.

Ôn tập thi tốt nghiệp THPT: Hiệu quả từ đề tham khảo

Cập nhật: 16:00, 24/04/2022 (GMT+7)

Từ phân tích đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, các thầy cô đưa ra những lời khuyên hữu ích, giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất kiến thức cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

b

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Thế Đại

Học có trọng điểm

Cô Dương Thị Thanh Hà, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp, cho biết: Đề tham khảo môn Tiếng Anh năm 2022 giữ ổn định cấu trúc như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Kiến thức trong đề bao quát gần như toàn chương trình học. Mức độ đề không quá khó đối với học sinh trung bình khá. Phần khó trong đề rơi vào dạng câu hỏi: Từ cùng trường nghĩa, từ dễ gây nhầm lẫn, thành ngữ và dạng câu hỏi phỏng đoán.

Từ phân tích đề tham khảo, theo cô Dương Thị Thanh Hà, để đạt được từ 6 điểm trở lên, học sinh cần học chắc các chuyên đề ngữ pháp và từ vựng trong sách giáo khoa. Đồng thời, các em nên luyện giải nhiều đề. Nên học từ vựng, học càng nhiều càng tốt và tập trung vào các chủ đề đọc hiểu thường được ra trong đề thi. “Nên học có trọng điểm, học đến đâu chắc đến đó và tùy vào từng mục tiêu để xác định nội dung ưu tiên cho phù hợp”, cô Hà đưa lời khuyên.

Giảng dạy môn Địa lý, cô Nguyễn Thị Út, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ, cho rằng: Bộ GD&ĐT ban hành đề tham khảo giúp học sinh nắm được cấu trúc đề thi theo ma trận đã được Bộ GD&ĐT xây dựng ở các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Đây là đề thi nhằm mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng dạy học ở bậc THPT nên bám sát kiến thức cơ bản trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, nhưng vẫn có phần phân hóa nằm ở nhóm câu hỏi thuộc mức vận dụng, vận dụng cao, chiếm 10 - 15% tổng nội dung đề thi.

Với mức độ trên, cô Nguyễn Thị Út cho hay: Nhóm bộ môn cần nghiên cứu, phân tích kỹ đề thi tham khảo để định hướng ôn tập phù hợp. Cùng với đó, tìm ra các phương pháp ôn tập mới để thu hút học sinh đến lớp và chú ý hơn trong giờ ôn tập. Đối với học sinh còn yếu phần kỹ năng, giáo viên cần tiếp tục rèn luyện cho học sinh cách sử dụng Atlas, phân tích số liệu, nhận dạng biểu đồ bằng các bài tập trắc nghiệm.

Đối với học sinh ý thức học chưa tốt, lười học, cần kết hợp nhiều phương pháp khuyến khích tinh thần tự học, tạo hứng thú trong giờ học như: Tổ chức trò chơi liên quan kiến thức đầu buổi học, động viên, khen thưởng cho lớp đạt điểm cao trong các kỳ thi. Có thể dạy củng cố thêm kiến thức vào buổi chiều cho học sinh có điểm khảo sát dưới trung bình.

b

Học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) trong giờ học.

Chia thành từng giai đoạn

Đề tham khảo môn Ngữ văn năm nay được thầy Trần Liên Quang, giáo viên Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp, nhận định là vẫn ổn định về cấu trúc; có tính phân hóa cao. Các câu hỏi phân hóa từ dễ đến khó theo mức độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng.

Sau khi đề tham khảo được Bộ GD&ĐT công bố, thầy Quang chia sẻ: Cùng với nhiều cách thức và phương pháp học tập khác, trước hết, học sinh cần phải phân chia quỹ thời gian còn lại của năm học thành từng giai đoạn để ôn tập. Ở mỗi giai đoạn, các em hướng đến một mục tiêu nhất định nào đó (dựa theo cấu trúc đề tham khảo), qua từng giai đoạn mục tiêu cũng sẽ được nâng lên từng bước.

Chẳng hạn, giai đoạn đầu học sinh nên tập trung củng cố kiến thức nền cơ bản và giải quyết các bài tập ở mức độ nhận biết, thông hiểu (các câu 1, 2, 3 trong phần Đọc hiểu). Đến các giai đoạn tiếp theo, nâng dần lên giải quyết các bài tập ở mức vận dụng (câu 4 phần Đọc hiểu, phần Làm văn). Cần tránh việc ôn tập ôm đồm, vội vàng cùng lúc giải quyết tất cả dạng câu hỏi ở nhiều mức độ khi chưa củng cố vững những kiến thức cơ bản.

Song song với việc chia thời gian ôn tập theo từng giai đoạn, theo thầy Trần Liên Quang, thí sinh cũng cần có kế hoạch vừa học tập trau dồi kiến thức mới nhằm lấp đầy những “lỗ hổng” (dựa trên phạm vi kiến thức đề tham khảo) do học trực tuyến để lại. Cùng với đó là rà soát và bổ sung, dù đó chỉ là những đơn vị kiến thức nhỏ.

Việc bổ sung lỗ hổng kiến thức không bao giờ là dư thừa, vì trong đề thi luôn có những câu “không ngờ đến”, có thể những câu đó nằm trong “lỗ hổng” kiến thức của các em. Mỗi ngày một ít nhưng nếu thực hiện đều đặn, sau một thời gian ngắn, học sinh sẽ trang bị đủ kiến thức cơ bản và tự tin để bước vào kỳ thi quan trọng của mình.

“Thời gian học trực tuyến kéo dài, có thể các em ít có điều kiện để thảo luận, trao đổi bài học cùng bạn bè. Các em nên nhớ rằng “Học thầy không tày học bạn”, việc ôn tập với bạn bè là rất hiệu quả. Tùy điều kiện thực tế, có thể tạo nhóm (nhóm chung hoặc nhóm theo từng bộ môn) khoảng 3 - 4 bạn để cùng học.

Nhóm có thể hoạt động theo hình thức trực tiếp hoặc kết hợp trực tiếp - trực tuyến. Và để hoạt động hiệu quả, nhóm cũng cần đặt ra những mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc và phân công nhiệm vụ rõ ràng. Điều cần lưu ý là các nhóm nhất thiết phải có sự kết nối với giáo viên bộ môn thường xuyên vì thầy cô sẽ là người định hướng tốt nhất để nhóm đi đúng hướng, nhất là khi gặp những vấn đề khó cần giải quyết” - thầy Trần Liên Quang đưa lời khuyên.

Chia sẻ kinh nghiệm ôn tập môn Sinh học, cô Nguyễn Thị Diệu Hạnh, Tổ trưởng Tổ Sinh, Trường chuyên Quốc Học (Thừa Thiên - Huế), lưu ý: Thí sinh cần học kiến thức cơ bản, đúng bản chất sinh học; giảm bớt các bài toán khó, tính toán nhiều; nên thường xuyên rèn luyện bằng các đề thi theo xu hướng mới của các trường đại học trên cả nước; cập nhật thông tin về tiêu chí, tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học mình quan tâm.

Theo Báo Giáo dục và Thời đại

.
.
.