.

Học trực tuyến cốt lõi vẫn là ý thức của học sinh

Cập nhật: 09:28, 06/10/2021 (GMT+7)

Sau gần 1 tháng triển khai, dạy và học trực tuyến đã dần đi vào nền nếp ở các cơ sở giáo dục. Nhiều giải pháp được đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho phương pháp học này, nhưng theo ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), quan trọng vẫn là ý thức học tập của học sinh.

NHIỀU BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Một tháng dạy và học trực tuyến trôi qua với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho cả giáo viên và học sinh. Thực tế cho thấy, đã có nhiều bài học kinh nghiệm được ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đúc kết cho việc dạy và học trực tuyến.

Theo phân tích của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn, ngành Giáo dục của tỉnh đã trải qua nhiều đợt dạy học trực tuyến ở các năm học trước, nhưng đây có lẽ là đợt triển khai dạy học trực tuyến khá quy mô, đồng bộ ở các cấp học từ tiểu học đến THPT trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sau hơn 1 tháng triển khai, toàn ngành đã rút ra nhiều kinh nghiệm, trong đó có 3 yếu tố cơ bản góp phần vào sự thành công của dạy học trực tuyến, đó là phải có giải pháp tốt về công nghệ, việc quản lý học sinh của các trường học phải chặt chẽ và cuối cùng là ý thức, nền nếp của học sinh.

Học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân học trực tuyến.
Học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân (TP. Mỹ Tho) học trực tuyến.

Về công nghệ cho dạy và học trực tuyến tuy còn không ít khó khăn, nhất là hệ thống đường truyền mạng, nhưng cũng cơ bản được khắc phục và dần đi vào ổn định. Qua thống kê từ các trường, đơn vị của tỉnh Tiền Giang cho thấy, tỉnh có 100% học sinh khối lớp 9 và lớp 12 đủ điều kiện học tập trực tuyến; 98% học sinh THPT, 93% học sinh THCS và khoảng 80% học sinh tiểu học đã tham gia học trực tuyến. Với những học sinh không có thiết bị học trực tuyến, đã có nhiều giải pháp như vận động hỗ trợ máy tính, gửi phiếu học tập đến học sinh…

Đối với việc quản lý học sinh của các cơ sở giáo dục, trên 600 trường học từ bậc tiểu học đến THCS đã chuyển đổi việc quản lý từ giấy tờ sang công nghệ số. Từ việc lên thời khóa biểu đến kiểm tra giáo án, soạn giảng, hồ sơ, sổ sách,… đều được các trường làm bằng phương pháp trực tuyến. Tuy nhiên vẫn còn không ít trường, đặc biệt là các trường vùng nông thôn còn chậm thích ứng với hình thức trực tuyến, việc sắp xếp thời khóa biểu chưa thật sự linh hoạt gây áp lực cho học sinh…

Bên cạnh đó, ý thức, nền nếp của học sinh cũng khiến nhiều người băn khoăn. Bởi thái độ học trực tuyến của học sinh hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào những điều kiện như: Độ tuổi, học lực học sinh, nơi ở, hoàn cảnh gia đình… Theo đánh giá chung, đa phần học sinh khá thích thú với phương pháp học trực tuyến; tuy nhiên vẫn còn không ít học sinh chểnh mảng trong việc học như học không đúng giờ, không chú ý làm bài tập theo hướng dẫn của giáo viên...

Theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành Võ Văn Dũng, việc dạy và học trực tuyến có thành công hay không ngoài sự cố gắng của thầy cô thì ý thức, nền nếp của học sinh là rất quan trọng. Nếu các em gặp khó khăn về công nghệ, trang thiết bị thì thầy cô có thể giúp các em, nhưng chất lượng học tập như thế nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào ý thức học tập của từng học sinh.

TẠO NỀN NẾP VÀ Ý THỨC

Theo ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên dự kiến dạy học trực tuyến sẽ còn kéo dài. Chính vì vậy, đòi hỏi sự sẵn sàng, đồng lòng vượt khó từ phía giáo viên, học sinh và ngay cả phụ huynh. Việc xây dựng nền nếp, ý thức tự học, tự rèn luyện sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp các em có thể học tập tốt trong giai đoạn học trực tuyến.

Theo các thầy cô, nền nếp, ý thức học tập của học sinh không phải tự nhiên mà có, phải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu. Chính vì vậy, học sinh cần phải thích nghi, biến khó khăn thành cơ hội cho mình. Giáo viên chỉ đóng vai trò truyền đạt, hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) Võ Hoài Nhân Trung cho biết: “Đối với dạy học trực tuyến thì giáo viên chỉ là người hướng dẫn các em phương pháp, còn học sinh chính là người thực hành, vận dụng các phương pháp để học tập tốt. Điều cốt lõi vẫn là ý thức học tập của học sinh, các em phải chủ động tìm kiếm tài liệu cũng như qua các hoạt động thực tế, thí nghiệm để chiếm lĩnh kiến thức cho riêng bản thân”.

Nhân vật trung tâm của quá trình dạy học trực tuyến vẫn là học sinh. Học sinh nên tận dụng những ngày học trực tuyến ở nhà trở thành cơ hội trong học tập bằng chính sự tự học. Việc tự học ở nhà của học sinh sẽ bao gồm các công việc như giải bài tập, bộ đề mà thầy cô giao, ôn lại kiến thức đã học ở các bộ môn… Nếu cần sự hỗ trợ của thầy cô, thì các em cứ mạnh dạn liên hệ để được sự trợ giúp hiệu quả trong quá trình tự học.

Ngoài ra, để học sinh có nền nếp và ý thức học tập tốt thì rất cần đến vai trò của phụ huynh. Các bậc phụ huynh phải xác định điểm mạnh, điểm yếu của con mình để có giải pháp học trực tuyến phù hợp, hiệu quả.

Đ.PHI - N.NGỌC

.
.
.