.

Vi phạm trong lĩnh vực giáo dục: Tăng mức xử phạt

Cập nhật: 16:56, 10/03/2021 (GMT+7)

Hôm nay 10-3, Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 04) chính thức có hiệu lực, thay thế cho Nghị định 138/2013. Theo đánh giá của các chuyên gia luật cũng như các cơ sở giáo dục (GD), nghị định này có nhiều điểm mới, đặc biệt là bổ sung nhiều hành vi vi phạm mới và gắn các quy định về tự chủ trong GD.

Sinh viên ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành
Sinh viên ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành.

Nhiều điểm mới

TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, Nghị định 04 có những điểm nổi bật so với Nghị định 138/2013, như thêm biện pháp khắc phục hậu quả mang tính nhân văn: buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai. Đồng thời cũng bỏ một số biện pháp như buộc giải thể cơ sở GD thành lập không đúng thẩm quyền…

Về mức xử phạt, Nghị định 04 tăng mức phạt tiền đối với nhiều hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực GD đã được quy định ở Nghị định số 138/2013/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền đối với hành vi tổ chức hoạt động GD hoặc thực hiện dịch vụ GD ngoài địa điểm được phép… từ 40-60 triệu đồng (quy định cũ là 20-30 triệu đồng); phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ đại học (ĐH) sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh tăng cao hơn rất nhiều so với quy định trước: 10-30 triệu đồng đối với hành vi tuyển sinh sai đối tượng dưới 10 người (quy định cũ là 5-15 triệu đồng).

Điều này cũng tương tự đối với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ với mức xử phạt từ 20-100 triệu đồng từ 1 cho đến trên 10 người (quy định cũ là từ 10-60 triệu đồng) và có thể bị đình chỉ hoạt động tuyển sinh từ 6-12 tháng; phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ vượt số lượng từ 3% (quy định cũ 5%) đến trên 20% là từ 5-80 triệu đồng (quy định cũ từ 2-60 triệu đồng)… 

Đặc biệt, Nghị định 04 bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính mới bị xử phạt như: nhóm hành vi vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở GD hoặc tổ chức thực hiện dịch vụ GD; chuyển đổi loại hình cơ sở GD bổ sung thêm quy định; các vi phạm liên quan đến tổ chức quản lý cơ sở GD cũng bị xử phạt hành chính (Điều 7 Nghị định 04/2021/NĐ-CP); đặc biệt phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với hành vi không thành lập hội đồng trường của cơ sở GD ĐH theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Điểm mới đáng chú ý nữa là Nghị định 04 thêm mới nhóm các hành vi vi phạm quy định về tư vấn du học; hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực GD, trong đó gồm vi phạm quy định hoạt động tư vấn du học, vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức GD nước ngoài tại Việt Nam, vi phạm quy định về tiếp nhận học sinh Việt Nam học chương trình GD của nước ngoài tại cơ sở GD mầm non, GD phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài… với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, cùng với các hình phạt bổ sung khác. 

Trước đây, chỉ có hành vi không công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị bị phạt, thì quy định mới bổ sung thêm các hành vi nữa, như không công khai hoặc công khai không đầy đủ các nội dung về đào tạo liên thông trên trang thông tin điện tử của cơ sở GD ĐH, theo quy định của pháp luật hiện hành; công khai không đầy đủ thông tin/không chính xác thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Các hành vi vi phạm quy định về quản lý, cấp và sử dụng văn bằng, chứng chỉ cũng có những hành vi vi phạm mới được quy định tại điều 21, 22, 23… 

Cần tăng cường lực lượng thanh tra 

Theo hiệu trưởng một trường ĐH tự chủ tại TPHCM, Nghị định 04 ngoài việc tăng nặng mức xử phạt, bổ sung thêm các hành vi vi phạm mới còn kèm theo các mức hình phạt bổ sung như tước giấy phép, đình chỉ hoạt động từ 6-12 tháng (vi phạm về quy định cho phép hoạt động GD, vi phạm về đối tượng tuyển sinh, vi phạm về quy định mở ngành và chuyên ngành đào tạo, vi phạm về liên kết đào tạo…), cắt giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số chỉ tiêu tuyển vượt, hủy bỏ kết quả công nhận đánh giá hoặc kết quả kiểm định chất lượng.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt với hành vi vi phạm tuyển vượt chỉ tiêu, tuyển sai đối tượng… như Nghị định 04 là khá nhẹ, chỉ cần học phí vài sinh viên là dư sức nộp phạt. Tuy nhiên, với các hình thức phạt bổ sung kèm theo, nếu áp dụng triệt để, tăng cường thanh tra, kiểm tra thì đủ nặng để các cơ sở GD cân nhắc khi cố tình làm sai.    

Để thực thi Nghị định 04, ngoài việc các cơ sở GD phải phổ biến, triển khai áp dụng nghị định này, TS Thái Thị Tuyết Dung cho rằng, lực lượng thanh tra GD trước hết phải được tăng cường. Bởi lẽ, hiện lực lượng thanh tra trong lĩnh vực này khá ít nên khó phát hiện kịp thời các sai phạm. Nếu lực lượng thanh tra nhiều, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt công khai minh bạch thì sẽ hạn chế được rất nhiều sai phạm khi thực thi nghị định này. Cùng với đó, Nghị định 04 cần bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt, trong đó có cơ quan công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh và quy định về phân định thẩm quyền xử phạt (theo Điều 39).

(Theo www.sggp.org.vn)

.
.
.