.

Cùng học sinh vượt qua áp lực

Cập nhật: 08:42, 12/04/2022 (GMT+7)

Những câu chuyện về giáo dục luôn là tâm điểm được dư luận quan tâm, trong đó vấn đề làm sao cùng học sinh vượt qua áp lực là câu chuyện không chỉ của ngành Giáo dục mà cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

* TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO (GD-ĐT) TỈNH TIỀN GIANG:

Linh hoạt trong dạy và học, không tạo áp lực

 

Khi tổ chức cho học sinh trở lại trường, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tuyệt đối không để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp học sinh không may bị F0.

Tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi theo những văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT phù hợp với điều kiện của từng trường và đối tượng học sinh; tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh, đặc biệt nghiêm cấm việc gây áp lực bắt học sinh học thêm.

Các trường tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa.

Bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường, các thầy, cô giáo trong việc điều chỉnh chương trình giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trọng tâm, giảm tải áp lực học tập cho các em thì rất cần sự đồng hành của gia đình, cha mẹ phải dành thời gian gần gũi, quan tâm để hiểu, kịp thời chia sẻ, giúp con mình luôn lạc quan, yêu đời và biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống cũng như việc học tập.

* THẦY HUỲNH NGỌC MINH, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU:

Nắm bắt nguyện vọng học sinh Nhà trường có

 

Diễn đàn “Nghe học sinh nói, nói học sinh nghe” và “Hộp thư xanh” nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em học sinh. Thực tế từ diễn đàn này, đã có rất nhiều ý kiến của các em về mong muốn, kỳ vọng ở gia đình và nhà trường. Nhà trường đã giải đáp cụ thể, tư vấn cho học sinh nhiều vấn đề về xây dựng trường lớp, học tập, xây dựng tình bạn trong sáng, lành mạnh và tư vấn tâm lý trong một số tình huống.

Bên cạnh đó, trong mỗi ngày lên lớp, bên cạnh giảng dạy, giáo viên phải bao quát lớp, nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh để chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ các em kịp thời. Nếu có vấn đề nào mà học sinh cần gặp riêng để trao đổi, giáo viên luôn sẵn sàng lắng nghe học sinh, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn mà các em đang gặp phải.

* THẠC SĨ TÂM LÝ HỌC CAO THỊ MỘNG THANH TRINH, TRƯỜNG ĐẠI HỌC TIỀN GIANG:

Luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con

 

Theo các nhà nghiên cứu, trong điều kiện phát triển của xã hội hiện đại thì cảm xúc của học sinh cần phải được quan tâm nhiều hơn, trong đó người cần quan tâm hơn cả chính là cha mẹ. Trong mọi vấn đề tôi cho rằng cần xác định nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. Đối với học sinh bậc THCS, THPT là lứa tuổi luôn muốn khẳng định mình. Ví dụ như con thích kiểu áo thời trang mà theo cha mẹ là không phù hợp nhưng với con thì lại đẹp và đang là mốt thời trang ở lứa tuổi của con. Hay có những việc con có suy nghĩ chưa đúng nhưng lại muốn làm thì cũng nên chấp nhận để con làm, nhưng cha mẹ phải quan tâm dõi theo và định hướng, giải thích, phân tích cho con hiểu đúng, sai.

Tôi cho rằng, việc của cha mẹ cần làm là hiểu tâm lý của con để có thể tư vấn, định hướng cho con nhưng hãy để con quyết định. Và quan trọng là xem con như một người bạn, phải bình đẳng và thật sự tôn trọng ý kiến của con, chứ không phải cha mẹ dụ cho con nói xong rồi chửi mắng, thì khó có lần sau để được con chia sẻ.

Ngay cả khi cư xử hằng ngày trong gia đình thì cha mẹ cũng trả lời con với thái độ của một người bạn, chứ nếu trả lời với tư cách là người cha, người mẹ khó khăn, luôn quát mắng con thì sẽ khiến cho con không còn muốn chia sẻ những suy nghĩ của mình, quá áp lực, căng thẳng mà không được giải tỏa lâu ngày sẽ dẫn đến trầm cảm, thậm chí là những hành động tiêu cực.

* ANH NGUYỄN TRUNG THẢO, PHƯỜNG 10, TP. MỸ THO:

Quan tâm con mỗi ngày

 

Vợ chồng tôi có 2 đứa con, con trai lớn đang học lớp 10, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu và bé gái học lớp 5, Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân. Ngoài giờ đi làm ở cơ quan, về nhà tôi thường trồng cây xanh, tạo các dụng cụ đồ chơi và không gian riêng cho gia đình trên sân thượng - nơi các thành viên trong gia đình thường quây quần bên nhau vào 19 giờ hằng ngày, để cùng hỏi thăm nhau về các hoạt động trong ngày, nhất là việc học hành cũng như các mối quan hệ bạn bè và những khó khăn mà các con cần cha mẹ giúp đỡ tháo gỡ. Điều này đã tạo sự gắn kết các thành viên trong gia đình và trở thành nếp nhà của tôi nhiều
năm qua.

Vợ chồng tôi không bao giờ gây áp lực cho con trong học tập cũng như trong cuộc sống. Dù không hỗ trợ cho con nhiều trong việc học vì chương trình giáo dục bây giờ khác trước nhiều nhưng vợ chồng tôi luôn động viên, đồng hành, cố gắng “làm bạn” để trở thành chỗ dựa tinh thần cho các con. Theo tôi, hiện nay, chính cuộc sống bận rộn đã khiến cho nhiều cha mẹ bị cuốn theo công việc mà chưa dành thời gian quan tâm con mình một cách thỏa đáng. Điều này dễ gây cho trẻ cảm giác cô đơn, lạc lỏng ngay chính trong ngôi nhà của mình và dẫn đến những suy nghĩ, hành động
tiêu cực.

GIA TUỆ - PHƯƠNG NAM


 

.
.
.