.

Tiền Giang: Đảm bảo an toàn khi mở cửa trường học trở lại

Cập nhật: 10:39, 03/11/2021 (GMT+7)

Thực hiện Nghị quyết 128 ngày 11-10-2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực rà soát, chuẩn bị các điều kiện để có thể đón học sinh trở lại trường.

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được khống chế và tỉnh đã chuyển sang phòng, chống dịch ở cấp độ 2. Tuy nhiên, việc cho học sinh trở lại trường học phải được cân nhắc thận trọng, đặt an toàn của học sinh, giáo viên lên hàng đầu.  

CÂN NHẮC THẬN TRỌNG

Theo lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang, mặc dù tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, khống chế, nhưng việc quyết định cho học sinh trở lại trường học trực tiếp trong bối cảnh hiện nay thật sự là bài toán khó, cần được tính toán thận trọng để đảm bảo an toàn.

Thực tế ghi nhận tại một số tỉnh, thành trong những ngày qua cho thấy, khi các địa phương này cho học sinh trở lại trường học đã xảy ra nhiều ổ dịch liên quan đến trường học, sau đó lan ra cộng đồng, ngành chức năng phải truy vết rất vất vả. Từ thực tế này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho Tiền Giang trong việc tính toán cho học sinh trở lại trường học.

Học sinh Trường Tiểu học Thạnh Trị, TP. Mỹ Tho học trực tuyến.
Học sinh Trường Tiểu học Thạnh Trị, TP. Mỹ Tho học trực tuyến.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hiệu cho biết, huyện Chợ Gạo có 19 trường mầm non, 19 trường tiểu học và 12 trường THCS. Tính đến thời điểm hiện tại, một số trường học trên địa bàn huyện sau khi được bàn giao lại từ các khu cách ly đã tiến hành tổng vệ sinh, khử khuẩn, chuẩn bị đón học sinh trở lại học trực tiếp. “Ngành Giáo dục huyện hiện đang nỗ lực tổ chức dạy và học trực tuyến cho học sinh.

Bên cạnh đó, các trường cũng đã tận dụng thời gian này để tổng dọn vệ sinh, rà soát, sửa chữa cơ sở vật chất cho năm học mới. Còn việc khi nào mở cửa trường học trở lại và mở như thế nào thì phải chờ chủ trương của lãnh đạo cấp trên. Ngay từ đầu năm học mới, ngành Giáo dục huyện cũng đã xác định học trực tuyến là giải pháp tối ưu cho toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh của toàn ngành trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”, đồng chí Cao Tấn Hiệu cho biết thêm.

Còn tại huyện Tân Phú Đông, một trong những địa phương có ít ca nhiễm Covid-19 và là vùng xanh của tỉnh. Mặc dù trước đó huyện đã dự kiến cho học sinh lớp 9 và 12 đi học trực tiếp trở lại tại các trường vào ngày 11-10 nhưng phải hoãn lại vì huyện đón số lượng lớn người về từ các địa phương khác nên tận dụng trường học làm khu cách ly. Mặt khác trong thời điểm này, huyện đang trong giai đoạn nỗ lực tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, do đó cần có thời gian để vắc xin phát huy hiệu quả, phòng, chống lây nhiễm. 

Theo quan điểm của nhiều lãnh đạo trường học trên địa bàn tỉnh, mặc dù dịch Covid-19 đã được khống chế nhưng rất khó để có thể mở cửa trường học vào lúc này, bởi dịch vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại, trong khi học sinh chưa được tiêm vắc xin Covid-19. Bên cạnh đó, một số địa phương trên địa bàn tỉnh hiện vẫn có số ca nhiễm cao trong những ngày qua như: TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành, Gò Công Đông nên việc mở cửa trường học được đánh giá là rất khó khăn.

