Tiền Giang: Học sinh cuối cấp tăng tốc ôn thi
Cùng với cả nước, học sinh cuối cấp (lớp 9 và lớp 12) ở tỉnh Tiền Giang đang tăng tốc ôn thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2022. Để có kết quả tốt trong các kỳ thi quan trọng này, các trường đã lên chiến lược ôn thi cụ thể cho học sinh.
HỌC SINH LỚP 12: TĂNG TỐC ÔN THI
Theo Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, kịch bản ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có một số điều chỉnh so với các năm trước. Theo đó, nhiều trường THPT đã phân kỳ thời gian ôn tập như sau: Ôn kiến thức học kỳ I (khoảng 5 tuần), kiến thức học kỳ II (khoảng 2 đến 3 tuần) và 1 tuần ôn tổng thể chương trình.
Học sinh lớp 12, Trường THPT Chợ Gạo đang tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT. |
Cô Trần Thị Mỹ Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Tấn Phát (huyện Cai Lậy) cho biết, hiện tại nhà trường đang tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12. Với sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, qua khoảng 3 tuần ôn tập, thầy và trò lớp 12 của trường đã cơ bản đạt được một số kết quả nhất định so với kế hoạch. Từ nay đến cuối tháng 6, giáo viên của 9 môn thi tốt nghiệp THPT sẽ giúp học sinh hệ thống, củng cố kiến thức tổng quát, cốt lõi nhất.
Thầy Huỳnh Công Vương, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (huyện Châu Thành) cho biết, nhà trường hiện đang bám sát kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT. Ôn tới đâu là phải chắc đến đó, đặc biệt là đối với các kiến thức học kỳ I do các em phải học trực tuyến, nên trong quá trình ôn thi, nếu học sinh thiếu hoặc hỏng thì giáo viên sẽ bồi đắp, giúp học sinh lấy lại kiến thức. Việc ôn tập được triển khai theo hình thức chuyên đề trọng tâm, cốt lõi, đặc biệt bám sát đề thi minh họa các bài thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Công tác ôn thi cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đang được tăng tốc trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2022 sắp diễn ra vào tháng 6 và 7 tới đây. Bên cạnh công tác ôn tập, các trường cần dành thời gian trao đổi, chia sẻ, giải đáp thắc mắc cho các em học sinh, đặc biệt là nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em để kịp thời tháo gỡ với phương châm không để học sinh nào phải chịu thiệt thòi, không thể tham dự các kỳ thi. Việc tổ chức, sắp xếp thời gian ôn tập cho học sinh khoa học, phù hợp, tránh gây quá tải, áp lực để đạt hiệu quả”.
TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
Có thể thấy, các trường THPT đang tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 với phương châm nắm chắc kiến thức, tránh dàn trải và bám sát nội dung đề thi minh họa. Thực tế cũng cần nhìn nhận rằng, mục đích dự thi để xét tốt nghiệp THPT đối với học sinh 12 chỉ là điều kiện cần, còn việc xét tuyển vào các trường đại học là điều mà rất nhiều học sinh đang hướng tới.
Thống kê cho thấy, trong hơn 15.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có trên 14.500 thí sinh đăng ký thi với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Chính vì vậy, ngoài các kiến thức căn bản, các trường THPT đang tăng cường, nâng cao kiến thức để học sinh có học lực khá, giỏi có thể làm được các câu hỏi khó trong đề thi.
RÈN KỸ NĂNG LÀM BÀI THI TUYỂN SINH LỚP 10
Khoảng nửa tháng nữa sẽ diễn ra Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2022. Chính vì vậy, trong giai đoạn nước rút này, việc ôn tập chủ yếu hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài, cách tiếp cận, giải quyết đề thi sao cho nhuần nhuyễn nhất, đặc biệt là khi thời lượng làm bài môn Toán và Ngữ văn giảm từ 120 phút xuống còn 90 phút.
Cô Dương Ngọc Chuyền, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo) cho biết, với đặc thù môn Ngữ văn thì học sinh phải nắm chắc kỹ năng làm bài, để ở bất kỳ dạng đề thi nào, các em đều có thể xử lý tốt.
Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn. Ở phần đọc hiểu, trước hết các em phải đọc kỹ văn bản. Câu hỏi gì thì trả lời đó, tránh dài dòng, lan man, mất thời gian. Ở phần làm văn, câu nghị luận xã hội viết đoạn văn cần đáp ứng đầy đủ các phần mở bài, thân bài và kết đoạn, vận dụng các kiến thức làm văn, liên hệ thực tiễn các kiến thức đời sống để đưa vào bài làm. Tuy nhiên, cốt lõi của bài văn nghị luận xã hội là các em cần rút ra bài học, liên hệ thực tiễn bản thân thì vấn đề sẽ phong phú.
Còn câu nghị luận văn học, các em cần bám sát kiến thức đã học trên lớp, yêu cầu của đề bài, trình bày rõ ràng, mạch lạc theo đúng thể thức bài nghị luận văn học. Học sinh cần lưu ý đến yếu tố trình bày bài làm, tránh viết chữ cẩu thả, khó đọc.
Học sinh lớp 9, Trường THCS Long Bình Điền đang ôn thi tuyển sinh lớp 10. |
Còn với môn Tiếng Anh, cô Hà Thị Cẩm Hồng, giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS Long Bình Điền chia sẻ, đề thi môn Tiếng Anh gồm 40 câu, trong đó có hai phần, phần chung và phần riêng. Trong quá trình làm bài, học sinh cần đọc kỹ yêu cầu của đề bài để lựa chọn đáp án cho chính xác. Đặc biệt làm trắc nghiệm Tiếng Anh, học sinh cần vận dụng phương pháp loại suy để tìm ra đáp án nhanh nhất. Học sinh nên tránh trường hợp tốn nhiều thời gian cho bất kỳ câu hỏi nào, câu nào dễ làm trước, khó làm sau. Đặc biệt phần tự chọn, học sinh chỉ chọn và làm bài một phần, làm hai phần sẽ mất điểm.
Còn với môn Toán, theo thầy Võ Tấn Hoàng Việt, giáo viên Toán, Trường THCS Lê Ngọc Hân (TP. Mỹ Tho) cho rằng, với bất kỳ đề thi nào, đều cốt yếu học sinh cũng phải dành thời gian để đọc kỹ đề, đánh dấu những câu hỏi cơ bản, dễ làm trước và sau đó giải quyết câu hỏi có mức độ khó dần lên. Khi làm bài, học sinh cần chú ý một số lỗi có thể gặp phải như làm tròn số, đổi đơn vị… Học sinh cần trình bày bài làm rõ ràng, tránh việc nhảy bước để ra đáp số.
Đ. PHI