Thận trọng xét tuyển sớm
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian các thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển là tháng 7/2023, nhưng đến thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhiều trường tiếp tục tung các gói học bổng tuyển sinh hấp dẫn để thu hút thí sinh. Chuyên gia cảnh báo, đây cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến “việt vị” trong tuyển sinh…
Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến giữ ổn định quy chế tuyển sinh. |
“Cuộc đua” sớm
Khi các trường đại học không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT mà áp dụng các phương thức tuyển sinh như: Xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển... để thu nhận hồ sơ và công bố kết quả xét tuyển (trúng tuyển có điều kiện) trước kỳ thi tốt nghiệp THPT thì được gọi là xét tuyển sớm.
Dù chưa hết tháng 2 nhưng nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển năm 2023 theo các phương thức xét tuyển sớm. Đơn cử, Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội xét tuyển qua kết quả học tập THPT (học bạ THPT). Theo đó, thí sinh có thể xét tuyển bằng điểm học bạ lớp 11 và học kỳ I lớp 12 hoặc điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp các môn đăng ký. Nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng đợt đầu tiên đến 31/5 cho tất cả các ngành đào tạo ở trình độ đại học và cao đẳng. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trước 31/3 được giảm 10% học phí học kỳ I năm học 2023 - 2024.
Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt đầu tiên đến 31/3 cho 59 ngành đào tạo tại trường. Đến nay, trường nhận được hơn 200 hồ sơ xét học bạ, trong đó có nhiều thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước. Thí sinh có hai phương thức để đăng ký xét tuyển học bạ gồm: Xét tuyển học bạ ba học kỳ và xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp ba môn. Đợt 1 xét học bạ sẽ kết thúc vào ngày 31/3, sau đó trường xét tuyển bảy đợt nữa. Công tác xét tuyển dự kiến kéo dài đến 15/9.
Theo thông báo của Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), nhà trường tuyển sinh trình độ đại học đợt 1 năm 2023 theo hai phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do USTH tổ chức; Xét tuyển thẳng theo đề án của trường. Thời gian thu hồ sơ từ ngày 13 đến 26/2.
Tính đến nay, đã có gần 100 trường xét học bạ THPT, bảy trường công bố tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đại học. Bên cạnh đó, năm học 2023 - 2024, nhiều trường đại học tiếp tục tung các gói học bổng tuyển sinh để thu hút thí sinh.
Khuyến cáo của chuyên gia giáo dục: Việc nộp hồ sơ ứng tuyển xét tuyển sớm không có nghĩa là thí sinh chắc chắn có được “tấm vé” vào đại học trong tay. Các em vẫn có thể bị trượt nếu không đủ các điều kiện của trường quy định. Vì thế, thí sinh cần chủ động các phương án, với các phương thức xét tuyển khác nhau của các cơ sở giáo dục đại học nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển cho mình. |
Năm học 2023 - 2024, Trường đại học Nguyễn Tất Thành vẫn dành quỹ học bổng lên tới 50 tỷ đồng. Trong đó học bổng Khuyến học trị giá từ 5 - 7 triệu đồng/suất dành cho 2.000 sinh viên đại học chính quy nhập học đầu tiên của khóa 2023, áp dụng trước ngày 30/9.
Trường đại học Văn Hiến tiếp tục thực hiện chính sách học bổng nhằm hỗ trợ sinh viên khó khăn, trong đó học bổng Tài năng sẽ miễn 100% học phí toàn khóa đối với một thủ khoa đầu vào cấp trường; Giảm 50% học phí toàn khóa đối với hai á khoa đầu vào cấp trường, giảm 30% học phí toàn khóa đối với 30 thủ khoa đầu vào của 30 ngành.
Quỹ học bổng cho tân sinh viên năm học 2023 - 2024 của Trường đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) là 93 tỷ đồng. Cụ thể, trường có 20 suất học bổng Chủ tịch SIU toàn phần, gồm học phí (trị giá khoảng 238-581,2 triệu đồng/suất) và sinh hoạt phí (trị giá 80 triệu đồng/suất) trong bốn năm dành cho học sinh xuất sắc của các trường THPT trên toàn quốc…
Năm học 2023 - 2024, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tiếp tục chính sách học bổng thu hút dành cho sinh viên theo học các ngành đặc thù của nhà trường gồm: Vật lý học, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Khoa học môi trường…
Theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020), các trường đại học được phát huy quyền tự chủ trong tuyển sinh và được tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm. Trong bối cảnh đó, câu chuyện tuyển sinh được nhiều người ví như cuộc đua, với mức độ cạnh tranh cao giữa các cơ sở đào tạo.