Theo chia sẻ của anh Trần Văn Cường, một phụ huynh ở phường 4, TP. Mỹ Tho, mặc dù vẫn còn nhiều bất cập trong việc học trực tuyến, nhưng hình thức học này vẫn là giải pháp tối ưu, bởi đi học trực tiếp thời điểm này rất nguy hiểm đối với học sinh vì các em còn quá nhỏ. Do đó, cần có thời gian để tình hình dịch ổn định cũng như cần có sự đánh giá của ngành Giáo dục và ngành Y tế một cách chuẩn xác, đặc biệt là công tác tiêm vắc xin cho học sinh, khi đó việc mở cửa lại trường học cũng không muộn.

AN TOÀN PHÒNG, CHỐNG DỊCH LÀ TRÊN HẾT

Có thể thấy, dịch Covid-19 dù đã được kiểm soát tốt nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại và lây nhiễm trong cộng đồng. Chính vì vậy, việc cho học sinh trở lại trường phải được tính toán thận trọng. Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, có 3 việc chính mà ngành Giáo dục hiện đang triển khai: Thứ nhất, tiêm vắc xin cho cán bộ, giáo viên toàn ngành và có gần 21 ngàn giáo viên, nhân viên đã được tiêm, chỉ còn khoảng 575 thầy, cô giáo chưa tiêm vắc xin; trong những ngày tới đây, số lượng tiêm chủng sẽ tiếp tục tăng lên.

Thứ hai, việc tiêm vắc xin đối với học sinh đã được ngành Giáo dục và ngành Y tế lên kế hoạch chi tiết, cụ thể và chỉ chờ có vắc xin là triển khai. Theo đó, các trường từ bậc THCS đến THPT đã tập trung rà soát số lượng học sinh từ lớp 6 đến lớp 7 với khoảng 143 ngàn học sinh. Việc tiêm vắc xin sẽ được thực hiện ngay tại trường dưới sự theo dõi, giám sát, quản lý của các đơn vị giáo dục.

Thứ ba, đối với các cơ sở giáo dục sau một thời gian được trưng dụng làm khu cách ly y tế, bệnh viện dã chiến hiện đang rà soát, thống kê cơ sở vật chất bị hư hỏng. Tùy vào mức độ cần sửa chữa, các cơ sở giáo dục chủ động đề xuất với các cấp có thẩm quyền chủ trương sửa chữa theo quy định. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh còn khoảng 80 trường học được trưng dụng làm khu cách ly, con số này sẽ giảm trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, trên cơ sở thực hiện rà soát, các đơn vị giáo dục sẽ tiến hành làm bảng đánh giá những tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông mà UBND tỉnh đã ban hành hướng dẫn cụ thể. Có hai nội dung chính được đánh giá gồm tiêu chí về tổ chức trường học có 4 tiêu chí, mỗi tiêu chí 10 điểm và tiêu chí an toàn trường học có 12 tiêu chí, mỗi tiêu chí 5 điểm.

Sau khi các đơn vị đánh giá, tính tỷ lệ phần trăm, nếu đạt từ 70% trở lên sẽ được tổ chức các hoạt động dạy và học trực tiếp. Còn nếu đạt dưới 70% thì các đơn vị phải có biện pháp khắc phục các tiêu chí cũng như giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch mới được tổ chức dạy học trực tiếp; nếu dưới 30% thì cơ sở giáo dục sẽ không được tổ chức dạy và học trực tiếp.

Tiến sĩ Lê Quang Trí cho biết: “An toàn phòng, chống dịch vẫn là mục tiêu cao nhất. Tất cả đều phải tuân thủ các cơ sở tính toán khoa học và sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc cho học sinh trở lại trường, trong đó vấn đề quan trọng nhất vẫn là tiêm vắc xin. Việc mở cửa trường học trở lại phải được làm từng bước thật chắc chắn, không nóng vội với tinh thần mở cửa phải đảm bảo an toàn, an toàn mới mở cửa, trong đó ưu tiên cho các khối lớp 9 và 12 đi học trước. Theo dự kiến, nếu được sự đồng ý của UBND tỉnh, huyện Tân Phú Đông sẽ tiến hành cho học sinh khối lớp 9 và 12 đi học trở lại với phương pháp kết hợp học trực tiếp và trực tuyến”.

Đ.PHI

.
.
.