.

Tiền Giang: Học sinh trở lại trường an toàn, ổn định

Cập nhật: 14:35, 14/02/2022 (GMT+7)

Sau hơn 1 tuần triển khai việc học trực tiếp cho học sinh từ khối 7 đến 12 trên địa bàn toàn tỉnh, đã có trên 99% học sinh trở lại trường. Dự kiến tới đây, nếu được sự đồng ý của UBND tỉnh, trong tuần thứ 3, thứ 4 của tháng 2-2022, học sinh bậc tiểu học và mầm non sẽ đến trường học trực tiếp.

 Học sinh Trường THCS Tân Phú, huyện Tân Phú Đông  trở lại trường học sau Tết Nguyên đán 2022.
Học sinh Trường THCS Tân Phú, huyện Tân Phú Đông trở lại trường học sau Tết Nguyên đán 2022.

HÀO HỨNG ĐẾN TRƯỜNG

Trong tuần đầu tiên của năm mới, không khí học tập đã diễn ra sôi nổi ở các trường THCS và THPT. Học sinh từ khối 7 đến 12 đến trường với tâm thế vui tươi, phấn khởi, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Chợ Gạo Phan Thành Thương cho biết, nhà trường sử dụng 34 phòng học cho học sinh các khối lớp 7, 8, 9 và tổ chức học 2 buổi sáng, chiều. Các lớp được bố trí cách phòng với nhau để đảm bảo giãn cách, riêng khối lớp 6 tiếp tục học trực tuyến. Qua 1 tuần đến trường, sức khỏe của học sinh đều ổn định, các em hăng hái tham gia những hoạt động học tập. Trong tuần qua, học sinh của trường được giáo viên ôn tập các kiến thức học trực tuyến trước khi dạy kiến thức mới.

“Nhờ làm tốt công tác đưa học sinh khối 9 trở lại trường vào thời điểm trước tết, nhà trường đã tích lũy nhiều kinh nghiệm cùng với thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền nên phụ huynh học sinh khối lớp 7, 8 cũng yên tâm cho con đến trường. Thông qua giáo viên chủ nhiệm ở các khối lớp, phụ huynh sẽ báo cáo tình hình sức khỏe của học sinh để nhà trường nắm; ngược lại, nhà trường thông tin đến phụ huynh nếu học sinh ở trường có biểu hiện bất thường về sức khỏe”, thầy Thương cho biết thêm.

Em Nguyễn Tuấn Khang, học sinh Trường THCS Thị trấn Chợ Gạo cho biết: “Qua 1 tuần đến trường, em thấy rất hào hứng vì được gặp lại thầy cô, bạn bè, được nghe các thầy cô giảng bài trực tiếp. Nếu như trước đây, giờ ra chơi được  đùa giỡn thì hiện nay học sinh chúng em đa phần nghỉ ngơi tại chỗ. Mỗi ngày đến lớp, em đều mang khẩu trang, đem theo nước uống, nước rửa tay sát khuẩn để phòng dịch và bảo vệ sức khỏe bản thân”.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, một phụ huynh ngụ thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, cho biết, sau 1 tuần học sinh trở lại trường, gia đình rất yên tâm, bởi ngoài việc các em được tiêm 2 mũi vắc xin, thì công tác phòng, chống dịch ở trường rất tốt, các khối lớp được bố trí cách phòng với nhau. Giáo viên của trường rất nhiệt tình, tận tâm khi phụ huynh liên hệ để nắm bắt tình hình của con em mình.

Đối với huyện Cai Lậy, học sinh các khối lớp 7, 8, 9 do Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện quản lý cũng đã trở lại trường học với tỷ lệ trên 98% trong tuần đầu tiên đi học trực tiếp. “Quy trình xử lý các tình huống phát sinh do dịch bệnh trong nhà trường đã có và được tập huấn rất kỹ lưỡng. Học sinh đến trường tuân thủ 5K, cùng với đó là công tác tuyên truyền phối hợp hiệu quả giữa phụ huynh với nhà trường, cộng đồng đạt kết quả tốt, giúp các em học sinh đi học trực tiếp an toàn”, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cai Lậy Huỳnh Văn Chẳng cho hay.

Theo Sở GD-ĐT, qua 1 tuần cho học sinh đi học trở lại, 164 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ học sinh đến trường đạt khá cao, trên 98% ở 2 khối THCS và THPT. Những học sinh vắng học trực tiếp đều có lý do hợp lý, chủ yếu là các em bị bệnh và được bố trí học trực tuyến tại nhà, rất ít trường hợp các em không chịu đến trường do lo lắng về dịch bệnh.

