.

Điểm thi sẽ không có nhiều biến động

Cập nhật: 10:08, 03/07/2023 (GMT+7)

Từ ngày 1-7, sở GD-ĐT của các tỉnh, thành phố trên cả nước chính thức tiến hành làm phách, họp hội đồng chấm thi để bắt đầu cho công tác chấm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đánh giá của các giáo viên, đề thi có mức độ phân hóa cao nên điểm thi sẽ không có nhiều biến động, không có tình trạng lạm phát điểm 10 như những năm trước.

4 môn thi chấm điểm qua máy quét

Ngày 1-7, Bộ GD-ĐT công bố đáp án và thang điểm môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 để 63 sở GD-ĐT trên cả nước tiến hành chấm thi. Trong 5 môn thi tốt nghiệp, môn Ngữ văn là môn thi tự luận và chấm điểm bằng tay, 4 môn thi còn lại (gồm Ngoại ngữ, Toán, bài thi Khoa học Tự nhiên và bài thi Khoa học Xã hội) chấm trắc nghiệm qua máy quét.

Thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương có 14.344 thí sinh đăng ký dự thi, môn Ngữ văn có 14.084 thí sinh đăng ký dự thi, môn Toán có 14.045 thí sinh, Ngoại ngữ có 11.519 thí sinh... Bài thi được chuyển về địa điểm chấm thi vào chiều ngày 29-6 và hiện đang tiến hành làm phách.

Riêng môn Ngữ văn, ban làm phách tiến hành theo 2 vòng độc lập, dự kiến bàn giao bài thi đã làm phách vòng 1 cho vòng 2 vào ngày 3-7 để tổ làm phách vòng 2 tiếp tục hoàn thành làm phách và giao bài thi cho ban chấm thi vào ngày 4-7.

Thí sinh thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THCS Lê Lợi, quận 3, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Thí sinh thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THCS Lê Lợi, quận 3, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Theo ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, tỉnh có 33.263 thí sinh đăng ký dự thi (trong đó có 26.009 thí sinh THPT, 7.254 thí sinh giáo dục thường xuyên và tự do). Ban chấm thi tiến hành chấm thi từ ngày 1-7. Thời gian chấm bài sẽ hoàn thành đúng theo tiến độ mà Bộ GD-ĐT đã đưa ra, và chuyển kết quả về Bộ GD-ĐT ngày 15-7.

Trong khi đó, thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm nay Hà Nội có 102.095 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, là địa phương có số thí sinh đông nhất cả nước. Trong đó có 88.831 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT, 13.264 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên.

Để thực hiện chấm thi, Hà Nội huy động gần 600 giáo viên tham gia (cả tự luận và trắc nghiệm). Công tác chấm thi thực hiện từ ngày 1-7 và công bố kết quả theo thời gian quy định của Bộ GD-ĐT.

Có sự phân hóa rõ nét

Nhận xét về đề thi Toán, TS Phạm Hồng Danh, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn, nguyên giảng viên Khoa Toán - Thống kê, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho biết, đề Toán năm nay dù có vài dạng lạ hơn so với năm trước và so với đề tham khảo, nhưng nhìn chung vẫn dễ hơn năm trước một chút.

Những câu khó của đề năm nay không bằng câu khó nhất của đề năm trước. Tuy nhiên, vẫn có những câu phải làm trong khoảng 15 phút mới xong. Phổ điểm sẽ không chênh lệch nhiều. Dự kiến có khoảng 85% thí sinh có phổ điểm từ 3 đến 7 điểm.

Trong khi đó, theo giáo viên dạy môn Vật lý Trần Ngọc Lân (Trường THPT Lê Thánh Tông, TPHCM), các đề thi của bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) có độ phân hóa rõ nét. Mức độ câu khó giảm, nhưng lại có những câu rất khó. Ở môn Sinh học, số lượng câu hỏi lý thuyết tăng lên so với năm trước (chiếm 87,5%), câu hỏi bài tập chỉ có 5 câu (chiếm 12,5%); 10 câu cuối có tính phân hóa cao hơn so với năm trước để đảm bảo sự phân hóa các thí sinh cho việc xét tuyển đại học.

Ở môn Vật lý, học sinh dễ kiếm điểm 5, nhưng để đạt điểm 9, 10 thì khó. Đề thi có khoảng 70% là cơ bản và 30% mang tính phân loại. Các câu trắc nghiệm định tính (lý thuyết) chiếm khoảng 50%. Các câu hỏi mang tính phân loại cao liên quan đến thực tiễn, ứng dụng.

Đối với đề thi môn Hóa, 30 câu đầu thuộc mức độ đơn giản, học sinh có thể làm ra kết quả rất nhanh. Còn lại 10 câu đòi hỏi có sự tư duy. Đề năm nay không có câu liên quan điện phân nên mức độ khó giảm đi so với năm trước. Câu đồ thị cũng có phần nhẹ nhàng hơn mọi năm. Theo đánh giá của các giáo viên, phổ điểm bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên dao động từ 6 tới 7 điểm; học sinh khá có thể đạt điểm 8.

Thí sinh kiểm tra thông tin phiếu báo danh trước giờ làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Lương Văn Can, quận 8, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Thí sinh kiểm tra thông tin phiếu báo danh trước giờ làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Lương Văn Can, quận 8, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG


Về các đề thi của bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội, theo giáo viên môn Giáo dục Công dân Nguyễn Thanh Hường (Trường THPT Tây Thạnh, TPHCM), nhìn chung kỳ thi năm nay có phần mới lạ và dễ hơn so với kỳ thi năm 2022.

Ví dụ như môn Giáo dục Công dân, học sinh thuộc bài có thể dễ dàng đạt được điểm 8, 9. Chỉ có hai câu ở mức độ vận dụng cao, đòi hỏi học sinh có khả năng phân tích và suy luận. Phổ điểm vẫn tập trung từ 5 tới 8 điểm. Tuy nhiên, số học sinh đạt điểm 9 và 10 sẽ nhiều hơn năm trước. Các môn Địa Lý và Lịch sử cũng sẽ có phổ điểm cao, tập trung nhiều ở mức điểm 7-8, nhưng điểm 10 sẽ ít hơn.

Riêng với đề thi môn Tiếng Anh, giáo viên môn Tiếng Anh Bùi Trọng Quyền (Trường THPT Vĩnh Viễn, TPHCM) cho rằng, đề thi không khó hơn năm trước. Những phần khó nhất trong bài nằm trong bài đọc, như tìm phát biểu không đúng (câu 41 mã đề 409), hỏi về hàm ý trong bài (câu 42 mã 409). Vì vậy, phổ điểm được dự báo khoảng 85% thí sinh sẽ đạt từ 3-7 điểm; số thí sinh đạt điểm 10 sẽ thấp hơn so với năm 2022.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, TPHCM đã huy động hơn 1.800 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT. Việc chấm thi được triển khai từ ngày 1-7, và dự kiến hoàn thành vào ngày 10-7.

Theo kế hoạch, kết quả thi sẽ được gửi về Bộ GD-ĐT vào ngày 15-7 và được Bộ GD-ĐT công bố đồng loạt vào lúc 8 giờ ngày 18-7. Thí sinh nộp đơn phúc khảo từ ngày 18-7 đến hết ngày 27-7 tại đơn vị đăng ký dự thi tốt nghiệp. Kết quả chấm phúc khảo công bố chậm nhất vào ngày 5-8.

 

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.