.
NCS TÂM LÝ NGUYỄN GIANG LAM, GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC TIỀN GIANG:

Áp lực học tập của học sinh còn xuất phát từ sự kỳ vọng của người lớn

Cập nhật: 16:22, 05/04/2022 (GMT+7)

(ABO) Thời gian qua, vấn đề học sinh tự tử do áp lực học tập không còn là cá biệt. Đặc biệt, ngày 1-4 vừa qua, nam sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam nhảy lầu tự tử ngay trước mặt người thân, một lần nữa hồi chuông về áp lực học hành của trẻ em tiếp tục được giống lên. Chia sẻ về vấn đề này, Nghiên cứu sinh (NCS) Tâm lý Nguyễn Giang Lam, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang cho biết:

a
NCS Nguyễn Giang Lam.

Câu chuyện của nam sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam nhảy lầu tự tử vì áp lực từ nhiều phía, thật sự rất đau lòng và tất cả chúng ta đều phải suy nghĩ để nhận thức và ứng xử đúng hơn. Áp lực từ học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội tất yếu tồn tại trong cuộc sống mỗi cá nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể bình tĩnh đối mặt, suy nghĩ tích cực và có kỹ năng giải quyết các vấn đề của chính mình. Đặc biệt là các bạn học sinh phổ thông, kinh nghiệm thực tế chưa nhiều.

Ngày nay, các bạn đang trưởng thành trong hoàn cảnh thuận lợi, được quan tâm, yêu thương và bảo trợ từ người thân. Chính vì vậy, các bạn ít tương tác với các vấn đề, tự mình độc lập giải quyết để hiểu sâu và nâng cao khả năng, bản lĩnh của chính mình.

Điều này sẽ dẫn đến những áp lực mà người lớn nghĩ rằng bình thường thì lại là quá sức chịu đựng đối với các bạn học sinh, thiếu hụt kỹ năng chấp nhận và giải quyết vấn đề sẽ đẩy các bạn đến suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc thái quá và hành động chưa phù hợp.

Mặt khác, người lớn đôi khi quên mất sự trưởng thành của học sinh rất khác với hoàn cảnh của chúng ta trước đây, vì vậy người lớn không nhận ra biểu hiện áp lực, trầm cảm của học sinh ở các mức độ khác nhau là điều cần để tâm và hỗ trợ trẻ.

* Phóng viên (PV): Theo cô, những áp lực trong học tập của trẻ đến từ đâu và có nên tạo áp lực như thế cho trẻ em?

* NCS Nguyễn Giang Lam: Trước tiên, áp lực học tập đến từ bản thân việc học, bởi vì học tập là sự lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng, từ nền tảng đến nâng cao dần. Bên cạnh đó, khi nền giáo dục hiện đại chú trọng phát huy sự chủ động, tích cực của người học, học sinh sẽ luôn được khuyến khích tự mình khám phá những tình huống học tập, phát hiện vấn đề, thay vì lắng nghe người khác giải thích và ghi nhớ. Tất yếu, việc học sẽ mở rộng độ khó không giới hạn, áp lực học tập sẽ không ngừng gia tăng.

a
Nếu như, các bạn học sinh chưa nhận ra thế mạnh của mình, chỉ nhìn thấy những yếu kém và khuyết điểm cá nhân so với người khác, các bạn tự đẩy mình vào áp lực. Ảnh: P. CÔNG

Điều thứ hai, học sinh đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, thông tin gia tăng với tốc độ nhanh và khối lượng lớn, phương thức kết nối thông tin đa dạng. Sự hiểu biết của các bạn là vô hạn và cũng rất chênh lệch. Điều này sẽ diễn ra trên lớp học thực tế, sự phân tầng về trình độ nhận thức và năng lực ứng xử giữa học sinh, các bạn muốn khẳng định bản thân, sẽ luôn đặt mình trong trạng thái so sánh với người khác. Nếu như, các bạn học sinh chưa nhận ra thế mạnh của mình, chỉ nhìn thấy những yếu kém và khuyết điểm cá nhân so với người khác, các bạn tự đẩy mình vào áp lực, đôi khi mất kiểm soát và nghiêm trọng hơn là tự ti, mặc cảm, thu mình vào thế giới riêng.

