Hỗ trợ kịp thời giáo dục ngoài công lập
Hoạt động trở lại sau một thời gian dài tạm nghỉ phòng, chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh chung, các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gặp rất nhiều khó khăn.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11 về tín dụng ưu đãi với các cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số vốn 1.400 tỷ đồng. Đây được xem là tín hiệu vui giúp các cơ sở giáo dục ngoài công lập có động lực “hồi sinh”, duy trì hoạt động.
HỖ TRỢ VAY LÃI SUẤT 3,3%/NĂM
Liên tục 2 năm liền 2020 - 2021, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phải đóng cửa trong thời gian dài. Sau Tết Nguyên đán 2022, các hoạt động giáo dục dần trở lại bình thường, không ít cơ sở giáo dục ngoài công lập khi hoạt động trở lại đã lâm vào cảnh khốn khó vì thiếu kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng.
Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời tiếp sức cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập (ảnh: Nhóm mầm non Bé Thông Minh, TP. Mỹ Tho). |
Chính vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11 đã tạo thêm luồng gió mới để các cơ sở giáo dục ngoài công lập có động lực “hồi sinh”, vực dậy sau đại dịch Covid-19. Theo Quyết định 11, mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục.
Mức cho vay cụ thể đối với mỗi trường hợp do Ngân hàng Chính sách xã hội xác định dựa trên phương án vay vốn, lãi suất cho vay 3,3%/năm. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Khách hàng vay vốn theo quy định tại Quyết định 11 không phải thực hiện bảo đảm tiền vay đối với mức vay đến 100 triệu đồng. Khách hàng vay vốn theo quy định tại quyết định này có mức vay từ trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời gian giải ngân nguồn vốn cho vay không vượt quá thời điểm ngày 31-12-2023 hoặc thời điểm hết nguồn vốn cho vay, tùy theo điều kiện nào đến trước.
Vốn vay dùng để sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang, ngay sau khi có thông báo từ UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định 11, sở đã triển khai đến các Phòng GD-ĐT có nhu cầu vay vốn để kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi nhằm giúp cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhanh chóng nắm bắt thông tin và tiếp cận nguồn vốn.
TẠO ĐIỀU KIỆN TỐI ĐA
Thống kê từ Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 18 trường mầm non ngoài công lập, 120 cơ sở mầm non ngoài công lập, giảm 7 cơ sở so với đầu năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) Nguyễn Ngọc Hoàng Trang, Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng ưu đãi với các cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được ban hành đã hỗ trợ kịp thời, giúp các cơ sở giáo dục ngoài công lập giảm bớt khó khăn, phục hồi và duy trì hoạt động.
Thống kê ban đầu cho thấy, toàn tỉnh Tiền Giang đã có khoảng 40% các cơ sở giáo dục ngoài công lập có nhu cầu tiếp cận với nguồn vay vốn theo Quyết định 11. “Thấu hiểu những lo ngại của các chủ cơ sở về thủ tục hành chính vay vốn, tại từng huyện, thành, thị, thông qua Phòng GD-ĐT, Ngân hàng Chính sách xã hội của từng địa phương sẽ có nhân viên hướng dẫn hồ sơ, quy trình và thủ tục cho vay đối với các đối tượng vay vốn theo quy định, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện, chính vì vậy các chủ cơ sở hoàn toàn yên tâm”, đồng chí Nguyễn Ngọc Hoàng Trang cho biết.
Tại TP. Mỹ Tho có 35 nhóm trẻ, 5 trường mầm non tư thục và 4 trường mầm non dân lập. Ngay khi có thông tin về việc triển khai Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu, toàn thành phố có 5 đơn vị đề nghị được hỗ trợ, trong đó có 3 nhóm trẻ có nhu cầu hỗ trợ 80 triệu đồng, 1 nhóm trẻ 60 triệu đồng và 1 trường mầm non 100 triệu đồng.
Cô Hồ Thị Loan Trinh, chủ Trường Mầm non Tỏa Sáng, TP. Mỹ Tho cho biết, trường có 70 học sinh ở 5 nhóm lớp. “Được sự quan tâm từ Phòng GD-ĐT cũng như Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Mỹ Tho, tôi có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sân chơi, trang bị đồ chơi phát triển vận động cho trẻ, giúp nâng cao hiệu quả giáo dục và chăm sóc trẻ ngày một tốt hơn”, cô Trinh chia sẻ.
Còn tại huyện Châu Thành, Trưởng phòng GD-ĐT Võ Văn Dũng cho biết, toàn huyện có 18 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Qua thống kê ban đầu, có 3 cơ sở có nhu cầu vay vốn theo Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ.
“Có thể thấy, Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành kịp thời đã hỗ trợ, giúp các cơ sở giáo dục ngoài công lập giảm bớt khó khăn trước mắt, phục hồi và duy trì hoạt động.Với khoản vay và lãi suất phù hợp đã tiếp thêm nguồn lực để các cơ sở sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19,...”, đồng chí Võ Văn Dũng cho biết thêm.
Hy vọng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ sớm khắc phục khó khăn, duy trì tốt hoạt động, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà ngày một phát triển.
V. PHƯƠNG