Học sinh lớp 12 tránh chạy theo số đông khi chọn ngành nghề
Dù đã tìm hiểu nhiều nhưng vẫn chưa biết chọn ngành nghề nào, hay chọn ngành nghề theo bản thân, gia đình, xã hội… đó là tâm lý chung của nhiều học sinh lớp 12 trước quyết định chọn nghề nghiệp tương lai cho mình. Làm thế nào để lựa chọn nghề nghiệp tốt cho tương lai là câu hỏi không hề đơn giản đối với học sinh lớp 12 trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT - kỳ thi quan trọng của cuộc đời.
ĐẮN ĐO, SUY NGHĨ
Mặc dù thời điểm này, học sinh lớp 12 đã được các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tư vấn rất kỹ về việc chọn ngành nghề, nhưng vẫn còn không ít học sinh đắn đo, suy nghĩ trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời.
Em Nguyễn Quỳnh Mai, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP. Mỹ Tho cho biết, em đã tìm hiểu rất nhiều ngành nghề nhưng không biết chọn ngành nào phù hợp với bản thân. Bởi hiện nay, số lượng ngành nghề đào tạo ở các trường đại học khá đa dạng, na ná nhau.
Để chọn được một ngành nghề phù hợp với bản thân, tốt cho tương lai quả là điều không dễ dàng, trong khi nhiệm vụ quan trọng và chiếm gần như hết thời gian của học sinh lớp 12 hiện nay là hoàn thành tốt chương trình học, ôn thi tốt nghiệp THPT.
Tư vấn hướng nghiệp năm học 2022 - 2023 tại Trường THPT Chuyên Tiền Giang. |
Tương tự, em Trần Minh Duy, học sinh lớp 12, Trường THPT Vĩnh Kim, huyện Châu Thành chia sẻ: “Em thích làm giáo viên, nhưng gia đình lại muốn em theo ngành Y làm bác sĩ. Do đó, em rất đắn đo, suy nghĩ không biết tính toán sao để hài hòa giữa bản thân và gia đình”.
Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang, thời gian tới các doanh nghiệp lĩnh vực cơ khí, thực phẩm, công nghiệp chế tạo, các ngành dịch vụ du lịch và dịch vụ khác phát triển, việc thu hút dự án đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp phía Đông của tỉnh, dự kiến sẽ có nhu cầu ngày càng nhiều lao động có chuyên môn kỹ thuật. Nhìn chung, hiện nay học sinh, sinh viên tốt nghiệp các nhóm ngành kỹ thuật như cơ khí, hàn, điện công nghiệp, công nghệ may, công nghệ thông tin... đều được các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận: Long An, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh... tuyển dụng với số lượng lớn. Học sinh, sinh viên học các ngành, nghề nêu trên sẽ có cơ hội việc làm tốt. Do đó, học sinh muốn học trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học nên quan tâm các ngành nghề kỹ thuật: Cơ khí, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện lạnh, điện tử, xây dựng, công nghệ thông tin, công nghệ may, công nghệ thực phẩm, logistics... |
Theo nhiều giáo viên phụ trách công tác tư vấn, hướng nghiệp, cách chọn ngành nghề của học sinh trong nhiều mùa tuyển sinh vừa qua thường rập khuôn theo kiểu từ việc chọn bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội, sau đó đến chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT, rồi đến ngành, trường.
Đây là xu thế chọn ngành nghề theo cảm tính, thay vì học sinh chọn ngành trước, rồi tới khối thi chọn sau. Do đó, trong bối cảnh giáo dục như hiện nay công việc quan trọng là cần định hướng, giúp học sinh chọn ra nghề nghiệp sao cho phù hợp bản thân, tốt cho tương lai.
LÀM GÌ ĐỂ CHỌN NGÀNH NGHỀ PHÙ HỢP?
Thực tế, không có công thức nào hoặc mẫu số chung nào trong việc chọn ngành nghề. Trong giai đoạn này, học sinh lớp 12 đang phải tự chọn cho mình quyết định lớn trong cuộc đời, đó là chọn ngành nghề gì sau khi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, để ngành học thật sự phù hợp với bản thân thì người học phải có đam mê nhằm giúp người học tự khám phá, tự tìm cái khác biệt trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo chia sẻ: “Thời gian còn lại trong năm học này tuy không nhiều nhưng vẫn còn cơ hội để học sinh suy nghĩ, đưa ra quyết định trong việc chọn ngành nghề.
Trong giai đoạn này, bên cạnh việc học, các em hãy tự tìm hiểu thông tin về các ngành mà bản thân các em biết, đọc thật nhiều về ngành nghề mình thích và hãy đặt mình trong trường hợp ngành nghề đó, để tự đặt ra những câu hỏi là mình sẽ làm gì, mức độ yêu thích của mình ra sao, rồi hãy đưa ra quyết định, tránh trường hợp “nước tới chân” mới suy nghĩ, rồi đặt bút viết vào hồ sơ đăng ký chọn ngành nghề theo học”.
Trường THPT Trương Định (TX. Gò Công) tổ chức sinh hoạt ngoại khóa về tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm học 2022 - 2023. Ảnh: P.V |
Theo Thạc sĩ Đinh Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tiền Giang, một trong những câu hỏi lý tưởng đối với việc chọn ngành nghề là vì sao mình chọn ngành đó và chọn ngành đó để làm gì. Việc chọn ngành nghề cần phải hết sức thực tế, tránh mơ hồ, chạy theo số đông.
Học sinh cần phải kiểm tra sự phù hợp bản thân với ngành nghề, khả năng tài chính của gia đình, nơi chọn trường để học, môi trường học tập ra sao… Bởi thực tế đã có nhiều sinh viên sau khi học hết năm nhất đành bỏ cuộc vì cảm thấy mình không phù hợp với ngành nghề đã chọn.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Phương Toàn cho biết, thời gian còn lại của năm học 2022 - 2023 không nhiều, chính vì vậy học sinh lớp 12 cần nghiên cứu để đưa ra cho mình sự lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất.
Theo đó, có 3 việc quan trọng cần phải làm là tập trung cao độ cho việc học tập cũng như ôn tập để thi tốt nghiệp THPT sắp tới; cần nghiên cứu, đưa ra quyết định về định hướng nghề nghiệp cho bản thân; cuối cùng là giữ cho bản thân tinh thần thật thoải mái, không áp lực. Nếu có vấn đề mới về tuyển sinh hay Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ngành Giáo dục sẽ thông báo kịp thời đến học sinh lớp 12.
Đ. PHI