Các nước ASEAN + 3 bàn giải pháp dịch chuyển sinh viên trong trạng thái 'bình thường mới'
Ngày 12-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị triển khai các hoạt động về dịch chuyển sinh viên và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trong khuôn khổ hợp tác giáo dục ASEAN Plus Three (ASEAN+3) lần thứ 8, với sự tham dự của 12 nước qua hình thức trực tuyến.
Đây là nền tảng để ASEAN+ 3 chia sẻ cách ứng phó đối với tác động của đại dịch COVID-19. Bất chấp đại dịch, việc dịch chuyển sinh viên vẫn tiếp diễn bình thường với việc các trường đại học tổ chức các khóa học trực tiếp cho những sinh viên quốc tế hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc hoặc cung cấp các khóa học trực tuyến cho những sinh viên chọn học trực tuyến.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến. Ảnh: HL |
Nhiều sáng kiến đưa ra từ các trường đại học trong khu vực nhằm cải thiện chất lượng giáo dục đại học và thúc đẩy một môi trường “bình thường mới” cho các hoạt động dịch chuyển sinh viên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 sẽ vẫn tiếp diễn trong một thời gian nữa.
Một trong những sáng kiến đáng chú ý và sẽ trở thành "tài liệu chung" của Hội nghị là thảo luận về việc công bố những thông tin có giá trị, có cấu trúc (availability of information online) trên cổng thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học các nước ASEAN+3 để thúc đẩy cơ hội học tập quốc tế trong các quốc gia này.
Cụ thể, hơn 300 cán bộ tuyển sinh, giảng viên, sinh viên đến từ các nước trong khu vực ASEAN+3 đã tham gia khảo sát. Kết quả cho thấy, có tới khoảng 80% tìm kiếm, nghiên cứu thông tin bằng các kênh trực tuyến khi cân nhắc du học hoặc tư vấn cho sinh viên quốc tế.
Khảo sát này đã giúp hoàn thiện “Tài liệu hướng dẫn các trường đại học: Cung cấp thông tin trực tuyến nhằm tăng cường dịch chuyển sinh viên trong khu vực Asean+3”. Bộ tài liệu hữu dụng này sẽ hỗ trợ các trường đại học trong khu vực ASEAN+3 cung cấp những thông tin cần thiết bằng tiếng Anh trên website của nhà trường. Ví dụ như chương trình học, học phí, môi trường học tập, visa, ký túc xá, điều kiện khí hậu,… Trong đó nhấn mạnh, các trang web nên được thiết kế theo cách bắt mắt hơn với ít từ ngữ, bố cục và phông chữ, và nội dung đầu tiên nên có thêm thế mạnh đào tạo quốc tế của trường.
Những cải tiến này được kỳ vọng sẽ giúp sinh viên quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin, nâng cao cơ hội dịch chuyển quốc tế trong khu vực, thu hút sinh viên quốc tế.
Trước khi đưa vào sử dụng, bản hướng dẫn để công bố thông tin có giá trị trên website nhà trường sẽ được trình lên các quan chức cấp cao của ASEAN+3 để thông qua và sẽ được đệ trình lên các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN để phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Trong những năm gần đây, giáo dục đại học của Việt Nam đã đạt được tiến bộ mang tính đột phá về chất lượng và nhận được sự công nhận quốc tế: Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế giữa các trường đại học Việt Nam và các đối tác nước ngoài đã gia tăng về số lượng (khoảng 400 chương trình khác nhau với các đối tác tại hơn 30 quốc gia trên thế giới) và không ngừng cải thiện chất lượng; Ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và các ngành đào tạo đã được công nhận trong bảng xếp hạng các trường đại học uy tín nhất trên thế giới và ở châu Á (3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được ghi nhận trong top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng của QS và Times Higher Education; 8 trường vào trong số 500 trường đại học tốt nhất châu Á theo xếp hạng QS).
Nhiều sinh viên quốc tế đã quyết định đến Việt Nam du học để trải nghiệm văn hóa và môi trường học tập mới (tổng cộng hiện nay có khoảng 21.000 sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam, trong đó khoảng 15.000 sinh viên có mục tiêu lấy bằng đại học và sau đại học).
(Theo https://baotintuc.vn/giao-duc/cac-nuoc-asean-3-ban-giai-phap-dich-chuyen-sinh-vien-trong-trang-thai-binh-thuong-moi-20201112155835059.htm)