.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích về vụ "lùm xùm" liên quan SGK lớp 1

Cập nhật: 15:44, 21/10/2020 (GMT+7)

Liên quan đến những ồn ào về vấn đề sách giáo khoa (SGK) lớp 1 thời gian qua, ngày 20-10, tại cuộc họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ đã trao đổi về vấn đề này.

Học sinh Trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc học SGK Cánh Diều. Ảnh: PHAN THẢO
Học sinh Trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc học SGK Cánh Diều. Ảnh: PHAN THẢO

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, năm học 2020-2021 (năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học) có những khó khăn khách quan riêng.

Về phía học sinh, đặc biệt là lớp 1, do tình dịch bệnh Covid-19 nên trước khi vào lớp 1, các em có thời gian ở nhà khá dài (khoảng 6 tháng, từ tháng 2- hết tháng 8), hầu như không được học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi; không được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần trước khi vào lớp 1 (trong chương trình mầm non có nội dung này).

Cũng do khung thời gian năm học 2020-2021 chỉ chính thức sau ngày khai giảng (5-9) nên không có thời gian làm quen nền nếp, tâm lý cho học sinh lớp 1 (các năm học trước, có 2 tuần bắt đầu tựu trường từ ngày 15-8 để học sinh và giáo viên tổ chức làm quen, tạo tâm thế sẵn sàng cho học sinh lớp 1). Điều này gây khó khăn cho các trường tiểu học và giáo viên lớp 1.

Về phía giáo viên dạy lớp 1, cũng do tình hình dịch bệnh Covid-19, việc triển khai tập huấn bị gián đoạn làm ảnh hưởng tiến độ và chất lượng, hạn chế thời gian, ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới. Các chương trình tập huấn chủ yếu thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, ít tương tác.

Về chương trình và SGK mới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, chương trình không tăng về lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt vào cuối năm học; SGK không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức; giao cho giáo viên, nhà trường nghiên cứu chương trình, SGK, đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng. Vì vậy, cùng một chủ đề trong SGK nhưng tùy vào đối tượng học sinh mà trường này có thể dạy 2 tiết, nhưng trường khác có thể dạy 3, 4 tiết.

“Tốc độ thực hiện chương trình nhanh hay chậm từng giai đoạn có thể khác nhau giữa các trường, miễn là không vượt quá tổng thời gian cho môn học đó trong một năm”, ông Nguyễn Hữu Độ nói.

Một điểm mới nữa là trong quá trình thực hiện, giáo viên nhà trường được chủ động điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, giáo viên, nhà trường ở nhiều địa phương chưa mạnh dạn thực hiện mà vẫn thực hiện theo cách cũ.

Về phía gia đình và xã hội, ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng phụ huynh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình (vì hạn chế về thời gian nên các trường có hạn chế trong việc trao đổi với phụ huynh); thường so sánh chương trình cũ và mới, đưa ra những nhận định, đánh giá chưa thật phù hợp và đầy đủ, gây áp lực cho con em và giáo viên, nhà trường…

Theo Thứ trưởng, đó là những lý do khiến việc triển khai SGK lớp 1 vừa qua “lùm xùm”, dư luận cho rằng chương trình mới nặng, nhanh, cả giáo viên và học sinh đều vất vả.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng, thực tế tổng số tiết học môn Tiếng Việt cho cả cấp tiểu học trong chương trình năm 2000 và chương trình năm 2018 không thay đổi. Tuy nhiên, số tiết cho lớp 1 và lớp  2 trong chương trình 2018 có tăng (2 tiết/tuần cho lớp 1 và 1 tiết/tuần cho lớp 2) so với chương trình 2000; ngược lại số tiết cho lớp 3, 4, 5 trong chương trình 2018 lại giảm. Việc tăng số tiết cho lớp 1 và 2 (các lớp đầu cấp tiểu học) nhằm giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, nhờ đó có được công cụ để học tốt các môn học khác.

Về nội dung kiến thức, theo Thứ trưởng, chương trình 2018 có phần giảm nhẹ hơn so với chương trình năm 2000, tăng tiết đối với lớp 1, lớp 2 là để giảm tải, chứ không phải tăng tải, giúp các em học sinh học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần mới biết đọc, biết viết.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, trước đây, chương trình năm 2000 chỉ được thực hiện trong phạm vi 350 tiết/năm, trung bình 10 tiết/tuần; còn chương trình năm 2018 được thực hiện đến 420 tiết/năm, tăng thêm 2 tiết để giáo viên, học sinh đỡ vất vả hơn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, hiện các cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành giáo dục, từng thầy cô giáo, đặc biệt là các cô giáo lớp 1 đã và đang cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, công việc giảng dạy đã bước đầu ổn định và đi vào nền nếp, rất cần sự động viên, chia sẻ và thấu hiểu của các lực lượng xã hội để các cô giáo, thầy giáo yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD-ĐT đã nhận được một số phản ánh trong đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh về việc chương trình, SGK môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học. Đặc biệt là các nội dung liên quan đến SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (sách do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm TPHCM phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ GD-ĐT đã tăng cường nắm bắt thông tin, phân tích tình hình, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra các giải pháp để khắc phục và thực hiện truyền thông rộng rãi.

Sau khi Hội đồng thẩm định SGK quốc gia tổ chức rà soát lại, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. Nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trước ngày 15-11.

Để giải quyết những bức xúc vừa qua của dư luận, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, đúng quy định, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.

Giáo viên Trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc dạy SGK Cánh Diều. Ảnh: PHAN THẢO
Giáo viên Trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc dạy SGK Cánh Diều. Ảnh: PHAN THẢO

Với SGK, để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết SGK thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.

Chỉ đạo các Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho học sinh, căn cứ vào yêu cầu của ngữ liệu được quy định trong Chương trình Ngữ văn, căn cứ vào trình độ học sinh, căn cứ vào mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK; việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi Hội đồng đánh giá đạt và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng ký ban hành.

“Dự kiến việc lấy ý kiến về các bản mẫu SGK được thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT, tương tự quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

(Theo https://www.sggp.org.vn/thu-truong-bo-gddt-giai-thich-ve-vu-lum-xum-lien-quan-sgk-lop-1-692655.html)

.
.
.