Theo kết quả do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hồi tháng 9/2022, gần 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm. Có 35% trong số này đặt ngành trúng tuyển sớm ở nguyện vọng 1; còn lại 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi). 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp.
Các trường đại học đang có nhiều kế hoạch tuyển sinh sớm. |
Không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung
Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến không ban hành quy chế tuyển sinh mới, vẫn áp dụng quy chế và quy trình giống năm 2022. Theo quy chế, các trường được quyền tổ chức xét tuyển sớm và có thể tổ chức xét tuyển sớm nếu có nhu cầu. Các trường được xét tuyển sớm, công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ. Việc cung cấp thông tin cho thí sinh khi xét tuyển xong chỉ là tạm thời hoặc trúng tuyển có điều kiện.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2023, các trường phải công bố đề án tuyển sinh và quy chế tuyển sinh riêng của trường. Quy chế tuyển sinh của trường phải cụ thể hóa quy chế tuyển sinh của Bộ. Các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, việc các trường được quyền xét tuyển sớm cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến “việt vị” trong tuyển sinh. Các trường phải thực hiện đúng quy định, bám sát Quy chế tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường cần bám sát để nắm bắt các điều chỉnh (nếu có), tránh tình trạng “cầm đèn chạy trước ô-tô”.
PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, nếu áp dụng Quy chế tuyển sinh năm 2022 thì năm nay thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn nguyện vọng và sắp xếp thứ tự nguyện vọng từ trên xuống dưới. Bộ tiếp tục thực hiện lọc ảo chung các phương thức xét tuyển. Vì thế, dù các trường có xét tuyển sớm và thông báo sớm danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển thì vẫn phải tải danh sách này lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tiến hành lọc ảo.
Liên quan vấn đề nhiều trường đại học “tung” học bổng để thu hút thí sinh trước các mùa tuyển sinh, các chuyên gia cho rằng, là cách thức không mới trong các mùa tuyển sinh gần đây, ít nhiều có tác dụng thúc đẩy, thu hút thí sinh đăng ký tham gia vào ngành học yêu thích. Tuy vậy, phần lớn chính sách học bổng tuyển sinh chỉ tham gia hỗ trợ tân sinh viên trong năm đầu, các năm học tiếp theo người học cần duy trì tốt thành tích học tập, nếu không sẽ không được xét, thậm chí nhiều trường có yếu tố nước ngoài chỉ xét cấp học bổng trong năm đầu tiên cho sinh viên.
Hiện, các điều kiện và tiêu chí được nhận 10%, 20%, 30% học bổng miễn giảm học phí ngày càng dễ, gần như “cào bằng” dành cho tất cả sinh viên. Vì vậy, nhiều chuyên gia tuyển sinh khuyên sinh viên cần cân nhắc. Thực tế, không ít sinh viên vì ham mê chính sách ưu đãi học phí, học bổng từ các trường có chương trình liên kết quốc tế, chọn theo học, để rồi không thể xoay nổi tài chính trong năm học thứ hai.
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn tuyển sinh và thị trường nhân lực cho biết, chính sách học bổng chủ yếu đến từ chính học phí của thí sinh được nhà trường tái đầu tư, nhất là trường công theo đuổi cơ chế tự chủ. “Quỹ học bổng các trường ngày càng tăng, đây là điều đáng mừng. Học bổng trở thành bệ đỡ cho hàng trăm, hàng nghìn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục giấc mơ học tập. Tuy vậy, không ít trường xem học bổng như một “mồi nhử” thí sinh. Một số trường miễn giảm 50 - 100% học tập trong năm đầu để rồi gia tăng chi phí đào tạo và dịch vụ ở các năm sau để bù đắp lại.
Vì vậy, nếu sinh viên chỉ nhìn cái lợi trước mắt, không tính toán đường dài và lộ trình tài chính, sẽ đối diện nhiều khó khăn. Học bổng là chính sách tốt, nhưng trong cơ chế tự chủ tài chính toàn diện như hiện nay, việc giữ vững chính sách học bổng hàng chục tỷ đồng/năm cho từng sinh viên trong suốt quá trình đào tạo là điều không dễ dàng, do đó sinh viên cần phải cân nhắc thật kỹ”, ông Tuấn nói.
(Theo nhandan.vn)