.
NGÀNH GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO TỈNH TIỀN GIANG:

Nhiều niềm tin cho sự bứt phá

Cập nhật: 10:09, 29/01/2021 (GMT+7)

Trao đổi với phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc, Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang cho biết, năm 2020 với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19; thế nhưng toàn ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, đóng góp nhiều kết quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Phát huy những kết quả đạt được của năm 2020, năm 2021 ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đổi mới, nâng chất GD-ĐT.

* PV: Đồng chí cho biết cụ thể hơn về những điểm nhấn nổi bật của ngành GD-ĐT tỉnh nhà trong năm 2020?

* Đồng chí Lê Quang Trí: Một trong những kết quả quan trọng của năm 2020 là toàn ngành GD-ĐT đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019 - 2020 đề ra. Mặc dù dịch bệnh phức tạp nhưng ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 13.790/13.897 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT (tỷ lệ 99,23%).

Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông (THPT) năm học 2020 - 2021 được tiến hành đảm bảo đúng tiến độ quy định, đã tuyển được 16.505 thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 trên tổng số 18.142 thí sinh đăng ký dự thi (tỷ lệ 90,98%).

Kết quả quan trọng thứ hai phải kể đến trong năm 2020, đó là tỉnh Tiền Giang đã tổ chức triển khai tốt Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Phục vụ Chương trình GDPT mới ở cấp tiểu học, toàn tỉnh hiện có 4.134 phòng học/4.097 lớp, bình quân tỷ lệ 1.01 phòng học/lớp. Đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày theo quy định của Bộ GD-ĐT. Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 6.500 cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học, đảm bảo số lượng giáo viên với tỷ lệ 1.5 giáo viên/lớp để tổ chức dạy học lớp 1 theo Chương trình GDPT mới. Việc chọn sách giáo khoa được các trường thực hiện nghiêm túc, khoa học và khách quan...

* PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD-ĐT tỉnh có những khó khăn gì cần tháo gỡ?

Đồng chí Lê Quang Trí
Đồng chí Lê Quang Trí

* Đồng chí Lê Quang Trí: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác GD-ĐT của tỉnh nhà vẫn còn những khó khăn nhất định như: Chất lượng giáo dục tuy có nâng lên, song chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương. Một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Quy mô phát triển đào tạo nghề và trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa còn hạn chế. Số phòng học bán kiên cố ngày càng xuống cấp, vấn đề dạy thêm và học thêm chưa được chấn chỉnh cụ thể…

* PV: Trên cơ sở nhận diện những thuận lợi và khó khăn, đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2021?

* Đồng chí Lê Quang Trí: Năm 2021 và các năm tiếp theo, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, ngành GD-ĐT tỉnh nhà cần được sự tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp, chia sẻ của các sở, ngành, từ đó sẽ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tỉnh nhà. Một số công việc trọng tâm được toàn ngành đặt ra:

Thứ nhất, tổ chức sắp xếp hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, quy mô trường, lớp phù hợp và khoa học.

Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Ba là, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT mới ở các bước tiếp theo; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ Chương trình GDPT mới.

Và cuối cùng là, phát huy tốt các nguồn lực, góp phần phát triển sự nghiệp GD-ĐT.  


 * PV: Xin cảm ơn đồng chí!

TẤN MINH (thực hiện)

.
.
.