.

ĐBSCL: Loay hoay khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Cập nhật: 08:38, 24/08/2023 (GMT+7)

Để có đủ giáo viên dạy học trong năm học mới 2023 - 2024, thời gian qua, ngành giáo dục các tỉnh ĐBSCL đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nguồn tuyển, song đến nay nhiều nơi vẫn chưa tuyển đủ.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành chức năng các địa phương thực hiện hợp đồng giáo viên, thỉnh giảng, đặt hàng đào tạo giáo viên...
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành chức năng các địa phương thực hiện hợp đồng giáo viên, thỉnh giảng, đặt hàng đào tạo giáo viên...

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện thiếu khoảng 400 giáo viên bậc mầm non; khoảng 300 giáo viên bậc tiểu học; khoảng 300 giáo viên bậc THCS và khoảng 100 giáo viên bậc THPT. Dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng về quy mô học sinh, số lớp và nhu cầu sử dụng giáo viên của các bậc học trong việc thực hiện Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn cho biết, hiện tại, ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang đang mở 11 lớp bồi dưỡng môn mới trong Chương trình GDPT năm 2018. Theo đó, đợt 1 (năm 2023) có 189 giáo viên môn Tin học và Công nghệ, 370 giáo viên Khoa học tự nhiên, 330 giáo viên Lịch sử và Địa lý được bồi dưỡng do Trường Đại học Sư phạm TPHCM đảm nhận thực hiện.

Ông Nguyễn Phương Toàn phân tích, chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi về cơ cấu môn học nên có môn thừa, môn thiếu. Từ năm học 2021 - 2022 trở về trước, môn tiếng Anh và Tin học ở tiểu học là tự chọn; các môn Âm nhạc, Mỹ thuật không có trong chương trình THPT. Còn chương trình mới, tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3; Âm nhạc, Mỹ thuật được đưa vào là môn lựa chọn từ lớp 10 nên việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, ngoài việc Sở GD-ĐT có thẩm quyền tuyển dụng cho 38 đơn vị THPT trực thuộc thì ở các bậc học còn lại THCS, tiểu học, mầm non lại không phải là đơn vị Phòng GD-ĐT chủ trì, từ đó dẫn tới việc không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.

Còn tại Long An, tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh còn thiếu 1.365 giáo viên, cụ thể: cấp mầm non thiếu 273 giáo viên; cấp tiểu học thiếu 411 giáo viên, cấp trung học cơ sở thiếu 434 giáo viên, cấp trung học phổ thông thiếu 247 giáo viên.

Để khắc phục tình trạng trên, các trường đã vận động giáo viên đang giảng dạy tăng số tiết, số giờ/tuần. UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo ngành Giáo dục - Đào tạo và các địa phương thực hiện hợp đồng thỉnh giảng đối với giáo viên theo quy định.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An cho biết, việc thực hiện hợp đồng thỉnh giảng đã góp phần rất lớn trong giải quyết tạm thời tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh Long An. Ngoài ra, ngành chức năng đang triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên theo quy định, đồng thời xây dựng triển khai chính sách thu hút nguồn nhân lực của tỉnh.

Việc thỉnh giảng giáo viên sẽ rất khó khăn trong việc sắp xếp thời khoá biểu cho giáo viên.
Việc thỉnh giảng giáo viên sẽ rất khó khăn trong việc sắp xếp thời khoá biểu cho giáo viên.

Cũng như Long An, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các trường thực hiện hợp đồng giáo viên. Tuy nhiên, hiện rất nhiều trường cũng không có nguồn giáo viên để hợp đồng, nhất là các trường nằm xa khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, các trường thỉnh giảng giáo viên từ các trường khác, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp chắp vá, tạm thời, bởi rất khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu cho giáo viên.

Ngoài ra, các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, TP Cần Thơ… tình trạng chỗ thiếu chỗ thừa giáo viên vẫn chưa có giải pháp triệt để. Hiện, ngành giáo dục các tỉnh vùng ĐBSCL đang phối hợp với các trường đại học liên kết trong việc đào tạo nguồn giáo viên, đặc biệt là ở các bộ môn đặc thù khó tuyển dụng như: Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật…

(Theo www.sggp.org.vn)

 

 

 

 

.
.
.