Tự hào về ngôi trường 142 năm tuổi
142 năm đã trôi qua với nhiều thăng trầm, biến đổi, nhưng Trường Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Đình Chiểu (tọa lạc TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) vẫn uy nghi tồn tại với truyền thống “Cách mạng - Dạy giỏi - Học giỏi”. Nơi này từng là bến đỗ của những nhà giáo danh tiếng, chiếc nôi ươm mầm ước mơ và là nơi chắp cánh vào đời của nhiều thế hệ học sinh, trong đó có biết bao người thành đạt, cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng trên mọi lĩnh vực ở khắp mọi miền đất nước, cả ở nước ngoài, nhiều người tên tuổi đã ghi vào sử sách.
Đây là ngôi trường lâu đời của cả nước, của vùng đất Nam kỳ xưa. Trường được chính thức thành lập ngày 17-3-1879, tên ban đầu Collège de Mytho, năm 1942 đổi tên Collège Le Myre De Villers và mang tên nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từ năm 1953.
Một góc Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: DUY NHỰT |
COLLÈGE DE MYTHO: NỔI TIẾNG VỀ TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC VÀ ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG
Cùng với truyền thống dạy giỏi và học giỏi, Collège de Mytho nổi tiếng về truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Đây là một trong những đặc điểm nổi bật của Collège de Mytho. Đa số thầy và trò Collège de Mytho có lòng yêu nước nồng nàn, thương đồng bào trước cảnh nước mất nhà tan, căm ghét bọn thực dân xâm lược thống trị, áp bức đồng bào.
Từ năm 1923 - 1925, quyển Bản án chế độ thực dân Pháp và Báo Người cùng khổ của Nguyễn Ái Quốc đã bí mật chuyển đến Mỹ Tho, được giới trí thức, học sinh của trường đón nhận nồng nhiệt. Cũng trong thời gian này, đồng chí Tôn Đức Thắng lãnh đạo “Công hội đỏ” ở Nam kỳ, đã đến làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) - một vùng đất học nổi tiếng ở tỉnh Mỹ Tho, gặp gỡ những trí thức yêu nước, tiến bộ, có tên tuổi như: Mai Bạch Ngọc, Huỳnh Văn Bộ, Trần Năng Nhu… để xây dựng những hạt giống cách mạng cho phong trào giải phóng dân tộc theo học thuyết Mác-Lênin.
Dãy phòng học phía đường Lê Lợi Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu xưa. Ảnh: Tư liệu |
Năm 1925 - 1926, học sinh Collège de Mytho tham gia tích cực phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, làm lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh... Sau cuộc biểu dương lực lượng của học sinh, chính quyền thực dân đã phản ứng gay gắt, bằng cách đuổi 230 học sinh của Collège de Mytho và bắt giam 2 học sinh chỉ huy cuộc đấu tranh.
Chống lại hành động khủng bố của bọn chúng, nhiều học sinh đã gia nhập tổ chức “Nam kỳ học sinh liên hiệp hội”, do những người cộng sản sáng lập; sau đó, là tổ chức “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”, “Thanh niên cộng sản Đoàn” và Đảng Cộng sản Việt Nam, tiêu biểu là học sinh Phạm Văn Thiện (tức đồng chí Phạm Hùng).
Ngày 18-8-1945, cách mạng bùng nổ. Chỉ huy lực lượng khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho là thầy giáo Phan Lương Trực. Các thầy giáo: Diệp Tư, Hàng Nhật Nguyên, Nguyễn Văn Thuận... cũng đã góp phần tích cực vào cuộc khởi nghĩa, giành được thắng lợi và giữ gìn an ninh trật tự ở thị xã Mỹ Tho trong những ngày đầu cách mạng thành công.
Có thể nói, ở tỉnh Mỹ Tho, trí thức, học sinh Collège de Mytho có vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của cách mạng ở địa phương.
Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 vừa diễn ra tại Paris, đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 - 2023 để UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất của các Danh nhân, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. |
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, truyền thống cách mạng của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu ngày càng dày thêm, gắn với những tên tuổi từng là cựu học sinh, trưởng thành từ ngôi trường này, như Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát, Thiếu tướng - Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng, Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Phạm Văn Bạch, Nhà báo Nguyễn An Ninh, Nhà văn Hồ Biểu Chánh… Tiêu biểu nhất là sự kiện học sinh Phạm Văn Thiện - nhà cách mạng Phạm Hùng đã thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Mỹ Tho.
DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH
Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu là một trong những “Lá cờ đầu” của bậc giáo dục trung học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2018 được công nhận “Trường đạt chuẩn Quốc gia” và trường “Đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục” cấp độ 3.
Ảnh: Duy Nhựt |
Với truyền thống dạy giỏi - học giỏi, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đã vinh dự đón nhận: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1987), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1996), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1999), Danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” (năm 2000).
Vừa qua, thêm một vinh dự cho trường: UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Theo đó, trường có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết đảm bảo phục vụ khách du lịch. Sản phẩm và dịch vụ hiện có phục vụ nhu cầu của khách tham quan gồm: Nhà truyền thống, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống thiêng liêng và đầy tự hào của trường; các phòng học được xây dựng từ năm 1880 theo kiến trúc Á Đông; nhà công vụ được xây dựng năm 1920 theo kiến trúc Âu châu; hội quán Collège de Mytho - THPT Nguyễn Đình Chiểu có các dịch vụ cà phê và ẩm thực đặc trưng của Mỹ Tho Đại phố; mô hình giáo dục - đào tạo; giao lưu văn hóa, tham gia các trò chơi dân gian...
HỒNG LÊ