Giảm chi phí gánh nặng học hành
Theo Nghị định 81, từ năm học 2022-2023 trở đi, học phí sẽ tăng lên rất nhiều. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân, nhất là người dân nghèo, vấn đề này lại càng thêm “nóng” và nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Mức học phí tăng tạo áp lực cho nhiều gia đình. Ảnh minh họa. Nguồn: TA |
Ngày 27-8-2021, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Tuy khung học phí được Chính phủ ban hành từ năm 2021 nhưng chưa địa phương nào triển khai do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì Nghị định 81 đã có hiệu lực thực hiện nên sang năm học 2022-2023 tới đây, một số địa phương dự kiến tăng học phí, các trường đại học cũng tăng tùy mức độ tự chủ.
Cụ thể, HĐND TP Hà Nội vừa công bố dự thảo Nghị quyết về việc quy định mức thu học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026 để xem xét, thông qua tại kỳ họp vào đầu tháng 7 tới. Theo dự thảo này, năm học 2022-2023, dự kiến mức thu học phí trung học cơ sở từ 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000 - 155.000 đồng đang áp dụng. Hầu hết các bậc học còn lại cũng có mức tăng tương tự.
Tại TP. Hồ Chí Minh, phương án học phí đề xuất cho năm học 2022-2023 ở bậc THCS tăng từ 60.000 lên 300.000 đồng/tháng, tăng gấp 5 lần so với trước đây, các cấp học khác tăng 70.000 - 180.000 đồng/tháng, tùy khu vực.
Tương tự hai thành phố lớn, tại nhiều địa phương trong cả nước, dự kiến mức học phí trong năm học mới 2022-2023 cũng sẽ tăng mạnh. Bởi theo lãnh đạo các địa phương và các cơ sở giáo dục, việc tăng học phí đối với tất cả các bậc học ở các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2022-2023 được quy định rõ trong Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Ở bậc đại học, các trường cũng đồng loạt công bố tăng học phí. Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến mức học phí năm học tới là 42 triệu đồng, tăng gấp 1,2 lần so với mức học phí 35 triệu đồng của khóa tuyển sinh năm 2021. Trong ba năm tiếp theo, trường tiếp tục tăng học phí thêm 2 triệu đồng mỗi năm.
Học viện Báo chí Tuyên truyền cũng thông báo tăng học phí hệ đại trà từ 276.000 đồng/tín chỉ lên 440.559 đồng/tín chỉ (gấp 1,5 lần); hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ (gấp 1,7 lần).
Với khối trường y dược vốn có mức học phí cao hơn các khối ngành khác, mức tăng học phí lại càng cao hơn. Tại Đại học Y Hà Nội, học phí khối ngành Y dược (gồm các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng) và Răng-hàm-mặt có mức học phí 2,45 triệu đồng/tháng, tăng gấp 1,7 lần so với mức 1,43 triệu đồng đang được áp dụng. Khối ngành Sức khỏe có mức tăng thấp hơn, từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 1,85 triệu đồng/tháng…
Theo tính toán chung, mức học phí với các trường công lập tự chủ tài chính, mức học phí cao nhất có thể lên đến 1,6 triệu đồng/tháng ở bậc phổ thông, 5,46 triệu đồng/tháng với giáo dục nghề nghiệp và trên 6 triệu đồng với bậc đại học.
Những thông tin này đã khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng, nhất là khi kinh tế nhiều gia đình đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 trong những năm vừa qua. Hơn nữa sức ép lạm phát cũng rất lớn, giá cả tăng đang khiến sự chịu đựng của người dân, nhất là người dân nghèo, công nhân lao động càng trở nên nặng nề hơn. Bên cạnh đó, cứ đến đầu năm học, ngoài học phí, phụ huynh còn phải dành ra khoản tiền lớn cho việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, các khoản thu phí đầu năm…
Trao đổi về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ không có quyền quyết định việc tăng học phí mà chỉ có thể đề nghị các bộ, ngành, địa phương cân nhắc, xem xét lộ trình tăng học phí để chia sẻ khó khăn với người dân. Và trước, trong kỳ họp Quốc hội, Bộ GD-ĐT đã có thông tin về vấn đề này nhưng hầu như vẫn chưa làm thỏa mãn dư luận xã hội, chưa giải đáp được bức xúc của các đại biểu Quốc hội.
Vì vậy, trong những ngày qua, khi Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, rất nhiều đại biểu Quốc hội lại đề cập đến nội dung này, làm “nóng” nghị trường với rất nhiều những trăn trở, băn khoăn. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn Bến Tre phân tích, trong Nghị định 81, mức học phí ở giai đoạn hiện nay so với giai đoạn trước đây tăng lên rất nhiều lần, có thể từ 3-5 lần. Do đó, đại biểu kiến nghị trong điều kiện hiện nay khi đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 vừa qua, nên có chỉ đạo thống nhất để tạm hoãn việc tăng học phí, ít nhất là trong năm tới để tạo điều kiện cho học sinh được đến trường, đời sống của người dân giảm bớt khó khăn.
Chung quan điểm, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đoàn Hải Dương cũng cho rằng, ở các bậc tiểu học, trung học cơ sở hay phổ thông trung học cần có cơ chế, giải pháp giảm học phí ở mức thấp nhất, hỗ trợ tốt nhất để học sinh được đến trường, phát triển toàn diện. Nếu tăng có thể xem xét ở các cấp học cao hơn như đại học và sau đại học, lúc này các em đã có thể tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, đi làm thêm để trang trải học phí.
Tương tự, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, đoàn Tây Ninh cho rằng, việc xem xét giảm học phí và giảm các khoản thu khác cần phải làm ngay khi đời sống người dân đang bị kiệt quệ sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19…
Không riêng các đại biểu Quốc hội, trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân, phụ huynh học sinh mặc dù khẳng định việc Chính phủ tăng học phí là chủ trương đúng nhưng họ vẫn hy vọng trong giai đoạn kinh tế khó khăn này, việc tăng học phí sẽ ở mức độ phù hợp chung để con em họ vẫn thực hiện được ước mơ của mình.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn thu học phí là một trong những điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của giáo dục. Tuy nhiên, việc học phí cao quá khả năng chi trả của nhiều gia đình lại nguy cơ gạt đi cơ hội học tập của những học sinh không đủ khả năng tài chính. Vì vậy, bên cạnh những chính sách học phí, các cơ quan liên quan cần đề xuất và triển khai các phương án tài chính khác bổ trợ để giảm thấp nhất sự bất công trong việc tiếp cận, thụ hưởng giáo dục do học phí gây ra, nhất là đối với những học sinh nghèo…/.
(Theo dangcongsan.vn)