Tiền Giang: Phát triển đội ngũ nhà giáo giỏi nghề, tận tâm với học sinh
Xác định đội ngũ nhà giáo là một trong những nhân tố then chốt quyết định đến thành công của sự nghiệp giáo dục, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã có nhiều giải pháp, nâng chất và phát triển đội ngũ nhà giáo giỏi nghề, tận tâm với học trò, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới giáo dục.
Những năm qua, đội ngũ giáo viên tỉnh nhà không ngừng phát triển và nâng cao trình độ chuyên môn. (Trong ảnh: Cô giáo và học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân, ảnh chụp khi dịch chưa bùng phát). |
ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN VỮNG VÀNG
Nếu như trước đây, đội ngũ nhà giáo của tỉnh vừa thiếu và yếu thì hiện nay nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà đã được cải thiện rõ nét cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Những năm qua, toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Toàn ngành Giáo dục hiện có 19.139 cán bộ, nhà giáo công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục; trong đó có 16.865 giáo viên và 2.274 nhân viên. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, ở bậc học mầm non là 81,25%, bậc tiểu học là 70,72%; THCS là 63,82% và THPT là 99,99%. Toàn ngành hiện có 5 tiến sĩ, 341 thạc sĩ, 9.565 nhà giáo đạt trình độ đại học.
Qua 60 năm thành lập và phát triển, Trường THPT Chợ Gạo được biết đến là địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực uy tín, chất lượng bậc THPT của tỉnh Tiền Giang. Qua từng năm học, bên cạnh nỗ lực dạy tốt, học tốt, nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên. Thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo cho biết, nhà trường có 100 cán bộ, giáo viên; 100% đều đạt chuẩn, có tay nghề chuyên môn vững vàng, đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ luôn được tập thể Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm, trường có 5 giáo viên có trình độ sau đại học.
Không riêng gì bậc học phổ thông, những năm qua, chất lượng đội ngũ bậc học mầm non cũng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Là một giáo viên trẻ của Trường Mầm non Sao Sáng (TP. Mỹ Tho), cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh luôn nỗ lực phấn đấu, nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, của lãnh đạo ngành Giáo dục. “Là giáo viên phải không ngừng tìm tòi cái mới, đặc biệt trong những ngày nghỉ dịch Covid-19, tôi cũng như giáo viên mầm non phải tự nghiên cứu, mày mò sáng tạo những video thiết thực giúp trẻ vừa chơi, vừa học hay gọi điện thoại tư vấn phụ huynh khi cần thiết“, cô Hạnh chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá, nhìn chung, đội ngũ giáo viên các cấp học cơ bản được bố trí đáp ứng yêu cầu dạy học, có trình độ, có trách nhiệm cao trong giảng dạy. Số lượng giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tăng theo từng năm. Đội ngũ giáo viên luôn có những tìm tòi, thực hiện đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên luôn được ngành đặc biệt quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên đi học, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học…
TIẾP TỤC NÂNG CHẤT
Đứng trước những yêu cầu của quá trình đổi mới giáo dục, bên cạnh những thuận lợi, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học qua nhiều năm đã gây rất nhiều khó khăn cho ngành Giáo dục tỉnh nhà. Bên cạnh đó, một số nhà giáo, đặc biệt là giáo viên lớn tuổi còn hạn chế về năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chậm đổi mới phương pháp giảng dạy…
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo ở các cấp học được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục Tiền Giang. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nhà giáo; thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.
Tiếp tục tham mưu thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, sắp xếp, tuyển dụng, bố trí cán bộ quản lý và giáo viên. Thực hiện việc điều chuyển giáo viên các trường học để cân đối lại đội ngũ giáo viên, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, từ đó có kế hoạch tuyển dụng kịp thời. Bên cạnh đó, ngành sẽ xây dựng chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho quá trình phát triển của tỉnh trong thời gian tới; từng bước hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia giỏi cho ngành GD-ĐT; tạo môi trường làm việc thuận lợi và cơ hội thăng tiến bình đẳng; sử dụng và phát huy hiệu quả sau đào tạo, bố trí nguồn nhân lực chất lượng cao hợp lý.
Tiến sĩ Lê Quang Trí cho rằng, để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay hơn ai hết đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải cố gắng tự thân học tập, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến. Trong giảng dạy, giáo viên cần linh hoạt các phương pháp tích cực, thay đổi cách đánh giá học sinh, tránh theo lối mòn đọc - chép. Bên cạnh đó, giáo viên cần nghiên cứu, tìm hiểu thực tế cuộc sống để gắn kết vào nội dung bài giảng bằng những ví dụ minh họa sống động, thiết thực...
P.PHƯƠNG