Thứ Tư, 07/06/2023, 10:14 (GMT+7)
.

Những thông tin tuyển sinh đầu cấp ở TP. Mỹ Tho

Để chuẩn bị cho năm học mới, TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đang gấp rút triển khai các quy trình tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024 tại các trường học trên toàn địa bàn thành phố. Xoay quanh công tác tuyển sinh đầu cấp ở TP. Mỹ Tho, Tiến sĩ Lê Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Mỹ Tho cho biết:

Năm học 2023 - 2024, đối với tuyển sinh lớp 1, TP. Mỹ Tho sẽ tuyển tất cả các trẻ sinh năm 2017 vào lớp 1 theo địa bàn của trường tiểu học quản lý phổ cập giáo dục tiểu học. Theo đó, 20 trường tiểu học trên địa bàn thành phố sẽ tuyển mới 92 lớp 1, với 3.115 học sinh (HS).

Ở lớp 6, sẽ tuyển tất cả HS học lớp 5 vào học tại các trường THCS trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố sẽ tuyển mới 4.038 HS với 93 lớp. Cũng giống năm học trước, công tác tuyển sinh lớp 6 năm nay, bên cạnh việc xét tuyển thì 2 trường THCS: Xuân Diệu và Lê Ngọc Hân sẽ tổ chức xét tuyển kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực HS đối với trường hợp HS trái tuyến.

Cụ thể, Trường THCS Lê Ngọc Hân tuyển 941 HS với 22 lớp, trong đó có 90 chỉ tiêu xét tuyển, kiểm tra, đánh giá năng lực. Trường THCS Xuân Diệu tuyển 900 HS với 20 lớp, trong đó có 50 chỉ tiêu xét tuyển, kiểm tra, đánh giá năng lực.

Ở bậc học mầm non, TP. Mỹ Tho huy động 100% trẻ 5 tuổi vào học lớp mẫu giáo. Ở độ tuổi nhà trẻ, thành phố sẽ mở 86 nhóm, với 1.368 trẻ và mở 240 lớp ở độ tuổi mẫu giáo, với 7.188 trẻ.

* Phóng viên (PV): Vấn đề tuyển sinh trái tuyến, ưu tiên trong tuyển thẳng được rất nhiều phụ huynh quan tâm trong tuyển sinh đầu cấp ở thành phố, Tiến sĩ có thể thông tin cụ thể những điều kiện ưu tiên xét tuyển HS ngoài địa bàn phổ cập năm học 2023 - 2024?

* Tiến sĩ Lê Văn Dũng: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường mầm non, tiểu học, THCS trong công tác tuyển sinh năm học 2023 - 2024, Phòng GD-ĐT TP. Mỹ Tho xây dựng các điều kiện ưu tiên xét tuyển đối với HS ngoài địa bàn phổ cập, cụ thể như sau: Thứ nhất, HS có cha và mẹ (cha hoặc mẹ) là công chức, viên chức, nhân viên đang công tác tại trường.

Thứ hai, HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ thuộc hộ nghèo…) mà việc được nhận vào học tại trường sẽ tạo điều kiện cho việc học tập của các em (có lý do chính đáng).

Thứ ba, HS có cha và mẹ (cha hoặc mẹ) hiện là cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước, công nhân (các khu công nghiệp), lực lượng vũ trang có trụ sở, cơ quan, đơn vị tại phường, xã nơi trường tọa lạc hoặc giáp ranh với phường, xã nơi trường tọa lạc.

Với việc xét tuyển sinh đầu cấp ở bậc mầm non, tiểu học, hồ sơ tuyển sinh chỉ nộp vào một trường, không được nộp vào nhiều trường. Khi kiểm tra, đối chiếu, nếu phát hiện hồ sơ của trẻ, HS nộp vào nhiều trường thì hồ sơ đó sẽ bị loại và giải quyết đúng địa bàn phổ cập.

* PV: Việc xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực HS vào 2 trường THCS: Lê Ngọc Hân và Xuân Diệu được thực hiện như thế nào, thưa Tiến sĩ?

* Tiến sĩ Lê Văn Dũng:  Về hình thức và nội dung đề kiểm tra đánh giá năng lực: Nội dung kiểm tra thuộc Chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5 hiện hành. Bài kiểm tra thiết kế theo hình thức trắc nghiệm khách quan, kết hợp với tự luận, đảm bảo 4 yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Nếu số HS nộp hồ sơ kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực vào Trường THCS Xuân Diệu và THCS Lê Ngọc Hân thấp hơn hoặc bằng chỉ tiêu của trường thì không tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực mà chỉ tiến hành xét tuyển.

Về cách tính điểm trúng tuyển áp dụng thang điểm 10 (hệ số 1) cho 2 môn Tiếng Việt và Toán. Căn cứ vào kết quả đánh giá năng lực sẽ xét điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Không xét đối với HS có bài kiểm tra từ 1 điểm trở xuống. Với những HS thuộc diện kiểm tra, đánh giá năng lực nếu không trúng tuyển vào Trường THCS Lê Ngọc Hân và THCS Xuân Diệu vẫn được xét tuyển vào lớp 6 tại địa bàn quản lý phổ cập. 

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

ĐỖ PHI (thực hiện)

.
.
.