Tiền Giang: Tập trung gỡ khó cho năm học mới
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước đang gặp nhiều khó khăn trong năm học mới 2021 -2022, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho đến cung ứng sách giáo khoa và học trực tuyến.
Những khó khăn trên thật sự là vấn đề nan giải cho toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà và đòi hỏi cần có những giải pháp cấp thiết khi học sinh các bậc học của tỉnh đang chuẩn bị bước vào năm học mới.
KHÓ KHĂN
Có lẽ vấn đề nóng được nhiều người quan tâm nhất khi bước vào năm học mới 2021 - 2022 chính là sách giáo khoa (SGK). Bởi tỉnh Tiền Giang khởi động năm học mới ngay vào thời điểm dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm cho cung ứng SGK gặp khó. Mặc dù tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc phát hành SGK nhưng nhiều phụ huynh, học sinh cho rằng, họ vẫn chưa tiếp cận được SGK để bắt đầu năm học mới, đặc biệt là học sinh ở những vùng nông thôn, nhất là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội lại càng khó khăn hơn.
Ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang quyết tâm triển khai dạy học trực tuyến vào đầu năm học mới 2021 - 2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh chụp tại Trường THPT Lê Thanh Hiền, huyện Cái Bè). |
Anh Phan Thanh Liêm, ngụ phường 5, TP. Mỹ Tho cho biết, anh có hai con năm nay vào lớp 8 và lớp 1, nhưng do giãn cách xã hội nên anh vẫn chưa mua được SGK cho 2 con. “Nghe thông tin có SGK cũng mừng nhưng khi gọi điện thoại đến trường của các con để thăm hỏi tình hình thì nhà trường trả lời là đã có SGK mà phải chờ phương án giao SGK vì đến nay TP. Mỹ Tho vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội và đang phong tỏa khu vực nội thành để tầm soát Covid-19. Tôi hoàn toàn ủng hộ các chủ trương về phòng, chống dịch bệnh của chính quyền cũng như học trực tuyến của ngành Giáo dục nhưng cần có giải pháp linh hoạt để SGK đến tay học sinh, chứ không có SGK sao các em học được”, anh Liêm bày tỏ.
Những tưởng khó khăn về SGK sẽ được giải quyết bằng phương pháp thay thế bằng SGK điện tử, nhưng đây lại là vấn đề được nhiều phụ huynh cho rằng là rất nhiêu khê. Bởi trong cùng một buổi học trực tuyến, học sinh rất khó tiếp cận kiến thức khi cùng lúc tương tác với giáo viên ở giao diện này và xem SGK điện tử ở giao diện khác; đồng thời, bản SGK điện tử hiện nay chữ nhỏ, nhòe, phóng to rất khó.
Không những tiếp cận SGK gặp khó mà các điều kiện về trang bị vật chất cũng là nỗi lo cho nhiều phụ huynh khi chuẩn bị cho con học trực tuyến. Với học sinh các trường ở thành thị thì điều kiện học trực tuyến khá tốt, còn đối với học sinh nông thôn thì việc học trực tuyến lại khá nhọc nhằn vì những thiếu thốn về trang thiết bị.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Gò Công Tây cho rằng, điện thoại thông minh, laptop hiện nay rất phổ biến nhưng không phải học sinh nào ở các trường vùng sâu vùng xa cũng có điều kiện tiếp cận. Dẫu biết rằng việc dạy học trực tuyến được xem là giải pháp tối ưu trong thời điểm dịch bệnh nhưng hình thức dạy học này chỉ phù hợp với học sinh THCS, THPT và rất khó triển khai ở học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh tiểu học ở nông thôn với nhiều vấn đề đặt ra về trang thiết bị, việc hướng dẫn, quản lý học sinh trong khi ba mẹ đa phần là nông dân.
TẬP TRUNG GỠ KHÓ
Mặc dù đã có hướng dẫn của ngành Giáo dục về công tác chuẩn bị cho đầu năm học mới cũng như dạy học trực tuyến, nhưng nhiều trường hiện nay vẫn còn khá lúng túng. Nếu như các trường THCS, THPT đã có nhiều kinh nghiệm trong dạy học trực tuyến từ các đợt dịch vừa qua thì việc thiết kế bài giảng tương đối dễ, còn đối với các trường tiểu học thì đây là vấn đề rất mới.
Theo phân tích của nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho thấy, tùy theo mỗi cấp học, không phải nội dung nào cũng được dạy trực tuyến. Chính vì vậy, các trường cần linh hoạt lựa chọn những nội dung chủ đề bài học phù hợp với hình thức trực tuyến để xây dựng bài giảng, tránh việc giảng dạy tràn lan, không đúng trọng tâm. Riêng với những nhóm bài trọng tâm, bài học cần vận dụng, ứng dụng nhiều thì có thể để lại dạy trực tiếp.
Thầy Phan Tấn Ngọc, giáo viên Trường THPT Vĩnh Kim, huyện Châu Thành cho biết: “Dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị rất kỳ công bài dạy của mình, trong quá trình dạy học phải chú trọng đến yếu tố tương tác, tránh kiểu đọc chép. Giáo viên phải biết quan sát học sinh để đánh giá chất lượng học tập ở mỗi buổi học, qua đó biết các em còn gặp khó ở chỗ nào mà kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ”.
Về vấn đề lo lắng của nhiều phụ huynh khi không có trang thiết bị để con em học trực tuyến cũng như học sinh gặp khó khăn trong việc học trực tuyến, ngành Giáo dục cho biết, qua thống kê từ các trường, ngành đã triển khai việc phân tầng dạy học để học sinh nào cũng tiếp cận được chương trình học.
Theo đó, những học sinh không trang bị được máy tính, điện thoại thông minh và Internet thì có thể học qua truyền hình mà cụ thể là trên kênh VTV7. Và mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã công bố thời lượng phát sóng chương trình học trực tuyến ở khối lớp 1 và lớp 2.
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Những ngày qua, sở đã nắm bắt được những phản ánh của dư luận về việc học trực tuyến và cũng xin nói rõ, việc tổ chức dạy học trực tuyến là ngành Giáo dục muốn các em sớm bắt đầu tập trung, ổn định tâm thế, tiếp cận kiến thức qua học trực tuyến để khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, học sinh đến trường thì sẽ được các thầy cô tập trung ôn tập, thực hiện đánh giá, kiểm tra các kiến thức mà các em đã học trước đó. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi rất mong sự chung tay của quý phụ huynh để tất cả học sinh cùng với toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà bước vào năm học mới một cách tốt nhất”.
Về vấn đề SGK, Tiến sĩ Lê Quang Trí cho biết thêm: “Tuy khó khăn nhưng chúng tôi và công ty sách sẽ cố gắng cung ứng đầy đủ SGK cho học sinh kịp năm học mới. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành công văn đề nghị một số sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát hành SGK. Hiện tại, SGK đã được chuyển về các trường, nhưng do giãn cách xã hội nên chúng tôi đang phải nhờ lực lượng phòng, chống dịch tại các địa phương chuyển SGK đến từng nhà cho học sinh”.
V.PHƯƠNG - A. QUÂN