Thứ Hai, 30/08/2021, 10:18 (GMT+7)
.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang: Vừa chống dịch, vừa chuẩn bị cho năm học mới

Chỉ còn vài ngày nữa, năm học mới 2021 - 2022 chính thức bắt đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp gây không ít khó khăn, thách thức cho ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh nhà. Tuy nhiên, bằng sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới này.

Năm học 2021 - 2022, ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn trường học, vừa khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng GD-ĐT.

CHUẨN BỊ TỐT CÁC ĐIỀU KIỆN

Với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã quán triệt Chỉ thị 800 do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký ban hành về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng GD-ĐT đến tất cả cán bộ, giáo viên và nhân viên trong toàn ngành.

Để có thể thực hiện tốt chủ trương của Bộ GD-ĐT, hiện ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 với tinh thần linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Năm học mới diễn ra ngay thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính vì vậy đòi hỏi công tác chuẩn bị phải thận trọng, không được lơ là, chủ quan. Trong đó, hai khâu chuẩn bị được xác định khá quan trọng là cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên cho năm học mới. Về cơ sở vật chất, hiện nay ở nhiều địa phương, một số trường học vẫn đang trưng dụng làm khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, các công trình sửa chữa trường lớp phục vụ cho năm học mới chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch đề ra. Dù khó khăn nhưng các địa phương vẫn quyết tâm khi hết giãn cách xã hội sẽ tập trung sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác dạy học khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, học sinh đến trường.

Ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (ảnh chụp tại Trường Tiểu học Tân Lập 1, huyện Tân Phước, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát).
Ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (ảnh chụp tại Trường Tiểu học Tân Lập 1, huyện Tân Phước, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát).

Cùng với chuẩn bị về cơ sở vật chất, hiện các địa phương đang hoàn thiện đội ngũ giáo viên các cấp học, trong đó ưu tiên bổ sung đủ giáo viên dạy khối lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, trong kỳ nghỉ hè, tất cả cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên dạy lớp 2 và 6 đã được tập huấn đầy đủ về chương trình sách giáo khoa (SGK).

Bên cạnh đó, các giáo viên đều nỗ lực tự học bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo những kỹ năng và kiến thức để triển khai tốt chương trình mới. Đến thời điểm này, hầu hết cán bộ, giáo viên đều có tâm thế sẵn sàng để cùng ngành GD-ĐT tỉnh nhà vượt khó trong năm học mới 2021 - 2022.

ĐẢM BẢO CUNG ỨNG ĐẦY ĐỦ SGK

Mặc dù năm học mới sắp bắt đầu nhưng SGK hiện nay vẫn chưa đến tay phụ huynh và học sinh. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương cho biết, tuy rất khó khăn trong việc đi lại nhưng không bị động về SGK. Theo đó, nguồn SGK cho năm học mới 2021 - 2022 rất dồi dào và đã về các trường, các địa phương, chỉ chờ hết giãn cách sẽ phân phối, giao đến phụ huynh, học sinh.

Năm học 2021- 2022, theo kế hoạch phát triển giáo dục, dự kiến tỉnh Tiền Giang có khoảng 280 ngàn học sinh ở các cấp học (trừ trẻ mầm non). Ngay trong hè, các trường đã rà soát và nắm bắt số lượng, nhu cầu SGK, từ đó hướng dẫn phối hợp với phụ huynh học sinh tiến hành đăng ký mua SGK.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngành Giáo dục và Công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học Tiền Giang đã có những trao đổi về việc cung ứng nguồn SGK cho năm học mới 2021 - 2022. UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo với các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho SGK có thể lưu thông thuận lợi trong tình hình tỉnh thực hiện giãn cách xã hội.

Đến thời điểm này, thông tin từ Công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học Tiền Giang, công ty đã cung ứng  cung ứng khá đầy đủ SGK các cấp học cho các trường trên địa bàn tỉnh. Tiền Giang sẽ quyết tâm trước khi học trực tuyến, không để bất kỳ học sinh nào phải thiếu SGK.  

KHAI GIẢNG VÀ HỌC TRỰC TUYẾN

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2259 về kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 của giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, sáng ngày 5-9, tỉnh Tiền Giang sẽ chính thức khai giảng năm học mới 2021 - 2022 bằng hình thức trực tuyến. Các đơn vị tổ chức khai giảng năm học mới bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống phần mềm (Quickom, Zoom, Microsoft Teams,…) hoặc trên nền tảng mạng xã hội để kết nối giữa nhà trường với học sinh.

