.

Thực trạng việc dạy và học Ngữ văn

Cập nhật: 09:52, 19/09/2022 (GMT+7)

Học văn theo kiểu đối phó, chép văn mẫu, những giờ dạy và học văn khô khan chỉ đọc chép… là những thực trạng đáng buồn trong dạy và học môn Ngữ văn hiện nay ở trường phổ thông. Đặc biệt vấn đề trăn trở của xã hội cũng như các chuyên gia giáo dục hiện nay là vì sao nhiều học sinh không còn mặn mà với môn Ngữ văn. Do đó, đã đến lúc cần phải thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về cách dạy và học môn Ngữ văn trong trường phổ thông.

VẪN CÒN THEO LỐI MÒN

Ngữ văn được xem là môn học công cụ quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, cùng với các môn khoa học xã hội nói chung, môn Ngữ văn dường như không còn sức hấp dẫn.   

Một tiết học tích hợp sáng tạo giữa môn Ngữ văn và Lịch sử tại Trường THPT Chợ Gạo, nhằm phát huy tư duy học sinh, góp phần nâng chất lượng dạy và học môn Ngữ văn.               Ảnh: P. CÔNG
Một tiết học tích hợp sáng tạo giữa môn Ngữ văn và Lịch sử tại Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) nhằm phát huy tư duy học sinh, góp phần nâng chất lượng dạy và học môn Ngữ văn. Ảnh: P. CÔNG

Với kinh nghiệm gần 30 năm đứng lớp, cô N.T.T.N. (giáo viên dạy Ngữ văn của một trường THCS ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) nhìn nhận, mặc dù thời gian qua, ngành Giáo dục đã có rất nhiều chủ trương đổi mới việc dạy và học môn Ngữ văn, tuy nhiên vẫn còn nhiều giáo viên loay hoay trong việc thay đổi phương pháp dạy, chưa hình thành cho học sinh phương pháp học theo lối tích cực. Trên thực tế, các giờ văn hiện nay vẫn còn duy trì theo lối dạy đọc chép, làm cho giờ học trở nên nhàm chán, khô khan, không lôi cuốn được học sinh.

“Có thể lấy một ví dụ khi dạy các kiến thức về từ ngữ, ngữ pháp Tiếng Việt, thay vì cho học sinh THCS làm nhiều bài tập vận dụng thì không ít giáo viên lại truyền đạt rất nhiều lý thuyết, trong khi những phần này học sinh đã được lĩnh hội rất nhiều ở chương trình tiểu học. Hay ở các tiết đọc hiểu văn bản, thay vì cho học sinh thảo luận, trình bày các vấn đề thì giáo viên chủ yếu cho học sinh đọc chép kiến thức từ giáo án…”, cô N. cho biết thêm.

Có thể thấy, môn Ngữ văn là sự tiếp nối chương trình Tiếng Việt từ cấp tiểu học. Qua từng cấp học, môn học này sẽ trang bị cho học sinh các kiến thức về văn bản, tập làm văn, từ ngữ và ngữ pháp Tiếng Việt. Trong đó, kỹ năng làm văn được xem là rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến thi cử. Ở từng giai đoạn khác nhau, học sinh sẽ được giáo viên hướng dẫn và rèn luyện những kiểu bài liên quan đến các thể loại tự sự, miêu tả, nghị luận, thuyết minh…

Tuy nhiên có một thực tế hiện nay là đa số học sinh lại hạn chế rất nhiều về năng lực diễn đạt. Phần đông chỉ nắm lý thuyết suông, không phát huy được năng lực tư duy cũng như vận dụng lý thuyết vào thực hành. Các vấn đề tạo lập văn bản được nhiều giáo viên đánh giá còn yếu kém, trong đó kỹ năng diễn đạt câu chưa rõ ràng, khúc chiết, viết đoạn văn còn lặp ý, lặp từ và điều đáng nói là thực trạng học sinh viết sai chính tả còn rất nhiều.

Thầy Nguyễn Minh Tuấn, một giáo viên dạy Ngữ văn bậc THPT ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho rằng, hiện nay học sinh lệ thuộc rất nhiều vào công nghệ văn mẫu. Chất lượng học sinh học văn như thế nào sẽ thể hiện rất rõ ràng qua bài kiểm tra. Mặc dù ý tưởng của mỗi học sinh mỗi khác nhưng những bài làm lại thường giống nhau.

