Thực hiện Đề án 89: Tránh lãng phí ngân sách, nâng cao hiệu quả
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2021-2022 theo Quyết định 89/QĐ-TT ngày 18-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 89). Đây là chủ trương tốt của Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học (ĐH). Tuy nhiên, nhiều trường vẫn băn khoăn về tính hiệu quả khi thực hiện.
10 năm sẽ có 7.300 tiến sĩ
Thực hiện Đề án 89, Bộ GD-ĐT vừa có văn bản hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 - 2022. Theo đó, sẽ có 3 hình thức đào tạo, gồm: đào tạo toàn thời gian ở Việt Nam; đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; đào tạo toàn thời gian theo hình thức liên kết giữa cơ sở đào tạo của Việt Nam và cơ sở đào tạo của nước ngoài (chỉ dành cho đào tạo ở trình độ tiến sĩ).
Về ngành đào tạo, đối với trình độ tiến sĩ là tất cả các ngành theo nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ giảng viên của các cơ sở giáo dục ĐH và chiến lược phát triển nhân lực trình độ cao của đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Học bổng và chi phí đào tạo hỗ trợ người học không quá 2 năm đối với người được cử đi đào tạo thạc sĩ; không quá 4 năm đối với người được cử đi đào tạo tiến sĩ.
Những người chưa phải là giảng viên phải có thỏa thuận ký với một cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam về việc tiếp nhận làm giảng viên của cơ sở đó sau khi tốt nghiệp. Người được cử đi đào tạo phải dành toàn bộ thời gian để hoàn thành việc học tập, nghiên cứu khi đã được công nhận trúng tuyển và tham gia khóa học.
Điểm đáng chú ý trong kế hoạch triển khai của Bộ GD-ĐT là quy định: người được cử đi đào tạo phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo theo quy định hiện hành trong các trường hợp tự ý bỏ học; không hoàn thành chương trình đào tạo và không được cấp văn bằng tốt nghiệp; đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng không quay trở lại làm việc tại cơ sở cử đi (hoặc tại cơ sở có ký thỏa thuận cam kết tiếp nhận giảng viên), hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết.
Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trao bằng tiến sĩ tốt nghiệp năm 2020. |
Mục tiêu cụ thể của Đề án 89 là đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên ĐH, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài; phấn đấu 80% giảng viên các trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao đạt trình độ thạc sĩ trở lên, được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài và trong nước đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới, cơ cấu hợp lý.
Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, để thực hiện mục tiêu đề án đặt ra, dự kiến trong 10 năm tới cần đào tạo khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ; trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.
Còn nhiều băn khoăn
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nhìn nhận: Chúng tôi đánh giá đây là chủ trương rất tốt của Nhà nước nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên cho các cơ sở giáo dục ĐH để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Song quá trình thực hiện vẫn còn nhiều điều rất khó để giải quyết.
Dẫn chứng về những băn khoăn, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cho biết: Trước đây, trường cũng có người được cử đi học theo Đề án 322 và Đề án 911. Tuy nhiên, nhiều người đi học tiến sĩ ở nước ngoài hoặc tìm cách xin gia hạn thêm để làm nghiên cứu sau tiến sĩ, hoặc tìm cách ở lại, không về.
Cũng có trường hợp học xong về trường làm, nhưng do cơ chế lương quá thấp nên họ luôn có ý muốn bỏ trường để sang các trường ĐH tư, trường ĐH công lập tự chủ có mức lương, thu nhập cao hơn. Vì vậy họ sẵn sàng bồi hoàn kinh phí để dứt áo ra đi. Còn đối với trường hợp ở lại nước ngoài thì không có cách xử lý.
“Chính vì vậy, điều khó nhất hiện nay chính là quy định “cơ sở cử giảng viên đi đào tạo có trách nhiệm thu hồi học bổng và chi phí đào tạo đã cấp khi người được cử đi đào tạo vi phạm quy định”. Chúng ta phải tìm cách giải quyết điểm nghẽn này thì khi thực hiện đề án mới thật sự hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách”, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, lãnh đạo nhiều trường cho rằng: Với các chương trình học bổng trước đây như Đề án 322 hay Đề án 911, Bộ G-ĐT là nơi ra quyết định cho đi học và tiếp nhận về.
Còn với Đề án 89, dự kiến các trường đóng vai trò chính trong cả quy trình tuyển chọn, gửi giảng viên đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo giảng viên… thì đặt ra việc trường phải có trách nhiệm với khoản kinh phí cho giảng viên đi học là đúng. Tuy nhiên, cần có hình thức quản lý vấn đề bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo mang tính ràng buộc, cam kết cao hơn đối với học viên, tránh khó cho các trường.
Nhưng với quy định hiện nay, cơ sở đào tạo cử người đi học “đòi tiền” là việc không hề dễ dàng nếu người được cử đi học ở lại nước ngoài, không chịu về. Do đó, ngoài việc có chế tài chặt chẽ hơn trong việc bồi hoàn kinh phí thì các trường có thể cam kết đốc thúc việc bồi hoàn chứ không phải là đơn vị phải bồi hoàn nếu người học không trở về.
Sau Đề án 322 là Đề án 356 thực hiện đến năm 2012. Sau đó là Đề án 911 thực hiện từ 2010-2020 với mục tiêu đào tạo 10.000 tiến sĩ trong nước, 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài, 3.000 tiến sĩ phối hợp đào tạo với kinh phí 23.000 tỷ đồng. Đề án này thực hiện đến năm 2016, đạt 2.050 nghiên cứu sinh trong nước, 2.900 nghiên cứu sinh nước ngoài, 27 nghiên cứu sinh phối hợp đào tạo nhưng 23 người bỏ học. Đến năm 2017 dừng tuyển sinh và chuyển sang đề án 9.000 tiến sĩ mới. Và đến nay là thực hiện Đề án 89. |
(Theo www.sggp.org.vn)