TIẾP TỤC ĐÓN HỌC SINH CÁC BẬC HỌC KHÁC ĐẾN TRƯỜNG 

Các bước xử lý khi phát hiện học sinh mắc Covid-19 tại cơ sở giáo dục

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), khi phát hiện có học sinh mắc Covid-19 trong trường học, nhà trường cần tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh, khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Các lớp khác hoạt động bình thường.

Đây là hướng dẫn mới vừa được Bộ GD-ĐT phê duyệt tại Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Trong sổ tay mới này, Bộ GD-ĐT hướng dẫn cách ứng phó của nhà trường khi có trường hợp bệnh nghi ngờ trong trường học.

Cụ thể, khi phát hiện có học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên, người lao động của nhà trường có một trong các triệu chứng như sốt, ho, khó thở (người nghi ngờ) tại trường học, nhà trường cần thực hiện theo các bước sau:

Đưa người nghi ngờ đến khu cách ly riêng trong phòng y tế, hoặc khu vực do nhà trường bố trí. Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 1 m với những người khác.

Nhân viên y tế, giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học đeo khẩu trang y tế, găng tay, sử dụng trang phục y tế; cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho người nghi ngờ, thông báo kịp thời cho cơ quan y tế để có biện pháp xử trí.

Bộ GD-ĐT cũng hướng dẫn cách xử trí khi phát hiện học sinh mắc Covid-19 trong trường theo 4 bước:

Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Tổ an toàn Covid-19 của Sở GD-ĐT và cha mẹ học sinh; tiếp tục cách ly tạm thời F0. Thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0. Nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SpO2 dưới 97% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị Covid-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ thì tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa con mình về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp nhận xử lý.

Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên, không quá 3 người/mẫu. Các lớp khác hoạt động bình thường.

Bước 4: Cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 647 ngày 16-11-2021 về điều chỉnh thời gian cách ly y tế đối với F1.
Đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: Nếu có 1 ca dương tính với Covid-19 thì cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định.               

P.V

Qua 1 tuần mở rộng thêm cho học sinh các khối lớp 7, 8, 10, 11 đi học trực tiếp tại các địa phương, tình hình ở các trường học dần đi vào nền nếp, ổn định.

Các trường đang thực hiện theo hướng dẫn về phòng, chống dịch ban hành khi mở cửa trường học và nhận được sự đồng thuận rất cao từ phụ huynh. Đây là cơ sở để Sở GD-ĐT phối hợp cùng ngành Y tế, các địa phương của tỉnh tham mưu đề xuất lãnh đạo tỉnh cho học sinh từ khối 6 trở xuống đi học trở lại.

Theo đó, Sở GD-ĐT đã trình lãnh đạo tỉnh về việc tổ chức dạy học trực tiếp ở các cơ sở giáo dục từ ngày 21-2. Nếu được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh, bên cạnh các khối lớp 7 đến 12, ngành Giáo dục dự kiến sẽ tiếp tục đón học sinh các bậc học còn lại gồm các khối lớp 1, 2, 5, 6 và trẻ mầm non 5 tuổi trở lại trường; tiếp tục ngày 24-2, sẽ mở cho học sinh lớp 3, 4 và trẻ mầm non dưới 5 tuổi trở lại trường.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, những ngày đầu năm mới, học sinh từ lớp 7 đến 12 đến trường ổn định và đi vào nền nếp học tập với tỷ lệ rất cao.

Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục tỉnh đã có tờ trình xin ý kiến lãnh đạo tỉnh về việc tiếp tục cho học sinh các khối lớp còn lại được đến trường trên tinh thần tạo sự đồng thuận từ phụ huynh, dự kiến ở 2 mốc thời gian là ngày 21 và 24-2.

Lộ trình mở cửa trường học của Tiền Giang được thực hiện theo từng bước chắc chắn với phương châm mở đến đâu là phải an toàn đến đó, không ồ ạt chạy theo số lượng hay tiến độ. Trong thời gian tới đây, ngành Giáo dục tỉnh đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thăm dò ý kiến, chuẩn bị tốt các điều kiện để tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Thích ứng an toàn với dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực tìm các giải pháp để từng bước đưa học sinh trở lại trường. Hơn bao giờ hết, trong giai đoạn hiện nay, ngành Giáo dục rất cần sự chung tay của toàn xã hội để việc đi học trở lại của học sinh được an toàn, đảm bảo chất  lượng dạy và học.

Đ. PHI

.
.
.