.

Bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi mở cửa trường học

Cập nhật: 08:15, 26/02/2022 (GMT+7)

Chiều 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 với mục tiêu bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học và bảo đảm chất lượng giáo dục. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và phát biểu ý kiến.

Tại phiên giải trình, nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng, việc tổ chức dạy học trực tiếp hay trực tuyến trong bối cảnh dịch đều có những khó khăn. Việc học trực tuyến kéo dài đã có tác động tiêu cực đến tâm lý của học sinh, giáo viên, vì thế cần có phương thức, lộ trình phù hợp. Thời gian kết thúc năm học còn khoảng hơn 3 tháng nữa. Nếu theo đà này, dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh khi học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine. Vì vậy, cần xem xét lợi ích của việc tổ chức học 3 tháng nữa hiệu quả như thế nào, nếu khắc phục được cũng cần cân nhắc để tránh ảnh hưởng đến tổng thể, chứ không chỉ ảnh hưởng sức khỏe người học, chi phí phát sinh.

a
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu ý kiến.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn giải pháp như thế nào để thực hiện? Học sinh quay trở lại trường, ngoài chất lượng giáo dục, tâm lý các em cũng rất nặng nề, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch và thực hiện tư vấn tâm lý học đường cho học sinh như thế nào? Ngoài ra, vấn đề chất lượng giáo dục thế nào khi áp lực giáo viên tăng lên khi vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến rất vất vả; nhiều giáo viên phải cách ly, không có thời gian nghỉ ngơi; nhiều trường gặp khó khăn do chi phí dành cho phòng, chống dịch phát sinh ngày càng nhiều...

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đây là năm học thứ 2 ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, kịp thời chỉ đạo toàn ngành chuyển trạng thái hoạt động, ứng phó với dịch Covid-19 nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục. Cơ bản các địa phương kiểm soát được dịch đã tổ chức dạy học trực tiếp.   

Trong điều kiện các địa phương phải thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch, nhiều học sinh không được đến trường và nhiều cơ sở giáo dục được trưng tập làm cơ sở cách ly tập trung đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác dạy và học. Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tổ chức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, bảo đảm học sinh dừng đến trường nhưng không dừng việc học.

Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục các môn học, hoạt động giáo dục nhà trường, chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục, triển khai các hình thức tổ chức dạy học trực tuyến; trực tiếp kết hợp trực tuyến; dạy học qua truyền hình. Trong quá trình triển khai đã rất linh hoạt và sáng tạo ứng dụng các công nghệ để dạy học trực tuyến như dạy học qua facebook, zalo, email...
Bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi mở cửa trường học -0
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu ý kiến.

Giải trình một số ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là thời điểm ngành giáo dục đứng trước thách thức chưa từng có, khó khăn phát sinh lớn. Mặc dù dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhưng ngành giáo dục cũng rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thường xuyên đi kiểm tra thực tế tại các địa phương, tăng cường trao đổi thông tin với Bộ Y tế để nắm bắt tình hình.

Mong muốn học sinh quay trở lại trường học là mong muốn toàn dân. Nhìn chung, các địa phương rất quan tâm việc chuẩn bị các điều kiện cho học sinh quay trở lại trường, đều có kịch bản, lộ trình, phương án, được học sinh, cha, mẹ học sinh ủng hộ. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn, một số tỉnh điều chỉnh kế hoạch dạy học trực tiếp sang trực tuyến hoặc kết hợp 2 hình thức này.

Dịch bùng phát, quyết tâm của ngành giáo dục, các địa phương rất lớn nhưng tâm lý phụ huynh, học sinh còn lo lắng, ngổn ngang. Mặc dù theo thông tin từ Bộ Y tế là số ca tử vong ở học sinh rất thấp nhưng phụ huynh đều lo sẽ rơi vào con mình và lo học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine. Các cháu mắc nhẹ nhưng hậu Covid-19 sẽ như thế nào là câu hỏi không dễ trả lời. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất quán chỉ đạo đưa học sinh quay trở lại trường mặc dù còn nhiều băn khoăn nhưng xu thế chung là tất yếu, các địa phương cần quan tâm và linh hoạt việc này. Việc lúng túng xử trí khi trong 1 lớp có ca F0, tổ chức bữa ăn bán trú mỗi trường thực hiện một kiểu thì nay đã được thực hiện nhất quán...

Phát biểu ý kiến tại phiên giải trình, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới các mặt đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh; gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70 nghìn sinh viên không thể ra trường đúng hạn.

a
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu ý kiến.

Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của trẻ em, học sinh, đặc biệt là sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập. Ngoài sự chậm trễ trong việc học hành, nhiều trẻ em phải chịu sự cô lập xã hội và mức độ lo lắng tăng cao, thậm chí phải tiếp xúc với lạm dụng và bạo lực; một số nơi, việc đóng cửa trường học đã dẫn đến học sinh bỏ học, đi làm và kết hôn sớm.

Tuy nhiên, việc mở cửa trường học trong bối cảnh hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, đặc biệt là yêu cầu bảo đảm an toàn sức khỏe cho thầy, cô giáo, các em học sinh và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Vì vậy, phiên giải trình cần đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành đối với vấn đề dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19; việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế nói chung, chính sách hỗ trợ ngành giáo dục nói riêng theo tinh thần Nghị quyết số 43 của Quốc hội khoá VI.

Đối với việc thực hiện chủ trương mở cửa trường học, tôi đề nghị làm rõ những khó khăn, thách thức đang đặt ra; các giải pháp để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đội ngũ nhà giáo và người học, nhất là đối với những trẻ em, học sinh dưới 12 tuổi, chưa tiêm vaccine. Nhìn nhận, đánh giá kết quả của việc triển khai cùng lúc các phương thức dạy học, nhất là phương thức dạy học trực tuyến; từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và sự phát triển toàn diện cho học sinh, sinh viên.

Thời gian kết thúc năm học 2021-2022 chỉ còn 3 tháng nữa, còn nhiều vấn đề học sinh, phụ huynh học sinh quan tâm như: việc thi, kiểm tra đánh giá sao cho phù hợp với thực tế hiện nay; yêu cầu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo; vấn đề công bằng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, giữa các nhóm học sinh. Vấn đề chất lượng đội ngũ, chất lượng sách giáo khoa; tiến độ chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dạy học; vấn đề an toàn cho học sinh trên môi trường mạng.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.