Mạnh tay với tuyển sinh đại học vượt chỉ tiêu
Liên tiếp trong 2 năm 2021-2022, số trường đại học (ĐH) tuyển sinh vượt chỉ tiêu tăng so với những năm trước và không cập nhật lên hệ thống về tuyển sinh các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, vừa học vừa làm, từ xa. Theo các chuyên gia, Bộ GD-ĐT nên công khai các trường tuyển vượt chỉ tiêu và cần có chế tài mạnh nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo.
Sinh viên ngành Điện tử viễn thông Trường ĐH Quốc tế trong giờ thực hành. |
Nhiều trường tuyển vượt
Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa xử phạt hành chính 78 trường ĐH tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong năm 2022. Đây không phải là năm đầu tiên xảy ra tình trạng nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu, và một số cơ sở đào tạo vi phạm điển hình như Trường ĐH FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai; Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Nguyễn Trãi đều tuyển vượt chỉ tiêu và đã bị xử lý…
Năm 2021, vi phạm trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo được xem xét theo quy định tại Nghị định số 04/2021/NĐ-CP (Nghị định 04), tức tuyển vượt 3% chỉ tiêu sẽ bị xử lý; trong khi trước đó được xem xét theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP (Nghị định 138) là tuyển vượt từ 5% trở lên mới bị xử phạt. Tuy nhiên, có những cơ sở đào tạo mặc dù không tuyển đủ theo tổng chỉ tiêu nhưng lại vi phạm tuyển vượt ở từng khối ngành. Điều này dẫn đến số lượng cơ sở đào tạo bị xử lý tăng lên so với những năm trước, cá biệt có khối ngành số lượng chỉ tiêu các trường xác định thấp (dưới 50 chỉ tiêu) dẫn đến khi tuyển sinh vượt chỉ tiêu với tỷ lệ lớn.
Các cơ sở đào tạo còn bị xử lý khi tuyển sinh không đúng đề án đã phê duyệt, mặc dù tuyển sinh chưa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực. Theo đại diện một trường ĐH công lập tại TPHCM, năm 2022, trường có ngành thuộc nhóm ngành nông lâm - ngư - thủy hải sản (thuộc nhóm ngành khó tuyển) tuyển vượt 20 chỉ tiêu nhưng cũng bị phạt. “Nếu tuyển không đủ thì ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo trong suốt 3-4 năm. Còn nếu tuyển vượt nhích lên một chút sẽ bị phạt nên quả thực rất khó cho nhà trường”, lãnh đạo một trường ĐH băn khoăn.
Xử phạt nặng, công khai cơ sở vi phạm
Thí sinh làm thủ tục thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 26-3 tại Đồng Nai. |
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, việc xử phạt vi phạm trong tuyển sinh theo Nghị định 04 của Chính phủ là siết chặt hơn so với Nghị định 138. Điều này nhằm “nắn gân” các trường sai phạm và quan trọng hơn là đảm bảo chất lượng đào tạo cho người học. Tuy nhiên, với tinh thần tự chủ ĐH, tự chịu trách nhiệm, Bộ GD-ĐT nên công khai danh sách các trường vi phạm trong việc xác định chỉ tiêu, tuyển vượt chỉ tiêu cùng với các hình thức xử phạt để xã hội cùng biết và giám sát. Còn theo ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên chuyên viên tuyển sinh của Bộ GD-ĐT tại khu vực phía Nam, việc tuyển vượt, xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo năm nào cũng tồn tại chính là do việc xử phạt còn quá nhẹ. Hệ quả của sai phạm này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Nhiều trường thiếu giảng viên, thiếu cơ sở vật chất nhưng vẫn tuyển vượt chỉ tiêu và chấp nhận đóng phạt, nhất là các trường ĐH tư. Đơn giản vì mức xử phạt thấp, thu học phí cao nên một số trường ĐH tư chấp nhận xử phạt để tuyển vượt. Do đó, theo ông Nguyễn Quốc Cường, cùng với việc xử phạt, Bộ GD-ĐT nên kèm theo các hình thức như tước quyền xác định chỉ tiêu và khấu trừ chỉ tiêu tuyển vượt cho từng ngành hoặc theo tổng chỉ tiêu đã tuyển vượt năm trước cho những năm kế tiếp.
Trong khi đó, với góc nhìn của nhà quản lý, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), việc nhiều trường vi phạm tuyển vượt chỉ tiêu ngày càng tăng có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, trước tiên phải nói đến là tâm lý sợ tuyển không đủ chỉ tiêu theo hạn mức sẽ kéo theo nguồn thu học phí suy giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của chính nhà trường, nên nhiều trường bất chấp quy định về đảm bảo chất lượng. Tiếp đến là nghị định xử phạt vi phạm hành chính quá thấp hoặc cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người học. Từ đó, nhiều trường sẵn sàng tuyển vượt và chấp nhận nộp phạt.
Một nguyên nhân khác nữa, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, là việc kiểm định hiện nay quá hình thức; những ngành có tỷ lệ tuyển vượt quá cao lại không được công nhận kiểm định và minh bạch về chất lượng đào tạo. “Đối với những ngành tuyển vượt chỉ tiêu mà vẫn bỏ qua việc kiểm định, Bộ GD-ĐT nên tạm dừng hoạt động kiểm định để điều tra làm rõ như ngành công an đã làm với các trung tâm kiểm định xe cơ giới vừa qua. Để kiểm soát chỉ tiêu, ngăn chặn tình trạng tuyển vượt, cần phải sử dụng các công cụ khác để thanh tra, kiểm tra thông qua kế hoạch dạy học của giảng viên, tiền thanh toán, thuế thu nhập và hồ sơ của giảng viên, kế hoạch thực tập, hợp tác với doanh nghiệp, phỏng vấn sinh viên...”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
(Theo sggp.org.vn)