.

Giáo viên chủ nhiệm: Nhà sư phạm - nhà tâm lý

Cập nhật: 14:43, 31/10/2022 (GMT+7)

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bước sang năm thứ 3, triển khai đồng loạt ở ba cấp học, với mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, hài hòa về thể chất lẫn tinh thần.

Đứng trước bối cảnh đổi mới của giáo dục như hiện nay thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là rất quan trọng. Để làm tốt nhiệm vụ thì ngoài kiến thức chuyên môn đòi hỏi GVCN phải có phương pháp, bản lĩnh và quan trọng hơn là phải hiểu và nắm bắt được tâm lý học sinh.

KIÊN NHẪN, YÊU THƯƠNG VÀ BẢN LĨNH 

Theo Thông tư 28/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, ngoài các nhiệm vụ chung đối với giáo viên, GVCN còn có những nhiệm vụ như tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát với đối tượng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của từng học sinh và của cả lớp. Phối hợp với gia đình học sinh và giáo viên bộ môn, các đoàn thể trong hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh của lớp mình chủ nhiệm. Nhận xét, đánh giá xếp loại học sinh cuối kỳ và cuối năm học, đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh; đề nghị danh sách học sinh được lên lớp, danh sách học sinh phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè…

Theo nhiều giáo viên, thực tế làm giáo viên đã khó, làm GVCN thì càng khó nhiều lần. Bởi với công tác GVCN hiện nay là muôn hình vạn trạng với các tình huống sư phạm đòi hỏi người giáo viên ứng xử, giải quyết bằng kinh nghiệm thực tế chứ không có sách vở, trường lớp sư phạm nào hướng dẫn làm công tác chủ nhiệm. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ một cách tích cực, biết cách mềm dẻo hóa vấn đề thì công tác chủ nhiệm sẽ thú vị và hiệu quả cao.

Một tiết sinh hoạt chủ nhiệm ở Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho.
Một tiết sinh hoạt chủ nhiệm ở Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Cô Nguyễn Thị Giang, GVCN của  một trường THPT ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: Bén duyên với công tác chủ nhiệm đến nay đã hơn 15 năm, tôi cho rằng thực chất không có học sinh quậy hay phá phách mà do công tác giáo dục của chúng ta chưa đủ yêu thương, cảm hóa các em. Đứng trước những yêu cầu của công việc, những tình huống sư phạm liên tục đòi hỏi GVCN không ngừng cập nhật kiến thức, rèn luyện đạo đức, tác phong... để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

Cô Giang kể: “Năm cô chủ nhiệm một lớp 11, có một học sinh với các biểu hiện trầm cảm, không giao tiếp hay nói chuyện với ai, em ấy chỉ lủi thủi một mình. Sau khi nhận lớp, tôi cố gắng dành thời gian gần gũi, quan tâm tìm hiểu và nói chuyện với em ấy nhiều hơn. Hai cô trò như hai người bạn, thường xuyên cùng nhau đi ăn uống, dạo phố... Và sau đó, tôi rủ thêm một vài học sinh nữa đi cùng. Thật may mắn là sự quan tâm của tôi đã được đền đáp khi em ấy nói chuyện nhiều hơn, giao tiếp với bạn bè thường xuyên hơn và quan trọng là đã bắt nhịp tốt với việc học”.

Còn thầy Nguyễn Thành Liêm, giáo viên Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho rằng, trong môi trường học đường hiện nay vẫn còn không ít học sinh nói tục, chửi thề... Đây là vấn đề nan giải, bởi các em đa phần chịu ảnh hưởng từ phía xã hội.

“Là giáo viên môn Ngữ văn, đồng thời làm công tác chủ nhiệm, tôi hay lồng ghép các vấn đề về giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt vào các bài học, các tiết sinh hoạt ngoài giờ, giáo dục cho các em biết sửa chữa thói nói tục, chửi thề, khuyến khích các em nói lời hay ý đẹp... Thực tế cho thấy, nếu cứ đưa ra các mệnh lệnh thì các em sẽ không nghe theo, nhưng để chính các em nêu quan điểm, tự rút ra các bài học cho mình thì sẽ là phương thức giáo dục hiệu quả”, thầy Liêm chia sẻ.

ĐỂ LÀM TỐT CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM

Ở mỗi cấp học khác nhau, tính cách, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh cũng sẽ không giống nhau, do đó để làm tốt công tác GVCN, trước hết cần có cái tâm yêu nghề, sự nhiệt tình, kiên trì, nhẫn nại trong công việc. Và hơn bao giờ hết, trong bối cảnh giáo dục hiện đại như hiện nay, đòi hỏi GVCN phải làm mới mình mỗi ngày.

Theo cô Nguyễn Mỹ Phương, giáo viên Trường THPT Tứ Kiệt, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đứng trước thời đại công nghệ 4.0, giáo viên phải thay đổi chính mình, đặc biệt là với GVCN. Là người quản lý lớp, GVCN phải biết cách sử dụng những tiện ích của mạng xã hội  cũng như các tiện ích của công nghệ để tập hợp, kết nối, quản lý lớp một cách khoa học, chặt chẽ. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm của mình, GVCN phải biết cách tiếp cận phù hợp với tâm sinh lý của các em, ví dụ GVCN cũng phải tìm hiểu ngôn ngữ của “tuổi teen” hiện nay là như thế nào để vận dụng phù hợp khi tiếp cận các em… Và quan trọng hơn hết, GVCN phải làm sao để biết cách phối hợp nhuần nhuyễn 2 vai “làm thầy” và “làm bạn” nhằm phát huy hiệu quả trong công tác quản lý lớp. Ngoài ra, GVCN cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để thống nhất quan điểm giáo dục học sinh.

Theo nhiều cán bộ quản lý ở cấp tiểu học và trung học, do GVCN quá nhiều việc nên theo quy định của ngành Giáo dục thì làm công tác chủ nhiệm sẽ được giảm mỗi tuần 4 tiết dạy ở bậc trung học và 3 tiết dạy ở tiểu học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ưu đãi này chưa tương xứng với thời gian và công sức mà GVCN bỏ ra, bởi trong bối cảnh thiếu giáo viên như hiện nay, vẫn có không ít giáo viên làm chủ nhiệm lớp phải dạy vượt số tiết trong tuần theo quy định. 

Có thể thấy, GCVN lớp có vai trò quan trọng trong công tác dạy và học ở các trường học. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ có những quan tâm, giúp đỡ và có những chính sách phù hợp đối với những giáo viên làm công tác chủ nhiệm, đặc biệt là sớm tuyển dụng đủ nguồn giáo viên ở các bậc học.

Đ.PHI

 

.
.
.