.

Tiền Giang sẽ dạy học trực tuyến khi đảm bảo đủ điều kiện

Cập nhật: 21:49, 02/09/2021 (GMT+7)
 
(ABO) Nhiều học sinh thậm chí là giáo viên vẫn chưa trang bị các thiết bị dạy và học trực tuyến, mặc dù ngày khai giảng và ngày học trực tuyến đang rất cận kề. Không ít phụ huynh nhà có đông con tỏ ra lo lắng khi mà nhà chỉ trang bị được có một máy vi tính. Bên cạnh đó, ở một số vùng nông thôn hiện nay, việc kết nối Internet vẫn còn nhiều hạn chế. 
 
THIẾU TRANG THIẾT BỊ 
 
Dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, trong khi ngày khai giảng cũng như ngày học trực tuyến đang sát bên. Nhiều gia đình đang đứng ngồi không yên, đặc biệt là học sinh ở những vùng nông thôn vì cho tới giờ họ vẫn chưa trang bị thiết bị học trực tuyến. 
 
Anh V.V.T., ngụ xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành bày tỏ lo lắng, gia đình có 3 cháu đang tuổi ăn tuổi học, cháu lớn học lớp 8, cháu kế học lớp 5 và cháu nhỏ năm nay lớp 3. Vấn đề hiện tại đặt ra là nhà hiện chỉ có một laptop thì làm sao cho các cháu học trực tuyến khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu. 
 
Còn với trường hợp của thầy N.T.L., một giáo viên ở TP. Mỹ Tho cũng khó khăn không kém. Cả vợ chồng thầy L. đều là giáo viên, thế nhưng nhà chỉ có một máy vi tính. Vợ chồng thầy L. rất lo lắng, không biết sẽ giảng dạy trực tuyến ra sao trong năm học này nên cả hai đã cùng báo cáo đến lãnh đạo nhà trường để nắm bắt thông tin có hướng xử lý. 
Tiền Giang sẽ
Sau ngày 5-9,  Tiền Giang sẽ dạy học trực tuyến khi đảm bảo đủ các điều kiện. 
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Châu Thành Võ Văn Dũng cho biết, Châu Thành là một trong những địa phương có tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp của tỉnh Tiền Giang. Để chuẩn bị cho năm học mới, toàn ngành Giáo dục huyện Châu Thành đã đầu tư sửa chữa các hạng mục cơ sở vật chất ở nhiều trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện. 
 
Thực hiện chủ trương của Sở GD-ĐT, ngành Giáo dục huyện Châu Thành sẽ triển khai việc dạy và học trực tuyến cho học sinh tiểu học và THCS. Tuy nhiên, huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Qua rà soát các điều kiện, trang thiết bị dạy học cho thấy, khoảng 100% giáo viên của huyện đáp ứng khá đầy đủ. Còn với học sinh, điển hình như bậc THCS có khoảng 65,9% học sinh có thiết bị học trực tuyến; riêng đối với học sinh lớp 9 học trực tuyến tới đây thì còn khoảng 600 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến.
 
Ngay tại Trường Tiểu học Long An, huyện Châu Thành qua khảo sát phụ huynh học sinh trong những ngày qua cho thấy, một trong những khó khăn hiện nay mà nhà trường đang gặp phải là thiếu giáo viên tin học, cho nên việc triển khai một số công việc liên quan đến các vấn đề trực tuyến của trường cũng gặp khó khăn, cập rập. Bởi giáo viên tiểu học của trường chưa có kinh nghiệm trong việc dạy và học trực tuyến. Qua rà soát cho thấy, số lượng học sinh trang bị đủ điều kiện học trực tuyến chỉ khoảng 12%, nếu tính luôn các em có sử dụng điện thoại thông minh chỉ khoảng 60%.    
 
THÁO GỠ RA SAO? 
 
Trước phản ánh ở các địa phương, học sinh không đủ điều kiện để học trực tuyến, lãnh đạo ngành Giáo dục cho biết từ đây cho đến trước ngày 5-9 các đơn vị sẽ có báo cáo về cho Sở GD-ĐT các con số cụ thể về điều kiện dạy và học trực tuyến ở các địa phương. Sau đó, lãnh đạo ngành cũng như lãnh đạo các phòng, ban của Sở sẽ có những tính toán cụ thể, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ cụ thể cho từng địa phương, trước khi vào học trực tuyến chính thức. 
 
Hiện ngành giáo dục đang thống kê các điều kiện dạy học trực tuyến tại các địa phương.
Hiện ngành Giáo dục đang thống kê các điều kiện dạy, học trực tuyến tại các địa phương.
Cũng theo thông tin từ Sở GD-ĐT vào chiều ngày 2-9, cho thấy Sở cũng đã điều chỉnh các hoạt động dạy và học trực tuyến. Theo đó, sau Lễ khai giảng năm học mới, các cơ sở giáo dục chưa tổ chức dạy học bài mới theo phân phối chương trình mà tập trung tổ chức các nội dung sinh hoạt để ổn định lớp, tạo không khí vui vẻ, tổ chức các hoạt động cho học sinh, học viên làm quen với hình thức học tập trực tuyến; tổ chức ôn tập kiến thức bài cũ…
 
Cho đến khi bảo đảm đủ các điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến thì bắt đầu dạy học bài mới. Ngành Giáo dục cũng đã liên hệ với một số đơn vị như: Viễn thông Tiền Giang, Viettel Tiền Giang,… để kêu gọi sự hỗ trợ, đồng hành cùng ngành Giáo dục trong việc triển khai các giải pháp dạy và học trực tuyến. 
 
Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành Võ Văn Dũng cho biết: “Thật sự là rất khó khăn, thế nhưng trước mắt chúng tôi vẫn sẽ triển khai các công việc của năm học mới như các hướng dẫn của Sở GD-ĐT. Từ nay đến ngày học trực tuyến, với những em chưa có điều kiện theo học, chúng tôi sẽ bàn bạc với các trường để tìm phương án phù hợp nhất. Nói chung, khó khăn thì khó khăn, nhưng mình phải tính toán cách này cách khác, không để bất kỳ học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong hoàn cảnh này”. 
 
Trước đó, theo quyết định của UBND tỉnh, học sinh Tiền Giang sẽ bắt đầu khai giảng năm học mới vào ngày 5-9. Sau đó ngày 6-9, học sinh khối 9 và 12 sẽ bắt đầu học trực tuyến, còn học sinh các khối còn lại sẽ học trực tuyến ngày 13-9. Riêng bậc mầm non không học trực tuyến.
 
P.T 
 
.
.
.