Điều đó chứng tỏ học sinh thường dựa vào bài văn mẫu hoặc dựa vào các ý trong đề cương của thầy cô mà viết lại, không thể hiện chính kiến, cảm xúc của bản thân trước yêu cầu của đề bài. Đáng nói hơn, nhiều học sinh “học tủ, học vẹt” bài làm lạc đề, dẫn đến bị điểm kém, đó là chưa nói đến việc một số học sinh mất kiến thức rất nghiêm trọng ở môn Ngữ văn…

VÌ SAO MÔN NGỮ VĂN KÉM HẤP DẪN?

Nguyên nhân nào khiến môn Ngữ văn trở nên kém hấp dẫn là câu hỏi nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Theo nhiều giáo viên dạy Ngữ văn, sở dĩ môn học này mất đi giá trị, chỗ đứng của nó như hiện nay một phần là do tác động ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khi đó, ở xã hội hiện đại, văn hóa nghe, nhìn đã chiếm ưu thế, văn hóa đọc đi xuống thì điều tất yếu xảy ra là học sinh không thích học môn Ngữ văn.

 Giáo viên tăng cường tương tác, gợi mở cho học sinh trong giờ dạy Ngữ văn tại Trường THCS Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo.
Giáo viên tăng cường tương tác, gợi mở cho học sinh trong giờ dạy Ngữ văn tại Trường THCS Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Tuy nhiên, đó chỉ là nguyên nhân ở tầm vĩ mô. Ở một khía cạnh khác, có thể thấy môn Ngữ văn ngày càng mất đi sức hút là do định kiến của xã hội đối với các môn khoa học xã hội, trong đó có môn Ngữ văn. Nhiều phụ huynh cũng như học sinh đang có tâm lý nhìn nhận môn Ngữ văn chỉ là môn học thuộc bài, không cần phải tư duy quá nhiều, từ đó làm mất đi giá trị vốn có của môn học này.

Cô Nguyễn Thị Hạnh, một giáo viên dạy Ngữ văn bậc THCS ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Chính người trong cuộc cũng cần nhìn nhận lại vì sao học sinh có xu hướng chán học môn Ngữ văn. Phải chăng một phần do lỗi của thầy cô xưa nay vẫn theo lối dạy khô cứng, lối mòn đọc chép, chưa phát huy năng lực của học sinh.

Giáo viên đôi khi chưa tôn trọng ý tưởng riêng của học trò, vẫn còn áp đặt học sinh phải viết hay trình bày theo sự hướng dẫn của thầy cô thì mới đạt điểm cao. Chính vì thế làm cho các em lười suy nghĩ, không phát triển được ý tưởng, chính kiến của mình. Trong khi đó, môn Ngữ văn là phải khơi gợi được chính kiến của học sinh”.

Cũng theo cô Hạnh, có thể thấy, chương trình Ngữ văn trước đây chưa được đổi mới, khá nặng và còn hàn lâm về kiến thức. Nhìn trên tổng thể chương trình Ngữ văn bậc THCS, THPT trước đây có rất ít những tác phẩm văn học gần gũi với đời sống được đưa vào giảng dạy. Một số tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa như các bài về văn học trung đại khó, khô khan, không hấp dẫn đối với học sinh.

Một nguyên nhân nữa xuất phát từ việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nhiều phụ huynh lo lắng nếu con theo đuổi môn Ngữ văn sẽ khiến cơ hội chọn ngành, nghề trong tương lai của con bị hạn chế. Trên thực tế, sau khi tốt nghiệp THPT, không nhiều học sinh chọn môn Ngữ văn để xét tuyển vào các ngành học, đặc biệt là đối với các ngành khoa học xã hội.

Có thể thấy, Ngữ văn là môn học công cụ quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay. Thiết nghĩ, trong giai đoạn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như hiện nay, cần có giải pháp tổng thể để cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ Văn, để môn học này trở nên hấp dẫn, cuốn hút học sinh.

P. CÔNG

.
.
.