.
TRƯỜNG THPT HUỲNH VĂN SÂM:

Phát huy truyền thống, không ngừng dạy tốt - học tốt

Cập nhật: 10:55, 24/02/2021 (GMT+7)

Phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước, trong suốt hơn 30 năm qua kể từ ngày thành lập trường, tập thể sư phạm Trường THPT Huỳnh Văn Sâm (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã không ngừng phấn đấu khắc phục khó khăn, nỗ lực dạy tốt - học tốt, khẳng định sự trưởng thành của ngôi trường mang tên Anh hùng Liệt sĩ Huỳnh Văn Sâm.

TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG

Những thế hệ nhà giáo, học sinh hôm nay được giảng dạy, học tập dưới mái trường THPT Huỳnh Văn Sâm đều rất đỗi tự hào về bề dày truyền thống lịch sử của trường. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, Trường Bổ túc văn hóa tập trung huyện Cái Bè được thành lập tại cơ sở của Trường Trung học Nông - Lâm - Súc. Năm học 1988 - 1989, UBND huyện Cái Bè sát nhập hai trường Bổ túc văn hóa tập trung và Bổ túc văn hóa dân chính huyện Cái Bè thành một trường chung, lấy tên là Trường Bổ túc văn hóa huyện Cái Bè.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao Bức trướng của UBND tỉnh tặng Trường THPT Huỳnh Văn Sâm nhân  kỷ niệm 30 năm thành lập trường.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang trao Bức trướng của UBND tỉnh tặng Trường THPT Huỳnh Văn Sâm nhân kỷ niệm 30 năm thành lập trường.

Năm 1990, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định thành lập Trường THPT bán công Huỳnh Văn Sâm. Theo sự điều tiết của Nhà nước, số cán bộ, giáo viên và học sinh của trường dần nâng lên theo từng năm học. Theo đó, quy mô nhà trường không ngừng phát triển, nếu năm học 1990 - 1991, trường có quy mô hạng III thì từ năm học 1999 - 2000 đến nay, trường giữ vững ổn định với quy mô hạng I.

Những ngày đầu thành lập, cơ sở vật chất của trường rất thiếu thốn, chỉ có 1 phòng làm việc và mượn 6 phòng học cũ của Trường Tiểu học Thị trấn Cái Bè để dạy và học. Được sự quan tâm của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo huyện Cái Bè, trường được cải tạo, sửa chữa và xây mới thêm 3 phòng học vào năm học 1997 - 1998 và 4 phòng học vào năm học 1999 - 2000, nâng tổng số phòng học của trường 17 phòng.

Đến tháng 4-2005, trường đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt, Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư tiến hành Dự án Xây dựng mới Trường THPT Huỳnh Văn Sâm với tổng mức đầu tư các hạng mục và trang thiết bị dạy học khoảng 10 tỷ đồng. Từ cuối năm 2007 đến nay, trường có được cơ sở khang trang với 15 phòng học mới, khu hành chính, thực hành - thí nghiệm, cổng - hàng rào và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện dạy và học cần thiết.

NỖ LỰC VƯƠN LÊN

Trong suốt hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, các thế hệ thầy và trò Trường THPT Huỳnh Văn Sâm đã vượt qua biết bao khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Trường giảng dạy nhiều thế hệ học sinh thành đạt, có nhiều đóng góp cho sự phát triển quê hương Cái Bè cũng như Tiền Giang. Nhiều cựu học sinh của trường nay đã trở thành những nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà giáo, doanh nhân…

Mặc dù chất lượng học sinh đầu vào hằng năm còn thấp nhưng nhờ sự tâm huyết của Hội đồng sư phạm nhà trường, sự tận tụy trong công việc của từng giáo viên nên hiệu quả giáo dục của trường luôn ở mức cao, với tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi ngày càng nhiều. Trong năm học 2019 - 2020 vừa qua, thầy và trò Trường THPT Huỳnh Văn Sâm đã nỗ lực dạy và học, đạt nhiều kết quả đáng phần khởi, 98% học sinh tốt nghiệp THPT, hơn 65% học sinh khá, giỏi. Hằng năm nhà trường đều được Sở GD&ĐT đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục. Đặc biệt trong năm học vừa qua, nhà trường đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UBND tỉnh Tiền Giang tặng Cờ thi đua.  

Thầy Bùi Văn Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Văn Sâm cho biết: “Phát huy truyền thống dạy tốt - học tốt, trong năm học 2020 - 2021 và những năm học tiếp theo, nhà trường tập trung đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nâng chất giáo dục toàn diện; đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể của trường nhằm tạo sự đồng bộ trong mọi hoạt động để xây dựng nhà trường vững mạnh, toàn diện”.

P. PHƯƠNG

.
.
.