"Mặt khác, áp lực học tập của học sinh còn xuất phát từ sự kỳ vọng của người lớn như giáo viên và phụ huynh trong gia đình. Tình yêu thương và sự kỳ vọng đôi khi gia tăng theo cùng hướng, người lớn vô tình đưa học sinh vào tình huống khó khăn. Chúng ta càng yêu thương, tự hào về trẻ, thì sự kỳ vọng về thành tích trẻ đạt được sẽ càng cao. Nếu người lớn không thấu hiểu những khó khăn này của học sinh, chúng ta đẩy học sinh đến áp lực học tập là tất yếu."

                                                                                                   NCS NGUYỂN GIANG LAM

Trong hành trình trưởng thành mỗi người, áp lực sẽ là động lực thúc đẩy nếu chúng vừa sức và phù hợp với nguyện vọng phấn đấu của cá nhân. Áp lực học tập cũng vậy, sẽ trở thành nền tảng cho sự tiến bộ khi học sinh phát hiện và cảm nhận năng lực của bản thân có thể chấp nhận và từng bước vượt qua. Trong mỗi bước vượt qua thử thách có người lớn đồng hành, thấu hiểu, khuyến khích, học sinh sẽ tự tin và vững vàng đối mặt. Ngược lại, những áp lực học tập, học sinh không có ai bên cạnh hỗ trợ hay khích lệ, các bạn sẽ rơi vào bế tắc, căng thẳng và mất khả năng kiểm soát hành động. Điều này tạo nên những rối loạn về khả năng nhận thức, rối loạn cảm xúc và hành động tiêu cực.

* PV: Việc áp lực trong học hành của trẻ em sẽ ảnh hưởng như thế nào đến phát triển thể chất và tinh thần của các em, thưa cô?

* NCS Nguyễn Giang Lam: Áp lực trong học tập của học sinh nếu không được người lớn phát hiện và hỗ trợ kịp thời, các bạn sẽ chuyển biến nhanh từ mức độ căng thẳng nhẹ sang mức độ nghiêm trọng và trầm cảm sâu.

Ví dụ, trên lớp học, nếu giáo viên không phát hiện hệ thống câu hỏi hoặc bài tập của mình chuyển giao đến học sinh quá khó, học sinh không làm bài được, lại không thể tìm kiếm sự chỉ dẫn của giáo viên. Trường hợp này, nếu giáo viên liên tục phê bình và thậm chí quy gán các bạn vào lười tư duy và năng lực kém cỏi. Sự chuyển biến mức độ áp lực của học tập sẽ nghiêm trọng hơn và đẩy học sinh đến chán ghét môn học, bộc lộ hành vi chống đối và mất kiểm soát cảm xúc bản thân.

Điều này cũng xảy ra tương tự, nếu phụ huynh đặt kỳ vọng vào thành tích không phù hợp với năng lực của học sinh. Và một người có quá nhiều áp lực học tập, họ sẽ luôn trong trạng thái căng thẳng, suy nghĩ không thấu đáo, nhạy cảm quá mức và hành vi gây hấn với mọi người xung quanh, thay vì tập trung vào giải quyết vấn đề. Trạng thái căng thẳng vốn không có lợi về cả tâm lý lẫn sinh lý thể chất.

a
Áp lực trong học tập phù hợp với nguyện vọng của học sinh sẽ tạo động lực thúc đẩy học sinh nỗ lực rèn luyện mình. Ảnh: P. CÔNG

* PV: Theo cô, giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề áp lực trong học tập để trẻ em được cân bằng giữa học hành và vui chơi, giải trí đúng theo lứa tuổi?

* NCS Nguyễn Giang Lam: Áp lực trong học tập phù hợp với nguyện vọng của học sinh sẽ tạo động lực thúc đẩy học sinh nỗ lực rèn luyện mình. Đi cùng với áp lực học tập, học sinh luôn cần vai trò định hướng, đồng hành của người lớn có thể thấu hiểu, gợi ý và khích lệ các bạn.

