.

Phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề

Cập nhật: 11:14, 26/05/2021 (GMT+7)

Hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp nghề, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và các doanh nghiệp có đăng ký hoạt động GDNN. Đa số giáo viên, giảng viên của các cơ sở GDNN đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đạt chuẩn theo quy định.

Năm 2021, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được tỉnh quan tâm. Thị trường lao động tiếp tục được đẩy mạnh, phát triển nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Trong năm, các trường đã tuyển 2.853 học sinh trung cấp, cao đẳng, đạt 99,06% kế hoạch năm, trong đó có 2.053 học sinh trung cấp và 800 sinh viên cao đẳng. Đối với tuyển sinh trình độ sơ cấp (đào tạo dưới 3 tháng), các cơ sở GDNN đã tuyển và đào tạo 8.631 học viên, đạt 101,54% kế hoạch năm.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động (trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Tiền Giang trong giờ thực hành thí nghiệm, các ảnh chụp trước khi dịch bùng phát).                                         Ảnh: VĨNH SƠN
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động (trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Tiền Giang trong giờ thực hành thí nghiệm, các ảnh chụp trước khi dịch bùng phát). Ảnh: VĨNH SƠN

NÂNG CHẤT NGUỒN NHÂN LỰC

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 362 triển khai thực hiện Chỉ thị 24 ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Việc ban hành kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo; thực hiện tốt các quy định pháp luật về GDNN, xây dựng các mô hình đào tạo chất lượng cao gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, tranh thủ thời cơ “dân số vàng” đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Để thực hiện các nội dung Chỉ thị 24, UBND tỉnh đề ra các nội dung cần tập trung triển khai. Đó là làm tốt công tác khảo sát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động, nhất là lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo. Trong đó, chú trọng việc thành lập bộ phận thực hiện kết nối giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp thuận lợi tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, tạo được mối liên hệ giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp. Nhờ đó, người học được đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp và doanh nghiệp tuyển dụng được lao động theo đúng nhu cầu, không phải đào tạo bổ sung.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp…

Đối với các cơ quan, địa phương cần tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, tăng cường gắn kết chặt chẽ “3 Nhà”: “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” trong hoạt động GDNN; tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định… Tăng cường hợp tác quốc tế đa phương, song phương trong GDNN nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào GDNN.

Về phía các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khuyến khích thành lập cơ sở GDNN hoặc mở lớp đào tạo tại nơi làm việc; phối hợp với các cơ sở GDNN để đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo khác theo quy định pháp luật. Các doanh nghiệp tham gia đào tạo, xây dựng danh mục ngành, nghề; tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; chuẩn đầu ra; chương trình đào tạo; định mức kinh tế - kỹ thuật trong GDNN; thông tin chính xác, kịp thời về nhu cầu lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động theo ngành, nghề của doanh nghiệp…

Quy mô, cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường sử dụng lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian tới, các cơ sở GDNN cần đa dạng hóa phương thức, hình thức đào tạo GDNN trong tình hình mới; hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua hình thức ký biên bản ghi nhớ đào tạo, đặt hàng đào tạo, thực tập…

Đồng thời, chú trọng đào tạo kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh, sinh viên… Qua đó góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

MỖI NĂM NHU CẦU TUYỂN TRÊN 15.000 LAO ĐỘNG

Thời gian qua, nhờ sự phối hợp tốt giữa các cơ sở GDNN với Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang đã mang lại nhiều cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên khi ra trường. Chẳng hạn như thông qua việc tổ chức Ngày hội Giao dịch việc làm tại Lễ tốt nghiệp ở các cơ sở GDNN để doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với học sinh, sinh viên và học viên có nhu cầu làm việc tại đơn vị.

Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh để đưa học sinh, sinh viên đến thực tập và giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp, mang lại thu nhập ổn định. Theo thống kê của các cơ sở GDNN, sinh viên các trường cao đẳng sau khi tốt nghiệp có việc làm khoảng 89%, thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng; học sinh, học viên tốt nghiệp trường trung cấp đi làm mang lại thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng…

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang và các cơ quan chuyên môn, dự kiến trong năm 2021, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tuyển dụng lao động với số lượng khoảng 15.000 lao động, trong đó lao động có chuyên môn chiếm khoảng 25%. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ chuyên môn chủ yếu tập trung vào các nhóm ngành nghề: Cơ khí, điện, xây dựng, sản xuất thực phẩm, công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính…

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng thị trường lao động Nhật Bản vẫn rất ưa chuộng lao động Việt Nam, tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động các ngành nghề như: Cơ khí chế tạo máy, hàn, tiện, điện công nghiệp, điện tử, công nghệ ô tô…

Hiện nay, các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản đã liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang và các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, trung tâm GDNN trong tỉnh tuyển sinh viên, học sinh, học viên sau khi tốt nghiệp đủ điều kiện đi làm việc tại Nhật Bản từ 3 - 5 năm đúng với ngành nghề đã học.

Người lao động khi về nước, sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm về nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, ngoại ngữ và quan trọng là tích lũy được số tiền khoảng 700 - 800 triệu đồng để có thể làm vốn lập nghiệp hoặc làm việc ở các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam với mức lương từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng.

Những năm tiếp theo, dự báo mỗi năm nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ trên 15.000 lao động, nhu cầu tập trung chính vẫn trong các khu, cụm công nghiệp, với các doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực may mặc, may giày, túi xách… Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có chuyên môn chiếm khoảng 35%. Thời gian tới, với sự phát triển của các doanh nghiệp ở lĩnh vực cơ khí, công nghiệp chế tạo… cùng với việc thu hút dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp phía Đông của tỉnh, dự kiến nhu cầu lao động có chuyên môn kỹ thuật ngày càng nhiều.

QUÂN ANH

.
.
.