Thứ Sáu, 24/09/2021, 10:44 (GMT+7)
.
HUYỆN TÂN PHƯỚC, TỈNH TIỀN GIANG:

Tháo gỡ khó khăn cho năm học mới

Năm học mới 2021 - 2022, bên cạnh những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Giáo dục huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang còn đang gặp khó từ dạy học trực tuyến đến cơ sở vật chất. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, quyết tâm, ngành Giáo dục huyện Tân Phước đang nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai các giải pháp cho một năm học đặc biệt, đảm bảo chất lượng dạy và học.

KHÓ KHĂN

Theo tìm hiểu, đa phần người dân của huyện Tân Phước chủ yếu làm nông nghiệp nên việc tiếp cận công nghệ thông tin có phần hạn chế, đường truyền mạng yếu, trang thiết bị dạy học trực tuyến còn nhiều thiếu thốn… là những nguyên nhân làm cho việc triển khai dạy và học trực tuyến của ngành Giáo dục huyện Tân Phước gặp nhiều khó khăn.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Mỹ học trực tuyến.
Học sinh Trường Tiểu học Phú Mỹ học trực tuyến.

Năm học mới 2021 - 2022, Trường Tiểu học Phú Mỹ có 22 lớp với 779 học sinh. Qua thống kê, toàn trường có 71% học sinh đủ điều kiện học trực tuyến, trong đó số học sinh sử dụng điện thoại di động thông minh để học trực tuyến chiếm 50%; có khoảng 200 học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến, chủ yếu là con của nông dân.

Cô Dương Thị Cẩm Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Mỹ cho rằng, việc học trực tuyến là cấp thiết trong tình hình dịch bệnh hiện nay nhưng vẫn còn không ít khó khăn mà nhà trường đang gặp phải, nhất là học sinh của trường thiếu thiết bị học trực tuyến, việc tiếp cận công nghệ thông tin của một số phụ huynh còn hạn chế không thể hướng dẫn cho con tham gia những giờ học trực tuyến, vấn đề đường truyền không ổn định… làm cho các tiết học không đảm bảo yêu cầu chất lượng đề ra.

Còn tại Trường THCS Tân Hòa Thành hiện cũng gặp một số khó khăn trong dạy và học trực tuyến. Toàn trường có khoảng 85% học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Bích Tuyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường, hình thức dạy học trực tuyến còn khá mới mẽ với học sinh nông thôn nên có nhiều em gặp khó khăn trong việc truy cập phần mềm, truy cập vào các dữ liệu học trực tuyến…

Bên cạnh những khó khăn trong việc dạy học trực tuyến, ngành Giáo dục huyện Tân Phước cũng đang gặp khó về cơ sở vật chất trường lớp, tình trạng thiếu giáo viên mầm non và giáo viên các bộ môn ở bậc tiểu học.

QUYẾT TÂM GỠ KHÓ

Năm học mới 2021 - 2022, toàn huyện Tân Phước có 9 trường mầm non, 12 trường tiểu học và 6 trường THCS với trên 11 ngàn học sinh ở các bậc học. Hiện nay, khó khăn trong việc dạy học trực tuyến được xem là khó khăn chung của toàn ngành Giáo dục, không riêng đối với huyện Tân Phước. Do đó, cùng với ngành Giáo dục, các ban, ngành, đoàn thể, mạnh thường quân đang chung tay tháo gỡ khó khăn này trong năm học mới cho giáo viên và học sinh.

Giáo viên Trường THCS Tân Hòa Thành dạy trực tuyến.
Giáo viên Trường THCS Tân Hòa Thành dạy trực tuyến.

Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Phước Nguyễn Tấn Minh, qua thống kê cho thấy có khoảng 80% học sinh THCS và trên 60% học sinh tiểu học của huyện được trang bị các điều kiện đáp ứng việc dạy và học trực tuyến. Ngành Giáo dục cũng đã tích cực tuyên truyền phổ biến đến phụ huynh học sinh hiểu rõ ý nghĩa của việc học trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Hiện tại, huyện đang vận động các mạnh thường quân, nhà tài trợ hỗ trợ các trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời trao tay cho các em trong năm học mới này.

Về cơ sở vật chất, sau khi huyện Tân Phước thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội các trường học trên địa bàn huyện đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa các hạng mục để chuẩn bị đón học sinh đến trường khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Trong năm học mới 2021 - 2022, toàn huyện đưa vào sửa chữa 24 phòng học với kinh phí khoảng 997 triệu đồng. Bên cạnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, đặc biệt là Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên theo dõi, giám sát lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia của từng trường học; gắn xây dựng trường chuẩn quốc gia với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Do đó, huyện Tân Phước đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho từng đơn vị trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn huyện có khoảng 80% số trường đã xây dựng thành công trường chuẩn quốc gia, đáp ứng cơ bản nhu cầu trường lớp học tập cho học sinh huyện nhà.

Năm học mới với bộn bề khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng toàn ngành Giáo dục huyện Tân Phước đang nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch năm học đề ra.

Đ. PHI

.
.
.