.

Thư viện xanh Giúp học sinh thêm yêu đọc sách

Cập nhật: 09:22, 05/01/2021 (GMT+7)

Khác với các mô hình thư viện truyền thống, mô hình Thư viện xanh (hay còn gọi là Khu vườn tri thức xanh) đang được các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang triển khai, góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học sinh, giúp phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường.

Thời gian qua, mô hình Thư viện xanh (TVX) đã được nhiều trường học trên địa bàn tinh triển khai với nhiều cách làm sáng tạo khác nhau, nhưng điểm nổi bật của mô hình này là được tổ chức ngay ngoài sân trường dưới những tán cây bóng mát. Tại đây, học sinh sẽ thoải mái tìm đọc những quyển sách mà mình yêu thích, đây là cách làm hay, sáng tạo, giúp học sinh chơi mà học, học mà chơi. Theo nhiều trường học, điểm đặc biệt của TVX là không ép buộc học sinh các nguyên tắc về mượn, trả sách, không cần thẻ thư viện mỗi khi ra vào thư viện đọc sách... Sau khi đọc xong, học sinh chỉ cần xếp sách ngay ngắn, đúng vị trí ban đầu.

Mô hình TVX đã khơi dậy tình yêu đọc sách của học sinh (ảnh chụp tại Trường Tiểu học Bình Phú 1).
Mô hình TVX đã khơi dậy tình yêu đọc sách của học sinh (ảnh chụp tại Trường Tiểu học Bình Phú 1).

Thầy Lê Ngọc Thanh, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Bình Phú 1, huyện Cai Lậy đã đề xuất thực hiện mô hình TVX tại trường từ năm học 2013 - 2014. Thầy Thanh cho biết, ý tưởng ban đầu nảy sinh thực hiện TVX là thu nhỏ các kệ đựng sách bằng cách cột sách cho vào các chai nhựa rồi buộc lên các thân, cành cây tại khuôn viên nhà trường.

Bên cạnh đó, tại sân trường còn đặt thêm nhiều bàn cờ vua để các em có thể vui chơi. Để tránh sự nhàm chán, hằng tuần cán bộ thư viện trường luân chuyển các đầu sách, truyện để các em có thể tiếp cận khám phá với nhiều thể loại sách mới. Nhờ sự hỗ trợ từ Dự án Room to read và vận động xã hội hóa mà trường hiện có trên 4.000 đầu sách.

Hiện TVX của Trường Tiểu học Thạnh Mỹ, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước cũng đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho học sinh. Hằng tuần, nhà trường tổ chức các tiết đọc thư viện cho học sinh các khối lớp. Để khuyến khích học sinh đọc sách, nhà trường còn thường xuyên thay đổi các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm hằng tháng tại các buổi sinh hoạt dưới cờ; tổ chức các cuộc thi kể chuyện theo sách...

Trên địa bàn tỉnh, không riêng Trường Tiểu học Bình Phú 1 và Trường Tiểu học Thạnh Mỹ, mà mô hình TVX đã có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà. Qua triển khai thực hiện TVX cho thấy, mô hình thư viện này đã tạo sự thân thiện, tiện lợi, giảm đáng kể phiền hà trong việc mượn, trả sách của học sinh. TVX không chỉ góp phần nâng cao văn hóa đọc, mà còn giúp học sinh bồi dưỡng trí tuệ, tình cảm và tâm hồn. Thế nhưng, khó khăn hiện nay của mô hình TVX là phải huy động nguồn sách, truyện làm sao dồi dào, phong phú để gây hứng thú đọc sách cho học sinh trong khi kinh phí chi cho hoạt động thư viện của nhiều trường học có hạn.

Để gỡ khó cho vấn đề này, nhiều trường học đã vận động xã hội hóa nguồn sách; đồng thời, kêu gọi giáo viên, học sinh đem sách của mình để góp phần làm giàu nguồn sách cho thư viện nhà trường. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cai Lậy Huỳnh Văn Chẳng cho rằng, để nâng chất hoạt động TVX thì đội ngũ cán bộ thư viện đóng vai trò quan trọng, nhưng hiện cán bộ thư viện tại một số trường học vẫn còn thiếu. Cán bộ thực hiện công tác TVX bên cạnh sự nhiệt tình cần có kỹ năng tuyên truyền, dẫn dắt, gây hứng thú đọc sách cho học sinh.

Còn theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hiệu, việc chọn góc đặt thư viện, cách đặt kệ sách, bảo quản sách ngoài trời như thế nào cũng cần phải được các trường tính toán kỹ lưỡng. Đặc biệt, cần có sự theo dõi, đánh giá chất lượng hoạt động của thư viện, sự hứng thú của học sinh để có những kế hoạch, định hướng trong hoạt động thư viện.

Có thể thấy, TVX là cách làm hay, sáng tạo, khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học sinh tại các trường học. Thế nhưng, các trường cần có những tính toán để có thể phát huy thật tốt hiệu quả của mô hình này mang lại. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Huỳnh Thị Phượng cho biết, TVX triển khai thời gian qua đã góp phần tăng cường đáng kể văn hóa đọc, kỹ năng sống cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Với những cách làm hay, sáng tạo, mong rằng thời gian tới các trường sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng, phát huy hiệu quả mô hình TVX.

ĐỖ PHI

.
.
.