Để học trực tuyến ở bậc tiểu học an toàn và hiệu quả
Dạy và học trực tuyến đối với học sinh tiểu học hoàn toàn khác so với bậc THCS và THPT cả hình thức lẫn phương pháp. Làm gì để đảm bảo an toàn và hiệu quả đối với việc dạy và học trực tuyến đối với học sinh cấp tiểu học đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Để phụ huynh có những thông tin về dạy và học trực tuyến đối với học sinh bậc tiểu học, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang Huỳnh Thị Phượng.
* Phóng viên (PV): Qua gần 2 tuần triển khai dạy và học trực tuyến ở bậc tiểu học, đồng chí có những đánh giá như thế nào?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Hiện tại, toàn tỉnh đang có 184/184 trường có bậc tiểu học dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình, với tổng số 105.143/137.189 học sinh, chiếm 76,6%. Ngành Giáo dục đã chuẩn bị đầy đủ phương án để có thể triển khai một cách tốt nhất; trong đó, nhấn mạnh đến phương án là tạo được sự đồng thuận, thống nhất từ phụ huynh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc dạy và học trực tuyến ở bậc tiểu học cũng đã gặp không ít khó khăn nhất định: Đường truyền Internet quá tải, yếu; đa số học sinh lớp 1, lớp 2 chưa biết sử dụng máy tính, dụng cụ học tập trực tuyến, chưa có thói quen học tập với phương pháp học tập trực tuyến; một số học sinh đang trong khu cách ly, phong tỏa hoặc đi xa, nhà trường chưa liên lạc được…
* PV: Thưa đồng chí, đâu là vấn đề trọng tâm đặt ra trong quá trình triển khai dạy và học trực tuyến ở bậc tiểu học?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Thứ nhất, đối với lớp 1 và lớp 2 ưu tiên tổ chức cho học sinh học trên truyền hình. Trong quá trình thực hiện cần được đảm bảo tính liên tục, hệ thống, không dàn trải. Thứ hai là, tùy theo điều kiện thực tế của nhà trường, học sinh và phụ huynh, hiệu trưởng quyết định lựa chọn các môn học/hoạt động giáo dục để tổ chức dạy học sao cho hợp lý.
Tuy nhiên, ưu tiên vẫn là 2 môn Tiếng Việt và Toán. Thứ ba là, đối với các học sinh đang tập trung tại khu cách ly, khu phong tỏa hoặc không có trang thiết bị học tập (khoảng 24,5%), hiệu trưởng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các em được tham gia học tập thông qua sự hỗ trợ của phụ huynh, ban, ngành, đoàn thể, tình nguyện viên… bằng hình thức chuyển giao tài liệu học tập, phiếu hướng dẫn học tập cho học sinh, phụ huynh, hoặc hỗ trợ trực tiếp nếu có điều kiện.
* PV: Để triển khai dạy và học trực tuyến hiệu quả, yêu cầu nào được đặt ra đối với nhà trường, giáo viên và phụ huynh, thưa đồng chí?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Thứ nhất là, nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia học tập, không áp đặt, không dạy quá nhiều giờ/ngày, thời gian tổ chức dạy học 1 tiết không quá 30 phút. Nhà trường cần phân công giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng chuyên môn lựa chọn các chủ đề học tập, xác định các nội dung trọng tâm, cốt lõi của chương trình để thiết kế bài dạy nhằm đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với điều kiện thực tế, kỹ năng của giáo viên, khả năng tiếp thu, lĩnh hội của học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Mỹ Tho học trực tuyến. |
Thứ hai là, khi xây dựng thời khóa biểu (kể cả thời khóa biểu tổ chức cho học sinh học trên truyền hình), hiệu trưởng và giáo viên thống nhất lựa chọn khung giờ phù hợp với điều kiện học tập của đa số học sinh trong lớp, thời khóa biểu sắp xếp khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học, thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Đối với giáo viên cần phối hợp nhắc nhở phụ huynh, học sinh đảm bảo an toàn về việc phòng, chống cháy, nổ, cẩn thận trong việc sử dụng các thiết bị học tập; tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng mất an toàn khi học sinh tham gia học tập. Giáo viên cần lựa chọn phần mềm để tổ chức dạy học sao cho phù hợp, đảm bảo thuận tiện, an toàn cho giáo viên và học sinh (không nhất thiết các giáo viên phải sử dụng cùng một phần mềm giống nhau/đơn vị).
