.

Hiểu đúng về quy định cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học

Cập nhật: 09:32, 25/09/2020 (GMT+7)

Tại Điều lệ trường THCS và THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học mới ban hành, thay vì cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, thì học sinh sẽ chỉ không được “sử dụng điện thoại và thiết bị khác trong giờ học khi đang học trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành trao đổi về vấn đề quản lý việc sử dụng điện thoại đối với học sinh trong trường học.

Phóng viên: Thưa Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, quy định mới của Bộ GD-ĐT được hiểu là cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và đang gây ra sự không đồng tình từ phía thầy cô giáo, cha mẹ học sinh. Ông có thể nói rõ về quy định này?  

Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành: Quy định này nằm trong Điều 37 của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, quy định về những hành vi học sinh không được làm, trong đó nêu rõ học sinh không được “sử dụng điện thoại và thiết bị khác trong giờ học khi đang học trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Quy định cũ trước đây là cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

Ở quy định mới, vẫn ghi là những hành vi học sinh không được làm, và về cơ bản thời gian trong giờ học, học sinh vẫn không được phép sử dụng điện thoại. Các em chỉ được sử dụng điện thoại khi giáo viên thấy thật sự cần thiết và cho phép thôi.

Theo đó, với sự phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, ở một giờ học cụ thể hay một hoạt động học cụ thể, nếu giáo viên thấy việc sử dụng điện thoại đáp ứng tốt cho việc khai thác các tư liệu học tập để học sinh thực hiện các hoạt động học ấy thì giáo viên có thể cho phép.

Phóng viên: Hiện nay, ngay cả trên thế giới vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về việc cho học sinh mang điện thoại đến trường, sử dụng điện thoại trong lớp học… Quan điểm của ông về việc quản lý việc sử dụng điện thoại của học sinh trong trường học Việt Nam ra sao?

Vụ trưởng Nguyễn Xuân ThànhThứ nhất, việc cho phép học sinh dùng hay không dùng điện thoại trong giờ học là do giáo viên. Quy định này cũng tương đồng như các nước khác, cho học sinh mang điện thoại đến trường nhưng cơ bản là không được sử dụng trong giờ học. Học sinh chỉ được sử dụng điện thoại khi thầy cô cho phép để cùng thầy cô thực hiện một hoạt động học tập.

Thứ hai, trong khi thực hiện hoạt động đó, thầy cô phải theo dõi, quan sát xem học sinh có những khó khăn, vướng mắc gì không, để hỗ trợ học sinh thực hiện.

Như vậy, trong trường hợp điện thoại được sử dụng như một máy tính để khai thác thông tin hỗ trợ cho hoạt động học thì các thầy cô có thể cho các em sử dụng điện thoại và khoảng thời gian đó chỉ phục vụ cho hoạt động học mà thôi.

Phóng viên: Nhiều giáo viên tỏ ra lo ngại khi phải quản lý việc sử dụng điện thoại của học sinh trong giờ học là bất khả thi, khi thông thường, sĩ số của mỗi lớp là chừng 40-45 học sinh?

Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành: Dù ở các lớp có 40 đến 45 học sinh hay sĩ số lớp ít hơn,thì trong lớp học, giờ học, giáo viên phải có trách nhiệm hướng dẫn cho học sinh học tập và “không để một học sinh nào bị bỏ quên”.

Khi tổ chức hoạt động học, giáo viên phải quan sát tất cả các học sinh theo các hoạt động học của mình. Không chỉ riêng việc sử dụng điện thoại mà học sinh làm việc riêng thì giáo viên đều có thể phát hiện được.

Phóng viên: Như vậy, với quy định mới, có thể hiểu rằng việc sử dụng điện thoại trong lớp học của học sinh vẫn nằm trong tầm kiểm soát của giáo viên?

Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành: Quy định của Bộ GD-ĐT là học sinh không được sử dụng điện thoại và các thiết bị khác khi đang học ở trên lớp mà không phục vụ cho việc học và không được sự cho phép của giáo viên.

Quy định này đưa ra để bảo đảm ở một nơi nào đó, một lúc nào đó có điều kiện thuận lợi, giáo viên không bị hạn chế về việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh như một phương tiện để hỗ trợ học tập.

Xin trân trọng cảm ơn Vụ trưởng.

Theo Báo Nhân Dân điện tử

 

 

.
.
.