Điều tất yếu trong cuộc sống của mỗi học sinh, các bạn cần tham gia vào đa dạng các loại hình hoạt động. Học tập ở trường để cầu tiến và phát huy năng lực khoa học của bản thân, bên cạnh đó học sinh cũng rất cần tham gia các loại hình hoạt động khác như hoạt động xã hội, vui chơi giải trí, giao tiếp xã hội, lao động để cân bằng cuộc sống và hoàn thiện chính mình.

Người lớn cần thấu hiểu sự cân bằng có ý nghĩa quan trọng, nếu sau học tập căng thẳng, học sinh không có bất kỳ loại hình giải trí phù hợp, cuộc sống sẽ không còn những điều thú vị. Nếu học sinh chỉ chú trọng vào học tập và mất đi sự kết nối với thiên nhiên, với người khác, các bạn sẽ không có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Một người không cảm nhận được hạnh phúc, đồng nghĩa sẽ vô cảm với bản thân và mọi người xung quanh.

Và để mỗi ngày không còn áp lực học tập nặng nề, chúng ta nên hướng dẫn học sinh cách lập kế hoạch công việc một cách khoa học, trực quan kế hoạch này và quyết tâm thực hiện theo tiến độ thời gian đã xác định. Trong kế hoạch cần chú trọng cân đối và đan xen thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi, thư giãn.

* PV: Một số người cho rằng không chỉ có học sinh là nạn nhân của áp lực, mà ngay cả phụ huynh cũng là nạn nhân, chịu nhiều áp lực về kết quả học tập của con em mình. Ý kiến của cô về vấn đề này như thế nào?

* NCS Nguyễn Giang Lam: Tôi đồng ý với nhận định trên. Ngoại trừ, những phụ huynh ích kỷ, không đặt sự quan tâm ở con của mình, thay vào đó là công việc, địa vị, kinh tế, mối quan hệ xã hội của bản thân, mới không cảm nhận được áp lực này. Bản chất nền tảng yêu thương của gia đình, học sinh và phụ huynh là mối liên hệ gắn bó, không tách rời về tình cảm và trách nhiệm. Phụ huynh vì yêu thương và tự hào về con nên sẽ kỳ vọng trẻ thành công hơn mỗi ngày. Bản thân học sinh, thấu hiểu được tình cảm sâu sắc này, các bạn cũng sẽ nỗ lực không ngừng để nhìn thấy người thân của mình hạnh phúc.

Chúng ta thấu hiểu áp lực của phụ huynh hiện nay, khoa học công nghệ càng phát triển, đất nước hội nhập quốc tế, tất yếu thế hệ trẻ về sau muốn trở thành người thành công, các bạn phải thật sự giỏi và sáng tạo. Đó là lý do phụ huynh luôn mong đợi con của mình phải hoàn thiện và ưu tú về nhiều mặt. Tuy nhiên, mỗi cá nhân người học sẽ có những phẩm chất và năng lực rất khác nhau, phụ huynh cần nhận biết ưu và khuyết điểm của con để định hướng đúng và chấp nhận những giới hạn của con không thể nổi trội.

Áp lực của phụ huynh cũng cần được xã hội quan tâm, bởi lẽ, người lớn phải luôn là chỗ dựa tinh thần, người dẫn dắt và đồng hành cùng học sinh. Nếu học sinh không hiểu và chia sẻ trách nhiệm cùng phụ huynh hoặc phụ huynh không nhận thức đúng khả năng của con, đặt ra kỳ vọng quá lớn, chưa phù hợp nguyện vọng của con, mối quan hệ này sẽ ngày càng xa cách. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, mâu thuẫn gia đình thêm sâu sắc, tạo nên những áp lực tổng hợp và phức tạp mà dù học sinh hay người trưởng thành đều khó khăn để vượt qua.

* PV: Xin cảm ơn cô!

THIÊN QUANG (thực hiện)


 

.
.
.