Nội dung thiết kế bài dạy cần phải chú ý tính tương tác, tạo điều kiện, môi trường cho học sinh làm bài tập, đặc biệt là giao tiếp giữa giáo viên và học sinh, gần gũi, thân thiện, kết hợp nhiều hoạt động học tập xen lẫn vui chơi, vận động phù hợp để tạo hứng thú cho các em. Tùy theo điều kiện thực tế của học sinh, giáo viên cần có nhiều hình thức tổ chức, giải pháp phù hợp để giúp cho các học sinh học tập đạt hiệu quả.
Đối với phụ huynh cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh trong suốt thời gian tham gia học trực tuyến, nắm lịch học, chuẩn bị các điều kiện để phối hợp cùng giáo viên hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học trực tuyến tại nhà; phối hợp với giáo viên giúp học sinh tiếp nhận nhiệm vụ học tập, tài liệu hướng dẫn học theo bài học; động viên, hỗ trợ học sinh tham gia học tập đúng giờ, hoàn thành các nhiệm vụ học tập.
* PV: Vậy khi dạy và học trực tuyến ở bậc tiểu học, việc kiểm tra đánh giá đối với học sinh sẽ như thế nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Đối với lớp 1, lớp 2: Không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong thời gian học tập trực tuyến hoặc học trên truyền hình. Tuy nhiên, giáo viên cần chú ý theo dõi tình hình học tập của từng học sinh theo từng giai đoạn để có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng khi học sinh trở lại trường học tập trực tiếp.
Chiều 3-10, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp học trực tuyến hiệu quả ở bậc tiểu học”. Tại buổi tọa đàm này, lãnh đạo ngành Giáo dục, lãnh đạo các trường tiểu học, giáo viên, lãnh đạo Hội Khuyến học, Viễn thông Tiền Giang và phụ huynh học sinh sẽ cùng nhau phân tích, mổ xẻ và tìm ra các giải pháp để giúp học sinh tiểu học có thể học trực tuyến một cách an toàn và hiệu quả nhất. Dự kiến, buổi tọa đàm được phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang từ 15 giờ 20 phút đến 16 giờ 20 phút ngày 3-10. |
Đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5: Giáo viên có những giải pháp khác nhau để ghi nhận được, đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của từng học sinh, như các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học trên môi trường Internet hoặc ghi nhận thông qua quá trình dạy học, trao đổi, đặt câu hỏi cho học sinh trả lời. Các bài tập cần được xây dựng đa dạng, nhiều hình thức khác nhau, bao gồm trắc nghiệm và tự luận.
Giáo viên lưu đầy đủ minh chứng quá trình dạy học, đánh giá thường xuyên hoạt động học tập và rèn luyện của học sinh để làm cơ sở đánh giá định kỳ trong thời gian tiếp theo, đặc biệt là không gây áp lực về đánh giá, không gây căng thẳng cho học sinh.
* PV: Để học trực tuyến an toàn, đặc biệt là an toàn về điện, đồng chí có lời khuyên gì đến học sinh cũng như các bậc phụ huynh?
* Đồng chí Huỳnh Thị Phượng: Đây là vấn đề hết sức quan trọng, bởi thời gian qua trên địa bàn cả nước cũng đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn về điện ở trẻ nhỏ. Ngành Giáo dục đã nhắc nhở các trường yêu cầu giáo viên thường xuyên phối hợp, nhắc nhở phụ huynh và học sinh tuyệt đối đảm bảo an toàn về việc phòng, chống cháy, nổ, cẩn thận trong việc sử dụng các thiết bị học tập, nhất là các hiện tượng về điện trước, trong và sau thời gian tham gia học tập như: Ổ điện, sạt pin máy tính (điện thoại...); nhắc nhở phụ huynh kiểm tra thường xuyên các thiết bị về điện, không để xảy ra hiện tượng mất an toàn về điện, cháy, nổ khi học sinh tham gia học tập.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đ. PHI (thực hiện)