.

Hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp sinh viên

Cập nhật: 09:11, 11/02/2022 (GMT+7)

Sau 3 năm thực hiện Quyết định 1665 ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp đến năm 2025”, Trường Đại học Tiền Giang là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường không ngừng hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp bằng nhiều hình thức.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG KHỞI NGHIỆP

Những năm qua, nhà trường đã không ngừng hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bằng nhiều hình thức. Trường đã tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn đào tạo bồi dưỡng kiến thức và cuộc thi khởi nghiệp sinh viên. Cụ thể, phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn về khởi nghiệp với chủ đề “Khởi sự kinh doanh”; phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - Chi nhánh Tiền Giang tổ chức khóa đào tạo về “Thực tập viên tiềm năng - nơi tài năng tỏa sáng”; Chương trình “Hành trình từ trái tim - Hành trình lập chí vĩ đại - Khởi nghiệp kiến quốc” của Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng… Thông qua đó, sinh viên không chỉ được gặp gỡ, giao lưu với những doanh nhân nổi tiếng, mà còn được lắng nghe kinh nghiệm quý giá về khởi nghiệp.

Trường Đại học Tiền Giang tổ chức Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp năm 2020.
Trường Đại học Tiền Giang tổ chức Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp năm 2020.

Bên cạnh đó, Đoàn trường Đại học Tiền Giang và Hội Sinh viên nhà trường phối hợp thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp sinh viên, thường xuyên tổ chức các hoạt động thúc đẩy sinh viên hình thành các ý tưởng khởi nghiệp và làm cầu nối giữa nhà trường với các nhóm sinh viên có dự án khởi nghiệp cần hỗ trợ hoặc tư vấn. Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính và chia sẻ kinh nghiệm cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên.

Tăng cường kết nối với Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh để kịp thời truyền thông, hỗ trợ, hướng dẫn và khuyến khích sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tham gia các cuộc thi. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trường còn có nhiều hoạt động thiết thực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên như tổ chức và tham gia hoạt động của các cuộc thi: “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng”, “Ý tưởng sáng tạo vì quê hương”, Giải thưởng Euréka...

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2021, các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc đã có những hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Phần lớn các cơ sở giáo dục và đào tạo đã xác định việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tạo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, việc thúc đẩy khởi nghiệp còn tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV một cách hiệu quả.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho biết, nhằm khơi gợi tinh thần khởi nghiệp và giúp sinh viên có hành trang vững chắc trước khi dấn thân lập nghiệp, bên cạnh việc giảng dạy, học tập thuần túy, nhà trường đã có không ít hoạt động nâng cao tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên từ lý thuyết đến thực tiễn.

Nhằm ươm mầm khởi nghiệp cho sinh viên cũng như tạo điều kiện cho các bạn tự thân lập nghiệp có cơ hội tìm hiểu và tích lũy kiến thức cần thiết, trường đã nỗ lực rất nhiều trong công tác hỗ trợ sinh viên. Trong đó, có thể kể đến việc nhà trường lồng ghép kiến thức về khởi nghiệp vào những học phần trên lớp, đặc biệt là trong các tiết kỹ năng mềm hay thành lập câu lạc bộ, tổ chức hội thảo, tọa đàm.

KHỞI DẬY TINH THẦN STARTUP

Nhờ có sự hỗ trợ, đồng hành của nhà trường, trong nhiều năm liền, sinh viên Trường Đại học Tiền Giang tham gia và đạt nhiều giải thưởng tại Cuộc thi Mekong Startup của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP. Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức. Cuộc thi phát động ý tưởng khởi nghiệp trong 3 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm và giải pháp kinh doanh.

Cụ thể, sinh viên Trường Đại học Tiền Giang đã tham gia cuộc thi với các đề tài, như: Lập kế hoạch kinh doanh cơm xốp ăn liền của Công ty TNHH Rice Food; bán bánh dân gian Nam bộ trực tuyến; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mứt thanh long ruột đỏ sấy dẻo; kinh doanh dịch vụ sinh viên tri thức trẻ; dịch vụ tư vấn áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao…

Đặc biệt năm 2020, trường có 2 đề tài của sinh viên đoạt giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka”, gồm: Giải Nhất cho Đề tài “Chọn tạo dòng lúa than thơm bằng phương pháp hồi giao kết hợp chỉ thị phân tử” và giải Nhì với Đề tài “Xây dựng quy trình chế biến trà thảo mộc tía tô”…

 

Nhằm hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 119 ngày 13-5-2021 về việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối tượng được hỗ trợ, gồm: HSSV đang học nghề nghiệp tại các các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cán bộ quản lý, nhà giáo, người làm công tác tư vấn, hỗ trợ HSSV khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ HSSV khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích các cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp tình nguyện tham gia công tác tư vấn, hỗ trợ HSSV.

Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo làm công tác hướng nghiệp tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện. Tổ chức biên soạn tài liệu, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về khởi nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn của giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích các trường trung cấp, cao đẳng xây dựng chuyên đề khởi nghiệp và đưa vào chương trình đào tạo (bắt buộc hoặc tự chọn) phù hợp với thực tiễn từng đơn vị...

VĨNH SƠN

.
.
.