.

Những lưu ý về Kỳ thi tốt nghiệp phổ trung học phổ thông năm 2023

Cập nhật: 20:11, 17/04/2023 (GMT+7)

Hội nghị tập huấn toàn quốc về Công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo khai mạc sáng nay, 17/4, tại thành phố Đà Nẵng với hơn 400 đại biểu tham dự. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tham gia hội nghị sáng 17/4 tại Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng.
Các đại biểu tham gia hội nghị sáng 17/4 tại Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhấn mạnh tính chất quan trọng, khó khăn, phức tạp của kỳ thi. Theo đó, kỳ thi diễn ra trong một không gian rất rộng, số thí sinh tham gia rất đông, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, do vậy công việc đòi hỏi các khâu phải chính xác, chặt chẽ, đúng quy trình, tuyệt đối không được xảy ra sai sót.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trong nhiều năm qua đã tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có được điều đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, tận tụy, kinh nghiệm quý báu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo, các cán bộ, giáo viên, nhân viên… ngành giáo dục. Với khối lượng công việc rất lớn, Thứ trưởng yêu cầu các đại biểu tham dự cần tập trung cao độ; không diễn ra một chiều là báo cáo viên chia sẻ mà là hai chiều hỏi-đáp; thảo luận, trao đổi với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, cầu thị; nói thẳng, nói thật, phản ảnh hết; tiếp nhận đủ, giải thích cặn kẽ, thấu đáo.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thứ trưởng yêu cầu các báo cáo viên tham gia hội nghị giải thích, phân tích những điểm mới của Quy chế thi, vấn đề cần lưu ý của Quy chế/hướng dẫn thi. Nêu những vấn đề dễ xảy ra sai sót trong quá trình làm thi đúc rút từ kinh nghiệm nhiều năm, qua thực tế của các địa phương. Tiếp nhận, tiếp thu, giải thích tối đa các câu hỏi, những băn khoăn, vướng mắc của các sở giáo dục và đào tạo. Phân tích, giải thích trực quan, thí dụ cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Để tổ chức tốt kỳ thi, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu lưu ý thực hiện tốt “4 đúng”, “3 không”. Cụ thể: “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng/đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm (kịp thời) xử lý những sự cố, tình huống bất thường. Và “3 không”, là không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý những tình huống bất thường; không cứng nhắc, áp lực thái quá.

Lưu ý đặc biệt các thiết bị hiện đại dùng để gian lận trong kỳ thi.
Lưu ý đặc biệt các thiết bị hiện đại dùng để gian lận trong kỳ thi.

Sau hội nghị tập huấn này, các sở giáo dục và đào tạo từng tỉnh, thành phố sẽ triển khai các hội nghị tập huấn theo kế hoạch, trong đó lưu ý nội dung mới, những vấn đề dễ nảy sinh, cá thể hóa đối tượng tập huấn. Các sở giáo dục và đào tạo với vai trò là cơ quan nòng cốt, thường trực cần chủ động đề xuất, phối hợp tốt với các sở/ngành liên quan, như: Công an, thanh tra, y tế, điện lực, giao thông, đoàn thanh niên, UBND các huyện/thành phố. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động chỉ đạo để hoàn thành chương trình lớp 12; hướng dẫn thí sinh đăng ký dự thi, điền các thông tin đầy đủ, chính xác.

“Chúng tôi yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên phục vụ, tham gia tổ chức kỳ thi đều phải được tập huấn về quy chế thi, hướng dẫn thi và tập huấn sâu về chức trách nhiệm vụ của mình. Với một yêu cầu là không một cán bộ nào tham gia vào các công đoạn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT lại không nắm vững quy chế, hướng dẫn thi, liên quan trực tiếp chức trách, nhiệm vụ của mình. Do thay đổi, do bổ sung mà không được tập huấn đại trà, các đồng chí phải yêu cầu nghiên cứu quy chế, nghiên cứu hướng dẫn…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

(Theo nhandan.vn)


 

 

 

 

.
.
.