung bài giảng gắn với thực tiễn, giảng viên có phương pháp giảng dạy đổi mới, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học từ thực tế đã giúp cho cán bộ cấp cơ sở nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị. Kiến thức học được đã giúp tôi về tự tin xử lý công việc tại địa phương.

Phó Chủ tịch HĐND xã Long Bình(huyện Gò Công Tây) Lê Thanh Quân
 

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO

Cùng với việc quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, nhà trường rất quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn. Tiến sĩ Lê Tấn Lập cho biết, đến nay trường có 26 giảng viên trong tổng số 46 cán bộ, viên chức; trong đó có 1 Giảng viên cao cấp, 2 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, 20 thạc sĩ.

Hầu hết giảng viên được bồi dưỡng và sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, thường xuyên tổ chức tốt việc thao giảng, dự giờ. Trong số 10 giảng viên đã tham gia các Kỳ thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc, có 3 giảng viên đạt xuất sắc và 7 giảng viên đạt loại giỏi.

Hơn 10 năm qua, nhà trường đa dạng hóa quy mô và hình thức, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp dạy - học. Không chỉ mở các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, trường còn mở các lớp trung cấp chuyên nghiệp về luật, quân sự, công an, thanh vận, phụ vận; liên kết mở các lớp cao cấp chính trị và đại học; các khóa bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh của hệ thống chính trị cơ sở và cấp phòng của huyện và tỉnh”.

Trung bình mỗi năm, trường đào tạo, bồi dưỡng gần 8.000 lượt học viên. Trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhà trường luôn bám sát và quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy gắn với thực tiễn của địa phương, không ngừng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; thường xuyên cải tiến nội dung và đổi mới phương pháp giảng dạy; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào giảng dạy.

100% giảng viên trường thực hiện biên soạn, bổ sung giáo án điện tử các chương trình giảng dạy; kết hợp giáo án điện tử với nhiều phương pháp giảng dạy mới, nâng cao tính chủ động của học viên trong học tập.

Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức Hội giảng cấp khoa, cấp trường, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, tạo điều kiện để giảng viên trao đổi kinh nghiệm với nhau và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Qua đó, nhiều thế hệ học viên của nhà trường đã trở thành cán bộ chủ chốt của nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là hệ thống chính trị cấp cơ sở; nhiều đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo quản lý năng động, sáng tạo và tâm huyết, luôn nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với những kết quả đạt được, tập thể Trường Chính trị vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều năm được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc.

Theo lãnh đạo nhà trường, thời gian tới, nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy; xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức, năng lực đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới.

TUỆ MẪN

.
.
.