.
THẦY HUỲNH MINH HUY:

Truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học

Cập nhật: 10:32, 16/10/2020 (GMT+7)

Hơn 15 năm đứng trên bục giảng, thầy Huỳnh Minh Huy (Tổ phó Tổ Hóa học, Trường THPT Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng nghiệp và học trò hết mực yêu thương.

Với những nỗ lực phấn đấu của mình, nhiều năm liền thầy Huy đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giáo viên dạy giỏi của trường. Thầy Huy nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), UBND tỉnh Tiền Giang và ngành GD-ĐT tỉnh nhà. Đặc biệt, thầy Huy còn vinh dự là một trong những đại biểu của tỉnh Tiền Giang tham dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức vào ngày 23-9 tại Hà Nội.

Thầy Huy trong giờ lên lớp.
Thầy Huy trong giờ lên lớp.

SÁNG TẠO TRONG GIẢNG DẠY

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa học của Trường Đại học Cần Thơ, thầy Huy về nhận công tác tại Trường THPT Cái Bè vào năm 2005. Những ngày đầu công tác, thầy Huy vừa nỗ lực vượt qua khó khăn, vừa thực hiện tốt công tác giảng dạy, chăm lo cho học sinh (HS) và tham gia các phong trào của trường.

Thầy Huy chia sẻ, mỗi ngày được đến lớp, truyền đạt kiến thức cho HS đã trở thành niềm vui, động lực để bản thân luôn phấn đấu. Chính vì vậy, trong mỗi bài giảng, thầy Huy đều đầu tư nghiên cứu soạn giáo án phù hợp, sáng tạo. Với đặc thù môn Hóa học, thầy luôn tìm phương pháp giảng dạy sao cho thu hút, dễ hiểu để các em tiếp thu bài học ngay tại lớp. Nhờ đó, những giờ lên lớp ở môn Hóa học của thầy không còn khô cứng với những bài học lý thuyết, mà HS được tiếp cận với nhiều hình ảnh sinh động. Đặc biệt, thầy Huy thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, sử dụng bản đồ tư duy nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS.

Thầy Huy cho biết: “Để tiết dạy được thành công, ở mỗi bài học, tôi thường phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm HS, hướng dẫn các em tìm tài liệu tham khảo, viết báo cáo. Giáo viên chỉ là người đóng góp, gợi mở vấn đề để các em tự làm chủ bài học chứ không hoàn toàn lệ thuộc vào sách giáo khoa. Bên cạnh đó, tôi thực hiện những slide trình chiếu kết hợp những trò chơi như “Ô chữ may mắn”, “Game học tập”, cho các em thí nghiệm thực hành. Nhờ đó, HS rất thích thú khi học tập”.

Dù là giáo viên trẻ nhưng thầy Huy rất “mát tay” trong việc bồi dưỡng HS giỏi. Chia sẻ về kinh nghiệm bồi dưỡng HS giỏi, thầy Huy cho biết, cái khó nhất trong việc bồi dưỡng HS giỏi của Trường THPT Cái Bè là thiếu nguồn tư liệu để nâng cao kiến thức. Rất nhiều lần trăn trở, thầy đã nảy sinh ý tưởng và làm hẳn một phòng đọc sách cho các em HS của trường. Ngoài giờ học, HS có thể đến phòng đọc sách để tham khảo tài liệu, trao đổi bài học. Qua đó, thầy trò cùng giải đáp những vấn đề khó khăn, chưa rõ trong mỗi bài học trên lớp. Với tâm huyết vì HS, công sức của thầy Huy đã được đền đáp xứng đáng. Qua mỗi năm học, Trường THPT Cái Bè đều có HS đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh.

ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Bên cạnh công tác bồi dưỡng HS giỏi, thầy Huy còn hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học. Thầy luôn trăn trở, đổi mới ý tưởng làm sao để khuyến khích HS có thể vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống, nhất là giúp HS quan sát, đánh giá những tác động của môi trường xung quanh ảnh hưởng đến đời sống con người.

Thầy Huy cho biết, môn Hóa học không chỉ là phương trình, con số mà đòi hỏi HS phải quan sát từ cuộc sống xung quanh. Trong quá trình giảng dạy, thầy luôn tìm những tình huống thực tế để khuyến khích HS tư duy, liên hệ giải thích và vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tạo nguồn cảm hứng học tập cho các em. Chính các em sẽ là người tự tìm ra vấn đề và giải quyết nó, còn giáo viên chỉ là người hướng dẫn, truyền đạt và khơi nguồn sáng tạo cho HS.

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của HS do thầy Huy hướng dẫn đạt giải cao cấp tỉnh như: Nghiên cứu ứng dụng tinh dầu cây tần dày lá bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước đơn giản (giải Ba); nghiên cứu sản xuất phân từ vỏ sầu riêng (giải Khuyến khích); nghiên cứu hệ thống chưng cất rượu an toàn bằng cách tái chế tối đa những thiết bị đã qua sử dụng (giải Nhất); nghiên cứu sản xuất than nhiên liệu từ phế thải nông nghiệp trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (giải Ba)...

Với những kinh nghiệm thực tiễn qua công tác giảng dạy, thầy Huy còn tham gia viết những bài báo ở các mảng chuyên đề nhỏ cho Tạp chí Hóa học và Ứng dụng; viết sáng kiến kinh nghiệm phục vụ công tác dạy và học…

Đ. PHI

.
.
.