Thứ Bảy, 29/07/2023, 08:34 (GMT+7)
.

Nóng bỏng mùa tuyển sinh

Quy chế tuyển sinh năm nay lấy mốc 17 giờ ngày 30/7 là hạn chót để thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cân nhắc kỹ lưỡng điểm số, yêu cầu của từng trường đồng thời xác định rõ mục tiêu, khả năng, niềm đam mê của bản thân để lựa chọn ngành nghề... là những yêu cầu được các chuyên gia nhấn mạnh.

Đây là thời điểm quyết định để các thí sinh lựa chọn ngành nghề. Ảnh: HẠ AN
Đây là thời điểm quyết định để các thí sinh lựa chọn ngành nghề. Ảnh: HẠ AN

Sự ổn định cần thiết

Trước đó, theo kế hoạch tuyển sinh, từ ngày 15/6 đến 20/7, thí sinh tự do có nguyện vọng đăng ký xét tuyển sẽ phải đến các Điểm tiếp nhận (theo quy định của sở giáo dục và đào tạo) để tạo tài khoản đăng ký xét tuyển trên hệ thống.

Tuy nhiên, đến đầu tuần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được phản ánh của các sở, các trường và nhiều thí sinh về việc: Do chưa tạo tài khoản trên hệ thống, nên thí sinh không đăng ký được nguyện vọng xét tuyển. Để tạo điều kiện tốt nhất cho những thí sinh này, Bộ thông báo gia hạn "Hệ thống sẽ được mở lại từ 9:00 ngày 26/7 đến 17:00 ngày 28/7, để các Điểm tiếp nhận tiếp tục mở tài khoản đăng ký xét tuyển cho thí sinh".

Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tương đối ổn định như vài năm gần đây, có tính phân hóa. Theo TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phân tích, hình thái này nói lên việc ra đề của Bộ khá chắc chắn, tạo ra sự ổn định cho học sinh và xã hội.

Đặc biệt, một số môn có sự cải thiện, thí dụ phổ điểm của môn Lịch sử. Các môn Toán, Vật lý, Hóa học tính ổn định khá cao. Môn Giáo dục công dân có nhiều điểm khá giỏi. "Có thể nói, kỳ thi đã đạt được mục đích đánh giá tốt nghiệp THPT và trở thành căn cứ cho các trường đại học tham khảo, xét tuyển vì có sự phân hóa tốt. Về phổ điểm môn tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phân tích đến từng vùng, từng trường học để xem như thế nào. Trên cơ sở đó mới có kết luận và các đề xuất chính xác về dạy và học ngoại ngữ", ông kiến nghị.

Cẩn trọng với "chiến thuật" xét tuyển

Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi THPT năm nay lấy điểm sàn quanh mức 20, một số trường 15-16, một số ít cơ sở giáo dục lấy điểm vượt lên như Trường đại học Ngoại thương (23,5 điểm), áp dụng tại tất cả cơ sở, ngành và tổ hợp. Như vậy, nếu không có điểm ưu tiên, trung bình thí sinh phải đạt gần 8 điểm/môn mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển. Một số trường chỉ lấy một mức điểm sàn 20, như Trường đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Trường Quốc tế, Luật, Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội),... Trong khi đó, một số trường khác có ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào "khá mềm", từ 15, 16 điểm như: Giao thông vận tải, Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Hàng không Việt Nam, Công đoàn, Hoa Sen, Gia Định,...

Cũng bởi điểm sàn, điểm trúng tuyển giữa các trường có sự phân hóa cao nên tại các hội nghị tư vấn tuyển sinh, nhiều ý kiến chuyên gia thường lưu ý các thí sinh thận trọng khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. "Để tránh rủi ro, thí sinh nên đặt một số nguyện vọng và san đều ở những nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau, đừng dồn tất cả nguyện vọng vào các trường tốp cao. Đây có thể xem là "chiến thuật" để tăng độ hiệu quả và tỷ lệ trúng tuyển đại học cho các em", PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Giáo dục đại học nhắc nhở.

Một trong những lỗi mà nhiều thí sinh hay mắc là không nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường. Trong khi, thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đại học phát huy "quyền tự chủ" đã điều chỉnh và có không ít thay đổi trong quy chế, phương án tuyển sinh; nên nếu thí sinh không tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh, dễ dẫn đến những sai lầm đáng tiếc trong quyết định mang tính định hướng tương lai này. Việc thí sinh không nên đặt quá ít hoặc quá nhiều nguyện vọng cũng được các chuyên gia khuyến cáo.

Theo kế hoạch, năm học 2023-2024, chương trình mới (Chương trình 2018) tiếp tục được áp dụng với ba khối 4, 8 và 11, năm tiếp theo (2024-2025) là khối 5, 9 và 12. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ đổi mới hoàn toàn để phù hợp với lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình mới. Như vậy, năm 2024, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là các học sinh của chương trình cũ nên kỳ thi sẽ được giữ ổn định về mô hình, cách tổ chức, nếu có chỉ là điều chỉnh thêm về chuyên môn, nội dung cho phù hợp với thực tiễn.

Trước đó, trung tuần tháng 3 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với dự kiến bốn môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Ở hệ giáo dục thường xuyên, số môn thi bắt buộc là ba (trừ Ngoại ngữ). Ngoài ra, các thí sinh phải chọn thêm hai môn khác trong bảy môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý

Kết thúc thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8: Thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký.

Trước 17 giờ ngày 22/8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn năm 2023 và kết quả xét tuyển.

Trước 17 giờ ngày 6/9, tất cả các thí sinh trúng tuyển cần xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống. Nếu thí sinh không xác nhận nhập học sẽ phải đợi xét tuyển bổ sung các đợt xét tuyển tiếp theo (nếu có) của trường.

(Theo nhandan.vn)
 

 

 

.
.
.