.
THÔNG TƯ 26 CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO:

Giảm áp lực kiểm tra, thi cử cho học sinh

Cập nhật: 10:13, 06/11/2020 (GMT+7)

Nếu như trước đây, các trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) đánh giá, xếp loại học sinh (HS) chỉ dựa vào điểm số mà các em đạt được, thì với quy định mới, từ ngày 11-10 việc đánh giá, kiểm tra sẽ kết hợp bằng hai hình thức là nhận xét và điểm số. Với cách làm này sẽ giảm áp lực về thi cử, điểm số, tăng cường năng lực học tập, phát huy tốt phẩm chất, năng lực cho HS.

GIẢM ÁP LỰC CHO HS

Nhìn lại quá trình đánh giá HS cấp trung học có thể thấy HS hiện đang bị áp lực rất nhiều về đầu điểm số ở các môn học. Cụ thể, ở các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ có từ 8 đến 10 cột điểm; các môn còn lại từ 5 đến 7 cột điểm. Vì mỗi môn học có nhiều cột điểm nên trong một năm học các em phải liên tục thực hiện nhiều bài kiểm tra, như kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra một tiết, thi giữa học kỳ, thi cuối học kỳ…

Triển khai Thông tư 26 đã góp phần giảm áp lực kiểm tra, thi cử cho HS.
Triển khai Thông tư 26 đã góp phần giảm áp lực kiểm tra, thi cử cho HS.

Trên thực tế, hầu như tháng nào HS trung học cũng phải thực hiện các bài kiểm tra. Thử làm một phép tính đơn giản với tầm 10 môn học, mỗi môn học trung bình khoảng 7 - 10 bài kiểm tra, thì chỉ trong một học kỳ, HS phải làm ít nhất khoảng 100 bài kiểm tra. Điều này cho thấy, HS đang chịu rất nhiều áp lực trong đánh giá, kiểm tra.

Chính vì vậy, qua tính toán, nghiên cứu, đánh giá từ thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Thông tư 26, ký ngày 26-8-2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và THPT, ban hành kèm theo Thông tư 58 ngày 12-12-2011. Việc ban hành Thông tư 26 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực cả trong và ngoài ngành GD-ĐT.

Theo đó, một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư 26 là giảm số đầu điểm kiểm tra ở các môn học. Thay vì HS phải làm rất nhiều bài kiểm tra như trước đây, thì hiện nay, ở mỗi môn học, HS chỉ làm một bài kiểm tra giữa học kỳ và một bài kiểm tra cuối học kỳ, không còn phải làm bài kiểm tra 1 tiết. Với những bài kiểm tra thường xuyên đối với những môn học dưới 35 tiết trở xuống có 2 đầu điểm và những môn trên 35 tiết trở lên có 4 đầu điểm.

Ngoài ra, Thông tư 26 đã tạo ra hướng mở trong hình thức đánh giá kiểm tra. Theo đó, ngoài hình thức kiểm tra viết, giáo viên bộ môn có thể linh động phối hợp nhiều hình thức khác như hỏi - đáp, thuyết trình, nhóm học tập… Bài kiểm tra giữa học kỳ và cuối học kỳ ngoài làm trên giấy thi như trước đây, thì nay có thể thực hiện trên máy vi tính.

Như vậy, với những điểm mới của Thông tư 26 đã có những tác động tích cực, vừa giảm áp lực cho HS về điểm số, khơi dậy năng lực học tập, nghiên cứu, vừa giúp giáo viên có thể chủ động, linh hoạt hơn trong giảng dạy.

LINH HOẠT TRONG GIẢNG DẠY

Việc điều chỉnh số lượng đầu điểm kiểm tra ở các môn học theo Thông tư 26 được xem là “làn gió mới” trong toàn ngành GD-ĐT. Trước những điều chỉnh mới của Thông tư 26, các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đã triển khai rộng rãi cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên bộ môn bằng tinh thần trách nhiệm cao, với mục tiêu là đảm bảo quyền lợi cho HS.

 

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Huỳnh Văn Chẳng cho biết, các trường THCS trên địa bàn huyện đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu thật kỹ những điểm mới của Thông tư 26. Điểm quan trọng của việc triển khai Thông tư 26 là làm sao trong cách đánh giá, cho điểm HS, giáo viên phải thật sự linh hoạt, không được cảm tính và phải đánh giá được phẩm chất, năng lực của HS.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) Võ Hoài Nhân Trung, việc đổi mới đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt, xây dựng tốt các tiêu chí đánh giá sao cho phù hợp, phát huy tốt tư duy, năng lực của HS. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải quan tâm, sâu sát từng HS để có thể đưa ra những hình thức đánh giá, kiểm tra phù hợp, công bằng, khách quan, chứ không nên rập khuôn.

Tuy nhiên, trước những thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá HS của Thông tư 26 vẫn còn không ít giáo viên băn khoăn. Nếu như trước đây khi kết thúc khoảng 5 bài học hay một chương thì HS sẽ làm một bài kiểm tra 45 phút để đánh giá việc tiếp thu kiến thức. Còn nếu như áp dụng hình thức mới thì với những HS không có tính tự giác cao sẽ dễ bị sao nhãng, lơ là trong học tập, từ đó dẫn tới việc mất kiến thức…

Em Nguyễn Minh Tiến, HS Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Khi biết Thông tư 26 được triển khai, em và các bạn rất vui vì đã giảm áp lực ở những bài kiểm tra. Lâu nay, HS chúng em chủ yếu làm bài kiểm tra bằng giấy, thì nay việc kiểm tra đã được các thầy cô linh hoạt làm nhóm học tập, thuyết trình, thảo luận...”.

Việc triển khai Thông tư 26 đã góp phần tháo gỡ “nút thắt” trong kiểm tra, thi cử, giảm áp lực học tập cho HS. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng phương thức mới đòi hỏi rất nhiều ở yếu tố linh hoạt, kỹ thuật đánh giá, nhận xét của giáo viên để có thể phát huy tốt năng lực, phẩm chất của HS, tuyệt đối tránh cảm tính, thiên vị trong các phương pháp đánh giá.

PHƯƠNG PHƯƠNG

.
.
.