Tùy điều kiện thực tế, các đơn vị quyết định quy mô và hình thức tổ chức khai giảng trực tuyến phù hợp, không quá 5 người, lan tỏa thông điệp chào mừng năm học mới với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.

Tiến sĩ Lê Quang Trí cho biết, mặc dù Lễ khai giảng trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo sự trang trọng của buổi lễ với các phần nội dung như: Chào cờ, đọc thư Chủ tịch nước, đánh trống khai trường, triển khai kế hoạch năm học mới và đọc quyết định trao học bổng của UBND tỉnh cho các học sinh nghèo vượt khó.

Ngay sau Lễ khai giảng, học sinh khối lớp 9 và lớp 12 sẽ chính thức bước vào học trực tuyến từ ngày 6-9, các lớp còn lại sẽ bắt đầu từ ngày 13-9. Đối với bậc giáo dục mầm non chỉ cho trẻ đến trường học tập khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.

Theo nhận định của ngành Giáo dục sẽ có rất nhiều khó khăn, vất vả trước thềm năm học mới 2021 - 2022, trong đó có việc dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm trong triển khai dạy và học trực tuyến trong 2 năm học vừa qua sẽ là bài học quý giá để toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang có thể thực hiện tốt trong năm học 2021 - 2022.

Để việc dạy và học trực tuyến  hiệu quả, ngành Giáo dục yêu cầu các trường ở các bậc học trên địa bàn tỉnh cần xây dựng kế hoạch, phương án dạy học trực tuyến phù hợp với tình hình và đặc điểm của từng trường. Bên cạnh đó, trong dạy học trực tuyến, giáo viên cần tăng cường phương tiện nghe nhìn, video, hình ảnh, bài hát…, để kích thích năng lượng học tập của học sinh, tránh sự nhàm chán trong dạy và học.

Tiến sĩ Lê Quang Trí đánh giá, việc dạy học trực tuyến tuy có khó khăn nhưng với quyết tâm, toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà sẽ cố gắng vừa thực hiện vừa khắc phục bất cập, hạn chế, nhất là dạy học trực tuyến cho học sinh đầu cấp. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải vận dụng tối đa các phương pháp dạy học tích cực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ các em làm quen với môi trường, phương pháp học tập mới.

Trước ngày tổ chức khai giảng năm học mới, Hiệu trưởng các trường tiểu học chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp 1 liên hệ với cha mẹ học sinh để tạo các nhóm liên hệ, trao đổi trên nền tảng mạng xã hội nhằm phối hợp tốt cho học sinh tham gia Lễ khai giảng và học tập trực tuyến…

Với những trường vùng sâu vùng xa, học sinh ít có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin để có thể triển khai việc dạy và học trực tuyến, ngành Giáo dục cũng như các trường học, giáo viên sẽ có hướng dẫn cụ thể khung giờ học cho học sinh trên kênh truyền hình VTV7. Bên cạnh đó, thời gian tới đây, ngành Giáo dục cũng sẽ phối hợp với các đơn vị như VNPT Tiền Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang… thực hiện các chương trình truyền hình học trực tuyến ở các cấp học.

Năm học mới 2021 - 2022 đang chuẩn bị bắt đầu trong tình hình dịch Covid-19 nhiều diễn biến phức tạp. Và để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới này rất cần sự chung tay cộng đồng trách nhiệm của tất cả mọi người. “Phải nói rằng, vào thời điểm khó khăn này, rất cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh để chất lượng học tập trực tuyến được hiệu quả.

Phụ huynh học sinh cần quan tâm, nhắc nhở thời gian học tập của con em mình, hướng dẫn con tự học, tránh trường hợp bỏ học… Toàn ngành GD-ĐT sẽ cố gắng quyết không để học sinh nào bỏ học trong điều kiện khó khăn này. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các trường sẽ cho học sinh trở lại trường và đây được xem là “thời gian vàng” để các trường có thể củng cố, ôn tập kiến thức cho học sinh”, Tiến sĩ Lê Quang Trí cho biết thêm.

Đ. PHI

.
.
.