.

Khoảng 1,5 triệu học sinh cần hỗ trợ máy tính để học trực tuyến

Cập nhật: 20:36, 12/09/2021 (GMT+7)

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố ước khoảng 1,5 triệu học sinh.

Thông tin cập nhật đến 16 giờ ngày 12-9-2021 từ Bộ Giáo dục và Đào tạo là trên cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang triển khai dạy, học trực tuyến (có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến). Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7.350.000 (7,35 triệu học sinh các cấp). Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1.500.000 (1,5 triệu học sinh).

Năm học 2021 - 2022 khởi đầu bằng hình thức học trực tuyến. Ảnh: CVA
Năm học 2021 - 2022 khởi đầu bằng hình thức học trực tuyến. Ảnh: CVA

Năm học mới 2021 - 2022 đã bắt đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Các thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên, các gia đình trên cả nước đang hết sức cố gắng để tiến hành công tác giảng dạy, học tập.  

Tối 12-9, Thủ tướng Chính phủ tổ chức phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" kêu gọi toàn xã hội chung tay, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến.

Chương trình được thực hiện online tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng 63 điểm cầu tại các địa phương trên toàn quốc.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 10-9-2021, Bộ GDĐT đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam ban hành công văn số 3961/BGDĐT-CĐN phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến.

Trước mắt, cuộc vận động “Máy tính cho em” sẽ ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT/Chủ tịch Công đoàn ngành; Giám đốc/Hiệu trưởng/Chủ tịch Công đoàn của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tổ chức phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” tại tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc; kêu gọi, tuyên truyền, vận động toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, đội ngũ nhà giáo, nhân viên, người lao động tham gia ủng hộ kinh phí tối thiểu là một ngày thu nhập

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn năm học mới, trong đó có việc tổ chức dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình; hướng dẫn đảm bảo an ninh, an toàn trong dạy học trực tuyến; hướng dẫn bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 (đối với các cơ sở giáo dục đại học). Kho học liệu của Bộ đang được bổ sung bài giảng, học liệu và kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước.

Bộ tiến hành rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định các nội dung cốt lõi cần đạt được của chương trình để hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh; tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng các bài giảng chất lượng tốt  để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình khi học sinh không thể đến trường do phải thực hiện giãn cách xã hội; tiếp tục bổ sung nguồn học liệu số và bài giảng trên truyền hình để duy trì hoạt động dạy và học, bảo đảm các hoạt động giáo dục không bị đứt gãy.

(Theo https://baotintuc.vn/giao-duc/khoang-15-trieu-hoc-sinh-can-ho-tro-may-tinh-de-hoc-truc-tuyen-20210912180221616.htm)
 

.
.
.