Thứ Sáu, 04/03/2022, 10:03 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Trường học an toàn, học sinh yên tâm

Sau gần 2 tuần tổ chức dạy học trực tiếp, tỷ lệ học sinh các khối lớp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến trường đạt trên 90%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục đã siết chặt công tác phòng, chống dịch, tạo tâm thế thoải mái, an tâm cho học sinh và phụ huynh. Cùng với đó, các trường học đã đẩy mạnh củng cố kiến thức, thực hiện chương trình học kỳ II, năm học 2021 - 2022.

Học sinh Trường THCS - THPT Đoàn Trần Nghiệp, huyện Gò Công Tây đến trường học trực tiếp.
Học sinh Trường THCS - THPT Đoàn Trần Nghiệp, huyện Gò Công Tây đến trường học trực tiếp.

LINH HOẠT THÍCH ỨNG 

Dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, việc đảm bảo an toàn cho trường học, tạo sự yên tâm cho học sinh học tập luôn được ngành Giáo dục đặt lên hàng đầu. Trong gần 2 tuần tổ chức dạy học trực tiếp, Trường Tiểu học Phú Cường, huyện Cai Lậy có trên 99% học sinh đã đi học trở lại.

Theo cô Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, tại 2 cơ sở của trường trong mỗi buổi học đều bố trí giáo viên phân luồng, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho học sinh. Đối với phụ huynh rước con thì phải dừng trước cổng trường, không được vào khuôn viên trường khi không thật sự cần thiết. Nhìn chung, trong 2 tuần đầu, học sinh đến trường an toàn, yên tâm học tập.

Huyện Cai Lậy hiện có 48 trường từ bậc mầm non đến THCS. Trong khoảng 2 tuần đầu tổ chức cho học sinh các khối học trực tiếp, tỷ lệ học sinh đến trường các bậc học THCS, tiểu học, mầm non của huyện lần lượt đạt 99%, 98% và 90%.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Cai Lậy Huỳnh Văn Chẳng cho biết: “Hai tuần mở cửa trường học trở lại diễn ra thuận lợi, tỷ lệ học sinh đến trường khá cao. Các cơ sở giáo dục luôn xác định công tác tuyên truyền là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu. Thông qua hệ thống loa, các cơ sở giáo dục đã tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh, học sinh tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19”.

Còn tại huyện Gò Công Tây, tỷ lệ học sinh các bậc học đến trường trong 2 tuần qua luôn đạt trên 90%. Huyện cũng vừa tập huấn phương án phòng, chống dịch Covid-19 cho hiệu trưởng các trường học trên địa bàn huyện.

Cô Lê Thị Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Văn Phèn cho biết: “Công tác vệ sinh, khử khuẩn được nhà trường đảm bảo thực hiện thường xuyên. Chúng tôi đã quán triệt đầy đủ phương án phòng, chống dịch, các văn bản, khuyến cáo của ngành Y tế, đặc biệt là vấn đề nếu có ca nhiễm và ca nghi nhiễm trong trường học sẽ xử lý như thế nào để cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nắm rõ”.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, qua 2 tuần đồng loạt mở cửa trường học, tỷ lệ học sinh đến trường ở các bậc học tương đối cao; trong đó, bậc mầm non trên 85%, bậc tiểu học trên 96%, bậc THCS và THPT trên 98%. Nhiều địa phương có tỷ lệ trẻ mầm non, học sinh tiểu học đi học trở lại với tỷ lệ cao như các huyện Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Tây…

TẬP TRUNG HOÀN THÀNH NĂM HỌC 

Đến thời điểm hiện tại, 532 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đồng loạt mở cửa trường học cho học sinh các bậc học đi học trực tiếp. Bên cạnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, các trường đã đẩy mạnh nội dung thực hiện chương trình học kỳ II để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Theo Hiệu trưởng các trường tiểu học, so với các bậc học khác, bậc tiểu học hiện nay đang chịu rất nhiều áp lực, trong đó có 2 áp lực lớn là các trường phải đảm bảo tiến độ chương trình và chất lượng học tập của học sinh. Thực tế, qua 2 tuần dạy học trực tiếp tại các trường cho thấy, với học sinh lớp 1 vẫn còn nhiều học sinh chưa biết đọc, chưa biết viết. Ngay cả những kỹ năng cơ bản như ngồi học đúng tư thế, cầm viết đúng kiểu, viết chữ đúng nét… cũng phải luyện lại từ đầu.

Một cán bộ quản lý ở một trường tiểu học tại huyện Châu Thành cho biết: “Trong tuần đầu trở lại trường học trực tiếp vẫn có học sinh lớp 1 khóc như trẻ mẫu giáo, các cô phải dỗ dành. Có em trong thời gian học trực tuyến do không được cha mẹ quan tâm, phối hợp kèm cặp nên đã hết học kỳ 1, sang học kỳ 2 mà vẫn chưa biết đọc, chưa biết viết.

Chính vì vậy, hiện tại, không ít giáo viên đang chịu nhiều áp lực và mất thời gian trong việc chỉ dạy cho từng đối tượng học sinh. Thực ra trong thiết kế chương trình vẫn có một tuần đệm để dự phòng, nếu việc dạy học trực tuyến đảm bảo dạy đủ nội dung chương trình thì khi học sinh trở lại trường, có thể sử dụng tuần đệm cho việc ôn tập. Việc chạy hết chương trình là không khó nhưng vì chất lượng của học sinh nên giáo viên khối lớp 1 đang rất cố gắng kèm cặp cho học sinh, nhất là với các em chưa biết đọc, chưa biết viết”.

Với các khối lớp THCS và THPT sau khi đi vào nền nếp ổn định cũng đã tiếp tục thực hiện chương trình còn lại của học kỳ II ở tuần học 22. Dự kiến trong khoảng cuối tháng 3, các trường sẽ cho học sinh tiến hành làm bài kiểm tra định kỳ giữa học kỳ II.

Riêng với học sinh khối 9 và 12, bên cạnh việc học chính khóa trên lớp, một số trường đã khởi động công tác ôn tập, hệ thống hóa kiến thức để chuẩn bị cho các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT tới đây.

Thầy Lê Mạnh Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho cho biết: “Ở từng bộ môn, trường đã chỉ đạo các thầy cô rà soát xem học sinh bị hụt kiến thức chỗ nào để kịp thời bổ sung, điều chỉnh giúp các em lấy lại kiến thức và học tốt ở chương trình học kỳ II”.

Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn thì Ban Giám hiệu các trường cần có sự quan tâm hơn nữa khi các em đến trường học trực tiếp.

Ngoài bám sát chương trình, đảm bảo chất lượng thì các trường phải chú ý quan tâm đến những học sinh còn yếu về kiến thức, thực hiện bồi dưỡng, phụ đạo, giúp các em có thể nắm kiến thức căn bản, tránh để các em rơi vào trạng thái học dồn ép sẽ gây ảnh hưởng đến việc học tập của các em ở các bậc học sau, nhất là đối với học sinh khối lớp 1.

ĐỖ PHI

.
.
Mẫu áo đồng phục Mẫu áo lớp Hải Anh
.